Không ai có thể ngờ rằng cậu học sinh nhỏ bé này có thể đạp xe mỗi ngày 1 giờ đồng hồ đến trường dù đường bùn đất, mưa phùn.
Trong khi học sinh thành phố được cha mẹ đưa đón, chăm lo chuyện học hành cẩn thận, chỉn chu thì lại có những em học sinh ở miền núi phải tự mình trèo đèo, lội suối, vượt qua những con đường đầy bùn đất trên hành trình đến trường.
Mới đây, hình ảnh cậu bé 6 tuổi chân tay lấm lem bùn đất bên chiếc xe đạp đã gây bão mạng xã hội. Thông tin chia sẻ cho biết, em tên là Quyết, học lớp 1 điểm trường Thồng Lốc, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn. Trong ba lô em ngoài sách vở còn có 1 chiếc quần dài.
Được biết, nhà em học sinh này ở Pha Mỏ và em biết đi xe đạp từ lớp mẫu giáo.
Hình ảnh cậu bé 6 tuổi chân tay lấm lem bùn đất bên chiếc xe đạp gây bão mạng xã hội.
Do nhà ở xa nên mỗi ngày Quyết phải đạp xe 1 giờ đồng hồ trên con đường bùn đất lầy lội và mưa phùn. Không những thế, chiếc xe đạp của cậu bé bị hỏng bàn đạp nên chắc chắn vượt quãng đường xa như vậy cậu bé sẽ rất đau chân.
Hình ảnh cậu bé đeo ba lô trên vai, chân đi dép tổ ong bẩn lấm lem khiến ai nấy phải rưng rưng. "Thương em, cố lên em nhé. Chúc em một đời an yên, tương lai vẫn đang phía trước, chàng trai đầy nghị lực", một thành viên mạng bày tỏ.
Mỗi ngày Quyết đạp 1 giờ đồng hồ để đến trường.
Liên quan đến hình ảnh xúc động trên, trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Quyết – Chủ tịch UBND xã Nam Quan (Bình Lộc, Lạng Sơn) xác nhận cậu bé ở làng Pha mỏ, thôn Nà Pá, xã Nam Quan.
"Từ nhà cậu bé này ra điểm trường đi học khoảng 5-6km, trong đó có đến 2/3 quãng đường là đường đất sau đó mới ra được đường nhựa. Do trời mưa, sợ mặc quần dài bị bẩn nên cậu bé đã mặc quần cộc và cho quần dài vào cặp sách rồi đến trường thay. Mùa mưa ở đây hầu hết các em học sinh phải đi bộ đi học, hôm nào trời nắng may ra mới đi được xe đạp", ông Quyết chia sẻ.
Ông Quyết cho biết thêm, ở trong thôn Nà Pá có khoảng 10 hộ dân sinh sống. Đa số các hộ dân ở đây đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Hằng năm, những dịp lễ, Tết chính quyền cũng động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các chế độ chính sách cho tất cả hộ dân trong thôn.