Cặp vợ chồng suýt mất 280 triệu đồng từ đúng "số tổng đài" của ngân hàng, thủ đoạn lừa đảo vô cùng tinh vi

NGỌC HÀ - Ngày 03/04/2023 12:00 PM (GMT+7)

Vào 19h36 phút ngày 1/4 có một tin nhắn “từ đúng số tổng đài Vietcombank” gửi đến điện thoại của chồng chị Huyền Bùi với nội dung: “Ứng dụng Digibank được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ”...

Gần đây, tình trạng lừa đảo chuyển tiền qua Internet Banking diễn ra ở mức đáng báo động. Bọn tội phạm ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn để chiếm đoạt tài sản của người dân, như câu chuyện vợ chồng Travel Blogger (*) Huyền Bùi suýt mất 280 triệu đồng dưới đây.

Chị Huyền Bùi cho biết, vào 19h36 phút ngày 1/4 có một tin nhắn “từ đúng số tổng đài Vietcombank” gửi đến điện thoại của chồng chị với nội dung: “Ứng dụng Digibank được phát hiện kích hoạt trên thiết bị lạ”, gửi kèm 1 đường link yêu cầu đăng nhập vào để đổi thiết bị hoặc hủy đi.

“Tin nhắn từ đúng tổng đài thì quá là uy tín. Chồng em cũng ấn vào link, màn hình đăng nhập y hệt web chính chủ. Nhập ID và Pass xong rồi, đến đoạn chuẩn bị ấn đăng nhập thì tự nhiên khựng lại, thấy sai sai vì Digibank là app trên điện thoại của ngân hàng, mà lại gửi link giao diện web, xong nhìn lại link tên miền vietcombank.vn xong lại gạch ngang -ms.top . Thế là huỷ ngang, chuyển hết tiền sang tài khoản ngân hàng khác cho yên tâm, rồi mới gọi tổng đài Vietcombank.

Cặp vợ chồng suýt mất 280 triệu đồng từ đúng amp;#34;số tổng đàiamp;#34; của ngân hàng, thủ đoạn lừa đảo vô cùng tinh vi - 1

Tổng đài hỏi lại một câu thế anh đã đăng nhập chưa? Chồng em bảo gõ vào rồi nhưng chưa ấn đăng nhập. Bạn ấy bảo may mắn vì đây là chiêu thức lừa đảo mới, sau khi mình đăng nhập, nó sẽ báo OTP về máy, mình ấn vào một cái là tài khoản trừ hết sạch tiền luôn”, Huyền Bùi kể lại trên trang cá nhân.

Cũng theo cô nàng, may ông xã tỉnh táo, chứ phải cô là xong chuyện. “Sợ thế! May mắn thật sự luôn. Mọi người đặc biệt lưu ý chiêu lừa đảo mới này nhé! Giờ để tiền trong tài khoản sợ thế, bao nhiêu chiêu lừa đảo, nhiều người sáng ngủ dậy tài khoản sạch banh chả còn đồng nào”, Huyền Bùi đưa ra lời cảnh báo đến với bạn bè.

Lý giải vì sao bọn lừa đảo nhắn tin lại “nhảy sang” tin nhắn của tổng đài ngân hàng, Huyền Bùi nói: “Sau khi đăng bài và được mọi người giải thích, em hiểu rằng đây không phải là bọn nó hack được tổng đài của Vietcombank mà là Fake Brand Name Vietcombank (giả mạo tên Vietcombank). Khi tin nhắn gửi đến điện thoại mình, mạng điện thoại thấy cùng đầu tên thì gộp vào 1 cuộc hội thoại, do đó mới có cả tin nhắn cũ và tin nhắn mới cùng nhau như vậy. Quá là tinh vi mọi người nhỉ, thấy thế thì chả uy tín”.

Cặp vợ chồng suýt mất 280 triệu đồng từ đúng amp;#34;số tổng đàiamp;#34; của ngân hàng, thủ đoạn lừa đảo vô cùng tinh vi - 2

Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện của Huyền Bùi đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng với hàng nghìn lời bình luận, hàng chục nghìn lượt thích và chia sẻ. Ai cũng hoang mang và lo sợ rủi ro xảy ra khi gặp tình huống như vậy. Đồng thời họ tò mò rằng nếu trong trường hợp bị bọn lừa đảo đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng liệu có thể lấy lại tiền hay không, làm như thế nào để không rơi vào “cạm bẫy” của chúng…

Nếu chẳng may bị lừa đảo chuyển tiền qua Internet Banking, cần làm gì?

