"Cậu bé mặt quỷ" ngộ nghĩnh

Ngày 31/01/2015 15:25 PM (GMT+7)

Ai gặp anh lần đầu cũng không khỏi hốt hoảng, thậm chí hét toáng lên vì gương mặt của anh “khác người”. Đó là anh Lê Hửu Hiền (SN 1976), thường gọi là Ba Lép, ngụ phường 2, thành phố Vĩnh Long.

Cận cảnh “cậu bé mặt quỉ”

Ba Lép tên thật là Lê Hửu Hiền, sinh năm 1976, ở phường 2 – Thành phố Vĩnh Long. Nhà Ba Lép nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, đón chúng tôi là ông Lê Văn Vui (70 tuổi), cha ruột của Ba Lép.

Ông Vui cho biết: “Ngày đó, tôi cũng như bao người khác, cũng lấy vợ và lập gia đình, rồi vợ tôi hạ sinh một đứa con trai. Nhưng Lép không được như bao đứa bé khác, lúc mới sinh mẹ nó đã bỏ nó ra đi. Tôi bán vé số nuôi nó với hy vọng  nó sẽ đỡ đần cho tôi lúc tuổi già. Thật không may, lên 6 tuổi Lép bị bệnh bướu cằm. Tôi gom góp hết tiền để chữa trị nhưng bệnh không hết mà ngày một trầm trọng hơn. Cằm nó phình to ra, kéo căng gương mặt xuống, sống mũi vì thế mà nhỏ lại, nhìn mặt nó rất đáng sợ, tuy chạy chữa thang thuốc khắp nơi nhưng vẫn không khỏi".

quot;Cậu bé mặt quỷquot; ngộ nghĩnh - 1

Ba Lép rong ruổi bán vé số

Theo ông Vui, vì bệnh tình ngày một nặng nên Ba Lép phải nghỉ học khi mới vừa hoàn thành chương trình lớp 1. Nhìn anh đạp xe trên phố, bất kì ai cũng phải ngỡ ngàng. Ngoài gương mặt kì lạ ấy, đôi chân của Ba Lép rất nhỏ, chỉ bằng cổ tay của người lớn. Ba Lép phải sống cô đơn, một mình âm thầm đạp xe rong ruổi trên khắp phố phường bán vé số sinh nhai.

 Nghị lực sống phi thường

Công việc hằng ngày của Ba Lép là bán vé số. Theo lời của ông Vui, trong những ngày đầu vào nghề, Ba Lép gặp không ít khó khăn. Nhiều người qua đường gặp anh thì chạy thật nhanh không quay đầu, vì họ không đủ can đảm nhìn gương mặt kì quái của anh, làm sao mà dám hỏi anh để mua vé số.

quot;Cậu bé mặt quỷquot; ngộ nghĩnh - 2

Bà Nguyễn Thị Anh, người chứng kiến cuộc sống Ba Lép

“Dù khó khăn nhưng Lép không bỏ cuộc. Nó tự làm cho mình thật nổi bật để thu hút khách đi đường. Nó nhờ người làm một chiếc nón và cái sổ dò thật đặc biệt để tạo ấn tượng, nó còn buộc phía sau chiếc xe đạp của nó một con thú nhồi bông thật to”- ông Vui kể.

Cũng từ ngày ấy, công việc bán vé số của Ba Lép thuận tiện hơn, nhiều người thấy sự ngộ nghĩnh của anh mà gọi anh lại để mua giúp vài tờ và cũng để cầu may.

Chia sẻ về điều này, bà Nguyễn Thị Anh (50 tuổi, bán vé số ở công viên sông Tiền, thành phố Vĩnh Long) cho biết: “Tui bán vé số ở đây cũng lâu rồi nhưng bán không nhiều bằng Ba Lép. Thấy nó đặc biệt nên ai cũng gọi nó lại tìm hiểu và mua cho nó, có ngày nó bán được trăm tờ”.

Cũng theo bà Anh, nhiều khách nước ngoài thấy Ba Lép quá kì lạ nên chụp ảnh kỉ niệm; có người còn tặng tiền cho anh. Nhờ vậy mà Ba Lép có thêm chút ít thu nhập ngoài số tiền bán vé số hằng ngày.

Không khuất phục trước số phận, Ba Lép vẫn ngày ngày vật lộn một mình trên con đường mưu sinh khốn khó. Ngày nào cũng trong vai một đứa trẻ ngộ nghĩnh mua vui cho thiên hạ để bán dăm chục tờ vé số, không ai biết rằng trong anh là những nỗi niềm đau đáu của một người đàn ông tuổi tứ tuần.

"Cũng mong có vợ, có con như người ta chứ, nhưng thôi mình sống vậy cũng tốt rồi" - đôi mắt của Ba Lép thoáng buồn rồi quay đi rất nhanh. Nói đoạn đã thấy anh lật đật chạy lại chỗ có đám đông rồi sửa sửa cái mũ trên đầu cho thật điệu và cất giọng mời mua vé số...

Hoàng Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot