Từ khi sinh ra, Hoài Thương đã không có tay, không có chân. Thế nhưng, em không chịu khuất phục số phận, luôn tìm cách hòa đồng với mọi người.
Thời thiếu nữ, chị Nguyễn Thị Cẩm Giang (37 tuổi) làm công nhân tại khu công nghiệp Tây Bắc (huyện Củ Chi). Trong khoảng thời gian này, chị và anh Nguyễn Văn Lợi phải lòng nhau. Đôi bạn trẻ yêu, thề nguyện gắn kết trọn đời. Ngày đám cưới được tổ chức, cả hai cười tươi, hạnh phúc không nói thành lời.
Năm trước cưới, năm sau chị hạ sinh một cô con gái. Do hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng chị quyết định kế hoạch. Con gái đầu tròn 8 tuổi, sợ về già sẽ khó trong việc sinh nở nên chị quyết định sinh thêm.
Thương học tại trường
Năm 2008, chị mang thai đứa con thứ hai. Nhiều lần đi siêu âm bác sĩ thông báo thai nhi khỏe mạnh, bình thường, không dị tật. Ngày lâm bồn, do thai lớn nên khó sinh. Khi bé chào đời, bác sĩ lẫn y tá khựng lại, im lặng, vội vàng đưa đến phòng cách ly.
Chị hỏi về con, bác sĩ bảo bé khỏe mạnh nhưng trong giọng nói có chút gì đó nặng nề. Nửa ngày trôi qua, chồng chị đến phòng sinh, đôi mắt đỏ hoe thông báo: “Con bị dị tật”.
Gần một tuần sau, được gặp con, chị thót tim khi nhìn thấy bé không tay không chân. Trái tim chị như vỡ nát, mắt ầng ậc nước. Nhiều người khuyên vợ chồng chị nên vứt bỏ đứa con này vì sẽ rất khó nuôi.
“Dù sao cháu cũng là giọt máu của mình làm sao mà vứt được. Vợ chồng tôi không chút đắn đo giữ con lại dù biết tương lại vẫn còn lắm gập ghềnh”, chị chia sẻ. Vợ chồng chị đặt tên cho con là Hoài Thương với hy vọng khi lớn lên cháu sẽ nhận được yêu thương, đùm bọc của mọi người.
Chị không lường hết được mọi việc. Nhiều người nhìn thấy Thương liền đồn đại, do sống thất đức nên vợ chồng chị mới sinh được đứa con tật nguyền như thế. Bất kể đi đâu, chị cũng chịu sự dèm pha, chỉ trỏ. Thời gian nghỉ thai sản hết, chị đi làm. Một người tổ trưởng thường “dành” những lời cay độc cho chị, người mẹ nghẹn đắng, không chịu nổi dư luận ở công ty nên đành nghỉ việc.
Từ đó cuộc sống gia đình phụ thuộc vào đồng lương còm cõi của anh Lợi. Thấy chồng vất vả suốt ngày đêm mà cũng không đủ tiền nuôi gia đình, chị Giang thương cảm. Khi Thương vừa tròn một tuổi, chị Giang bế con đi bán vé số.
Ngay từ khi còn nhỏ, chị Giang đã tập cho Thương làm những việc có thể như đánh răng, rửa mặt, quét nhà… Khi biết nhận thức, em giúp mẹ mời khách mua vé số. Không chỉ chị mà nhiều người khác, thấy đứa bé không tay, không chân vật vã tập làm việc đều mủi lòng.
“Thương con không đồng nghĩa với việc dành làm hết mọi việc. Mình không thể cứ ở bên cháu mãi. Do đó, tốt nhất là giúp cháu tự làm những việc cần thiết”, người mẹ nói.
Cận cảnh Thương dùng đôi tay tật nguyền để tô tranh
Một lần đi khám, bác sĩ khuyên nên đưa đi tập vật lý trị liệu. Vì thế mỗi tuần, mẹ con chị bắt xe buýt lên quận 3 tập. Từ khi còn nhỏ, Thương di chuyển bằng cách lê đôi chân cụt giữa sàn. Lắm khi đôi chân rỉ máu nhưng cháu vẫn không chịu dừng. Rồi vợ chồng chị tự chế chiếc xe trượt giúp Thương di chuyển dễ dàng hơn.
Trên đường đi bán vé số, mỗi khi đến trước cổng trường học, Thương xin mẹ nán lại một lát để nhìn. “Con muốn được đi học như các bạn”, thương nói. “Con không tay, không chân như thế làm sao viết?”, người mẹ thắt lòng. Thương nài nỉ: “Dù không tay nhưng con có thể tập bằng phần cùi còn lại”.
Nhiều lần Thương nài nỉ nên vợ chồng chị đồng ý. Chị đăng ký cho con vào học tiểu học tại trường Liên Minh Công Nông (xã Tân An Hội). Những ngày đầu, em khó khăn trong việc cầm bút. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm của mình, em đã có thể nguệch ngoạc những dòng chữ đầu tiên.
Nhìn những nét chữ của con dù không được “tròn vành rõ nét” nhưng vợ chồng chị Giang không kìm được nước mắt. Anh Lợi nghĩ suy nhiều đêm rồi chế cho Thương một cánh tay giả, phía trước có lỗ để cắm viết. Con đường chinh phục chữ và số trên trang giấy của em vơi nhiều khó khăn từ đó.
Để có thời gian đưa đón Thương đến trường, chị Giang đành bỏ hẳn bán vé số. Thay vào đó, chị mua mít bán vỉa hè, ngày kiếm được vài chục nghìn phụ chồng nuôi con.
Chị Giang kể, hồi tháng 6, có một tổ chức từ thiện ở Hà Nội khám và lắp chân giả, hiện tại, Thương đã có thể tự bước khoảng 10 bước. Mặc dù rất đau đớn nhưng cháu luôn muốn tự đi trên đôi chân của mình.
Mặc dù khuyết tật, Thương vẫn sống vui vẻ
Khi được hỏi về nguyên nhân tật nguyền của Thương, chị Giang nghẹn lòng: “Đến nay tôi vẫn không biết chính xác. Nhưng tôi đoán định, đó là vì chất độc màu da cam. Trước đây, cha tôi tham gia chiến trường ở vũng Mỹ rải chất độc Dioxin. Ông về lập gia đình rồi sinh con đẻ cái ngay trên mảnh đất ấy. Có thể, cha nhiễm chất độc, truyền cho tôi rồi tôi truyền lại cho con của mình”.
Cô giáo Ngô Thị Hồng Nhung cho biết, đã hai năm chủ nhiệm lớp của Thương. Lúc đầu, chị nhìn thấy Thương tật nguyền cũng cảm thấy lo lắng vì không biết phải dạy cho em như thế nào. Tuy nhiên, Thương chăm học, thông minh, luôn hoàn thành bài vở được giao. Đến nay, em nằm trong top các học sinh giỏi nhất lớp.