Nếu chẳng may bị lừa đảo chuyển tiền cho kẻ xấu, hãy tố giác tội phạm lừa đảo đến cơ quan chức năng để có thể lấy lại tiền. Theo đó, bạn cần đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Tiếp theo họ sẽ điều tra, truy tố, xét xử, dùng những biện pháp tư pháp để buộc bội tội phạm trả tiền lại cho người bị hại.

Để lấy lại số tiền đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bạn cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vì chỉ có pháp luật mới có những chế tài xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự và dùng các biện pháp tư pháp để buộc bọn tội phạm hoàn trả lại tài sản cho bạn.

Ngoài việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, buộc phải hoàn trả lại tài sản cho người bị hại mà bọn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có trách nhiệm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra. Vì vậy nếu như bạn có thiệt hại do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do chúng gây ra thì hãy trình báo để được bồi thường.

Để tránh bị lừa đảo chuyển tiền, bạn hãy lưu ý 5 điều sau đây:

Tuyệt đối không Click vào những tin nhắn đáng ngờ đặc biệt là những tin nhắn không phải từ ngân hàng. Trong trường hợp trên, kẻ xấu đã giả mạo chính tên ngân hàng, do đó hãy luôn cảnh giác, kiểm tra lại phía ngân hàng khi nhận được tin nhắn yêu cầu bấm vào link. Vì nếu bạn truy cập vào những đường link lạ, bọn xấu sẽ lấy tất cả thông tin sau đó sẽ chiếm đoạt tài khoản và tiền của bạn.

Không chia sẻ OTP cho bất kỳ ai kể cả ngân hàng vì không có bất kỳ ngân hàng nào yêu cầu bạn cung cấp mã này. Vì vậy nếu ai yêu cầu cung cấp OTP, bạn hãy báo cho công an điều tra và đổi lại mật khẩu Internet Banking ngay.

Đặt mật khẩu khó đoán, đổi mật khẩu thường xuyên 3 tháng một lần để đảm bảo an toàn. Một mật khẩu mạnh sẽ có tối thiểu từ 8 - 12 ký tự trở lên, bao gồm ký tự đặc biệt và chữ viết hoa.

Hạn chế truy cập vào Internet Banking khi bạn đang dùng Wifi công cộng. Những Wifi này không yêu cầu mật khẩu để người dùng có thể truy cập nhanh chóng hơn. Vì vậy chúng thường không được bảo vệ, nhiều tin tặc dễ dàng lấy cắp thông tin của người sử dụng.

Nếu như bạn làm mất điện thoại hay smartphone có cài đặt Internet Banking thì nên thay đổi mật khẩu tài khoản ngay. Ngoài ra nếu như bạn mất số điện thoại dùng để nhận mã OTP xác thực giao dịch thì hãy khóa số điện thoại này ngay.

(*) Travel Blogger: Là thuật ngữ để chỉ những người có niềm đam mê du lịch, khám phá thế giới, chia sẻ những trải nghiệm mà họ có thông qua việc đăng tải các nội dung trên các kênh mạng xã hội.

Thời gian giải quyết tin báo tố giác tội phạm

Tại Điều 11 Thông tư liên tịch số 01/2017 quy định về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm như sau:

- Với các tin báo tội phạm thông thường: Không quá 20 ngày kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

- Đối với tố giác, tin báo về tội phạm có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm: Có thể kéo dài thời hạn giải quyết nhưng không quá 02 tháng kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm.

Đồng thời, theo điểm b khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017 được sửa đổi tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2021, thời hạn kể từ khi Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.

Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.

Như vậy, thời gian giải quyết tin báo tội phạm sẽ thường mất khoảng vài tuần. Song các đối tượng lừa đảo thường ẩn danh hoặc giả mạo, sau khi chiếm đoạt tài sản sẽ xóa liên hệ nên việc tìm kiếm thông tin người lừa đảo gặp nhiều khó khăn. Do đó, thời gian điều tra có thể sẽ kéo dài hơn so với quy định.

Lừa đảo con cấp cứu, chuyển tiền ngay đã xuất hiện ở Hà Nội: Nhà trường bật chế độ cảnh giác, bệnh viện hướng dẫn cách nhận biết thật-giả
Hiện nhiều nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông báo tới phụ huynh học sinh, còn các bệnh viện cũng có hướng dẫn để xác minh người thân có thật sự đang nhập viện hay không.

Tin tức Hà Nội

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h