"Sau này có một người tìm đến trả giá 45 tỷ đồng. Tôi từ chối, không muốn bán ở thời điểm đó bởi có mục đích khác", anh Phương nói.
Giới chơi cây cảnh cả nước chắc chắn ai cũng biết đến anh Phương – chị Lan (Thủ Dầu Một, Bình Dương) – cặp vợ chồng có đam mê bất tận đối với các loại cây cảnh cổ thụ và sở hữu hàng loạt cây cực quý hiếm. Đặc biệt, cặp đôi sống trong ngôi nhà tuềnh toàng nhưng sở hữu một cây cảnh được hai người định giá 60 tỷ đồng.
Anh Phương chị Lan có niềm đam mê với cây cảnh.
Điều này khiến không ít người không khỏi choáng váng, thắc mắc vì sao họ lại chấp nhận ở chỗ không khang trang mặc dù có tài sản quý hiếm. Một số khác cho rằng cặp đôi đang thổi phồng giá trị của các loại cây cảnh mà mình sở hữu. “2 năm trước, mình có xem được đoạn clip mà anh Phương và chị Lan rao bán cây cảnh đó. Cả hai quyết định bán với giá 60 tỷ đồng – số tiền không hề nhỏ đối với người dân Việt Nam.
Đáng nói, đoạn clip đó đã thu hút được 25 triệu lượt xem với rất nhiều ý kiến trái chiều. Giờ mình không biết số phận của cây cảnh đó ra sao? ai là chủ sở hữu của nó tại thời điểm hiện tại?...”, một người từng biết đến vợ chồng anh Phương cho biết.
Cây cảnh mang tên Lâm Vồ đệ nhất trời Nam được vợ chồng anh Phương chị Lan định giá 60 tỷ đồng.
Và không để mọi người chờ đợi lâu, anh Như Phú – chủ kênh Độc lạ Bình Dương đã tìm gặp lại anh Phương và chị Lan để xem cuộc sống giờ ra sao, chiếc cây rao bán 60 tỷ đồng đã có chủ mới hay chưa….
Mở đầu câu chuyện, anh Phương hào hứng nói: “Sau 2 năm ròng, cái cây mang tên Lâm Vồ đệ nhất trời Nam mà vợ chồng tôi rao bán 60 tỷ đồng vẫn ở đây. Nó vẫn ở bên cạnh, được chúng tôi chăm sóc và tỉa tót mỗi ngày.
Hẳn nhiều người sẽ cười hả hê và cho rằng chúng tôi thổi giá, ảo tưởng khi phát giá tận 60 tỷ đồng đúng không? Song tôi xin khẳng định bản thân không hề hoang tưởng, cũng chẳng nói quá về giá trị của chiếc cây. Tôi tin những ai am hiểu về cây cảnh sẽ biết chắc nó có giá như thế nào”.
Nhắc đến chuyện vì sao chiếc cây Lâm Vồ đệ nhất trời Nam vẫn nằm ở đó, anh Phương không ngần ngại cho biết, sau khi “nổi tiếng” trên mạng xã hội với hàng triệu lượt xem đã có 5 người tìm đến ngỏ ý mua. Tuy nhiên vì hai bên không thể mặc cả được giá nên anh quyết định giữ lại đến tận bây giờ.
Sang năm ở Thanh Hoá tổ chức Lễ hội Festivan cây cảnh, anh Phương sẽ mang nó đi tham dự, so đấu với những cây quý hiếm khác.
“Hồi đó có một người gọi điện trả giá 40 tỷ đồng. Tôi đã mời họ đến nhà để giao dịch trực tiếp. Nhưng họ đến lại mặc cả sẽ trả 20 tỷ đồng tiền mặt, 20 tỷ đồng còn lại trả bằng lan đột biến. Tôi không đồng ý vì đâu có am hiểu về lan đột biến. Tôi nói với họ rằng sẽ bớt 2 tỷ đồng, chỉ lấy 38 tỷ đồng song họ không đủ khả năng để trả.
Sau này có một người tìm đến trả giá 45 tỷ đồng. Tôi từ chối, không muốn bán ở thời điểm đó bởi có mục đích khác. Đó là sang năm ở Thanh Hoá tổ chức Lễ hội Festivan cây cảnh, tôi sẽ mang nó đi tham dự, so đấu với những cây quý hiếm khác”, anh Phương tâm sự.
Khi ấy có rất nhiều đại gia trong giới cây cảnh ghé tới tham quan và sẵn sàng “xuống tiền”. Anh Phương tin chắc Lâm Vồ đệ nhất trời Nam sẽ tìm được chủ nhân am hiểu, trân trọng và trả giá đúng với giá trị mà nó có được.
Cặp đôi tiếp tục rao bán cây khế cổ với giá 2 tỷ đồng.
Khi được hỏi: “Vợ chồng anh sở hữu cây cảnh tiền chục tỷ như thế nhưng lại sống trong căn nhà tuềnh toàng. Vậy tại sao anh không bán để lấy tiền trang trải cuộc sống, xây dựng nhà khang trang để ở?”, chị Lân liền vội giải thích: “Nhà mình đơn sơ nhưng vẫn có thể che mưa che nắng được. Mình cảm thấy tạm ổn khi sống ở đây, giờ chưa quá quan trọng nhà cao cửa rộng. Mình đợi thêm chút thời gian nữa sẽ có tất cả thôi”.
Cũng trong lần trò chuyện này, anh Phương muốn rao bán cây khế tên Thiên Long Vũ Hội có tuổi đời 80 năm trị giá 2 tỷ đồng. Anh bảo số tiền bán được sẽ dùng một nửa để làm công tác từ thiện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền Tổ quốc.
“Đây là cây khế cổ mà tôi mua từ nhà vườn Long Khánh (Đồng Nai) của một nghệ nhân gốc Nam Định. Sau đó tôi đã uốn nắn thế dáng, cắt tỉa rồi chăm sóc gần chục năm qua. Tôi hi vọng nó sẽ có chủ mới quan tâm như “sống” ở đây”, anh Phương nói.