“Người ta thương nên hay cho tiền lắm, hôm được vài chục, bữa được tiền trăm. Nó lại đem về đưa cho tôi để mua sữa cho 2 đứa trẻ. Hôm nào “ế ẩm” mà nhà hết sữa thì tôi lấy gạo nấu cháo loãng, chắt nước rồi cho đứa thứ 2 bú", bà Bích tâm sự.
Ghé Thuận Bắc (Ninh Thuận) hỏi thăm gia đình bà Thị Bích (72 tuổi, người đồng bào Rắc-lây) ai cũng hay biết. Thậm chí người ta có thể kể rõ hoàn cảnh của chị Thị Căn – con gáo ruột của bà, đã ngoài 30 tuổi nhưng khờ khạo, lúc tỉnh lúc mê…
“Trong làng có rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhưng đặc biệt nhất vẫn là nhà bà Bích. Bà dù ở cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng chưa một ngày được thảnh thơi, miệt mài chăm sóc 2 đứa cháu ngoại là con của chị Căn.
Thậm chí bà còn phải gồng gánh mọi việc trong nhà, từ nấu cơm, cho cháu ăn, quét dọn… Sở dĩ vậy vì chị Bích mắc bệnh tâm thần, lúc vui thì không sao chứ “lên cơn” là quậy phá, chửi bới mẹ già”, một người hàng xóm của gia đình bà Bích cho biết.
Sau đó người này dẫn chúng tôi đến nhà của mẹ con bà Bích. Căn nhà cấp 4 được xây dựng từ lâu, bên trong chẳng có thứ gì đáng giá ngoài chiếc ban thờ thờ cúng chồng và con trai lớn của bà.
Lúc này chị Căn đang giặt quần áo cho lũ trẻ, thấy khách đến nhà liền vội vàng dừng tay. Chị bảo bản thân là người khờ, không được thông minh nhanh nhẹn như người khác nhưng biết nói tiếng Kinh.
Chị Căn và đứa con lớn.
“Mình giặt đồ cho hai đứa con. Cả hai đang ở trong nhà kia kìa, một bé gái và một bé trai. Mình không biết chăm nhưng vẫn đi xin tiền về mua sữa cho con đó”, chị Căn hào hứng khoẻ.
Con gái vừa dứt lời, bà Bích – đang ngồi trong nhà ẵm cháu ngoại mới sinh được vài tháng cho biết: “Hai đứa nhỏ này là con ruột của cái Căn, còn cha là ai thì không ai biết cả. Thậm chí nó cũng chẳng biết bản thân có thai với ai, hỏi thì cứ u a ú ớ ấy.
Tôi biết con gái tâm thần, khờ khạo nên chẳng điều tra làm gì cả vì do con mình không biết gì mà. Vì thế tôi chấp nhận con không chồng mà chửa, chấp nhận nuôi nấng 2 đứa nhỏ dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn”.
Bà Bích vốn sinh được 2 người con: một trai, một gái. Song con trai lớn của bà vắn số, ra đi từ khi còn rất trẻ. Bà kìm nén nỗi đau mất con, nuôi dưỡng con gái út bị tâm thần với hi vọng tương lai có người chăm sóc và phụng dưỡng.
Nhưng người phụ nữ ngoài 70 tuổi chưa một ngày được hưởng trọn đạo hiếu từ con gái đã hay tin sét đánh: Con gái có thai. “Tôi chết điếng, không thể tin rằng nó có thai. Tôi cũng không thể ngờ có người nhẫn tâm hãm hiếp nó. Song tôi không dám dắt nó đến bệnh viện để phá bỏ cái thai vì dù sao cũng là một sinh linh, là máu mủ của gia đình tôi.
Tôi quyết định để nó sinh đứa trẻ ra rồi nuôi dưỡng thành người. Sau này đứa trẻ trưởng thành, tôi chết đi cũng sẽ có người chăm sóc cái Căn”, bà Bích tâm sự.
Hai đứa con thơ ngây và kháu khỉnh của chị Căn.
Ngày chị Căn đi đẻ, bà Bích nín thở mong chờ cháu ngoại cất tiếng khóc chào đời. Sau đó bà đặt tên, chăm sóc như một người mẹ hiền, mong chờ từng ngày cháu lớn khôn, có thể đỡ đần được việc này việc kia.
“Vậy mà con bé chưa kịp lớn thì cái Căn tiếp tục mang bầu lần 2. Tôi gục gã không biết phải làm sao vì thêm một đứa cháu đồng nghĩa với việc gánh nặng kinh tế nhiều hơn. Cuối cùng tôi vẫn để con bé sinh con, không thể làm điều ác với một đứa trẻ được”, bà Bích trải lòng.
Nhắc đến chuyện nuôi 2 cháu ngoại có khó khăn gì hay không, người phụ nữ Ninh Thuận cho biết xưa bà làm đủ nghề để kiếm sống, nuôi con gái khờ khạo. Nhưng từ lúc chị Căn sinh con, bà không thể đi làm. Do đó chị phải ra ngoài đường ăn xin hoặc ai cho gì nhận đó để cải thiện cuộc sống.
“Người ta thương nên hay cho tiền lắm, hôm được vài chục, bữa được tiền trăm. Nó lại đem về đưa cho tôi để mua sữa cho 2 đứa trẻ. Hôm nào “ế ẩm” mà nhà hết sữa thì tôi lấy gạo nấu cháo loãng, chắt nước rồi cho đứa thứ 2 bú.
Trộm vía hai đứa trẻ biết hoàn cảnh nên ngoan ngoãn, không quấy khóc nhiều. Nhờ đó tôi mới có sức chăm sóc suốt mấy năm qua”, bà Bích thành thật.
Chị Căn dù không bình thường nhưng tình mẫu tử trong chị luôn mãnh liệt. Thi thoảng chị lại xin mẹ cho mình được ẵm bồng, cưng nựng hai đứa trẻ. Đặc biệt chị có thể cáu với mọi người nhưng chưa bao giờ nổi cơn với giọt máu của chính mình.