Đôi chân khéo léo của cô không chỉ có thể ôm con, cho con ăn mà còn đan lát, thêu thùa quần áo cho con.
Cảm động cậu bé bị bệnh tim bỏ nhà đi vì sợ bố mẹ khổ
Cảm động bức thư đoạt giải nhất cuộc thi UPU lần thứ 44
Chị Mã năm nay 26 tuổi, là người tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Bẩm sinh chị đã bị dị tật khiến cơ thể chị không có bàn tay, đôi chân cũng không được lành lặn như người bình thường. Nhưng điều này cũng không thể ngăn cản chị trở thành một người mẹ tốt tự mình chăm sóc chu đáo cho con.
Chị Mã và con trai.
Vì bẩm sinh không có tay, từ nhỏ chị Mã đã tự tập luyện cách sử dụng thành thạo đôi chân tật nguyền của mình để tự lo cho cuộc sống của bản thân. Năm ngoái, người phụ nữ kiên cường này được làm mẹ.
Do chồng đi làm thuê ở xa nên trách nhiệm chăm sóc em bé rơi hết lên vai chị. Một lần nữa, chị lại phải luyện tập đôi chân của mình để có thể chăm sóc cho em bé. Hiện em bé nhà chị đã 7 tháng tuổi, rất khỏe mạnh và đáng yêu.
Với một người phụ nữ bình thường, một mình phải làm tất cả các công việc nhà từ may vá thêu thùa đến dọn dẹp, nấu nướng rồi chăm sóc em bé đã là chuyện rất khó khăn. Với chị Mã, một người không tay, chân lại tật nguyền thì càng khó khăn gấp bội. Thế nhưng, chị Mã vẫn kiên cường làm tròn trách nhiệm của một người vợ hiền mẹ đảm, thậm chí còn khéo léo hơn nhiều người lành lặn khác.
Chị Mã kể lại, chị bẩm sinh đã không có tay, sau đó lại mắc bệnh nặng khiến hai chân co quắp, ban đầu còn không duỗi ra được. Ngày đó nhà chị rất nghèo nên không có tiền chạy chữa cho con nên bố mẹ chị đành chấp nhận để đôi chân của chị biến dạng thành như bây giờ.
Khi đó, chân của chị co quắp đến mức không thể tự di chuyển được, lại không có tay, mọi người đều cho rằng cuộc sống của chị sẽ không có tương lai. Nhưng chị Mã dù còn nhỏ tuổi nhưng khát vọng sống lại rất lớn. Chị ngày ngày cố gắng luyện tập đôi chân bại liệt của mình, từng chút từng chút một.
Năm tuổi, chị bắt đầu tự đi lại được. Đến sáu, bảy tuổi, chị đã bắt đầu dùng chân học làm một số công việc nhà đơn giản. Nhờ sự kiên cường và nỗ lực không ngừng nghỉ, đôi chân của chị ngày càng linh hoạt, khéo léo. Tám tuổi chị đã biết nấu cơm và cho em ăn.
Ngoài việc dùng chân làm việc nhà, chị còn học cách dùng chân tập xe chỉ luồn kim, khâu vá quần áo, rồi thêu thùa để kiếm thêm thu nhập, tự nuôi sống bản thân. Nói thì đơn giản, nhưng đó là cả một quá trình đầy gian nan, vất vả mà không phải ai cũng có thể làm được. Dù thân thể tật nguyền nhưng chị Mã vẫn nuôi trong mình khát khao cháy bỏng là được làm vợ, làm mẹ như bao người bình thường khác. Do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên chị cũng không thể trở thành một bà mẹ đơn thân.
May mắn, chị gặp được người chồng hiện tại. Anh thương chị ở cái nết chăm chỉ hiền lành, thương sự kiên cường, mạnh mẽ của chị nên đã ngỏ lời muốn cưới chị làm vợ. Hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi hai người có với nhau 1 cậu con trai. Dù rất thương vợ nhưng chồng chị Mã phải đi làm thuê ở xa nên không thể ở bên chăm lo cho vợ con. Chị Mã không chỉ tự mình chăm sóc rất tốt cho bản thân mà còn nuôi dạy con lớn khỏe mỗi ngày.
Chị Mã ôm con, thay tã, tắm rửa, giặt giũ và cho con ăn bằng chính đôi chân của mình. Thậm chí, chị còn tự thêu gối, làm đồ chơi cho con. Ban đầu, động tác chăm con của chị còn vụng về, lóng ngóng, người nhà rất lo lắng chị có thể “xảy chân” làm tổn thương con. Nhưng chị Mã kiên quyết muốn tự mình chăm sóc cho con, và tình yêu thương của người mẹ đã giúp chị Mã làm tốt mọi việc. Bây giờ, con chị Mã đã được 7 tháng, bé rất khỏe mạnh và đáng yêu.
Chị Mã chia sẻ: “Người bình thường có thể làm mẹ thì người tàn tật cũng có thể làm mẹ. Người ta dùng tay ôm con thì tôi dùng chân. Cách thức thể hiện có thể khác nhau nhưng tình yêu thương của tôi dành cho con cũng không hề thua kém những bà mẹ bình thường khác.”