Anh nói: “Tôi không hề hô giá 23 tỷ đồng, khách mới là người trả giá. Song tôi không đồng ý vì muốn giữ lại chúng ở đất Bình Định này một thời gian nữa".
Về Quy Nhơn (Bình Định) hỏi thăm anh Nguyễn Trí Toàn – chủ sở hữu cụ duối cảnh trị giá hàng chục tỷ đồng ai cũng hay biết. Thậm chí họ có thể kể vanh vách về tài năng “uốn nắn”, tạo cây rừng thành thứ đắt đỏ mà chỉ giới đại gia “săn lùng” của người đàn ông này.
“Anh Toàn sở hữu cụ duối ngàn năm tuổi! Hôm bữa có người trả giá 23 tỷ đồng nhưng anh ấy lắc đầu từ chối. Tôi thấy có nhiều người nói anh ấy dở hơi, không chịu bán vì đó là số tiền khổng lồ. Có lẽ cây duối rừng đó có giá trị nhiều hơn như vậy, phải đợi “thời cơ” mới xuất đi”, anh Hưng – người dân tại Quy Nhơn cho biết.
Tuy nhiên cũng có người cho rằng đó chỉ là tin đồn hoặc cách “thổi phồng” để nâng giá, giúp chủ nhân của cây duối bán được với giá hời. “Làm gì có cây cảnh nào trị giá hơn 2 chục tỷ đồng như vậy. Tôi nghĩ cũng chẳng có ai hâm bỏ số tiền lớn như thế để mua cây duối về trưng trong vườn nhà”, một người thắc mắc.
Cây duối cổ có tán lá đồng đều, to tròn trông rất đẹp mắt.
Trước vấn đề trên, anh Trí Toàn khẳng định thông tin có người trả giá cây duối cổ 23 tỷ đồng hoàn toàn là sự thật, không hề có chuyện thổi phồng giá để “câu khách”. Anh nói: “Tôi không hề hô giá 23 tỷ đồng, khách mới là người trả giá. Song tôi không đồng ý vì muốn giữ lại chúng ở đất Bình Định này một thời gian nữa.
Ngay tối hôm qua, tại Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực Miền Trung – Tây Nguyên mở rộng năm 2023 này có một người bạn của tôi dẫn khách tới tham quan và trả giá mua cây duối. Họ trả 10 tỷ, 12 tỷ rồi 15 tỷ nhưng tôi chưa muốn bán, đợi thêm một thời gian nữa xem có ai có duyên hay không”.
Hơn năm trước, một số nhà vườn lớn tại Hà Nội có ghé qua vườn của anh Trí Toàn trả giá 18 tỷ đồng cho cây duối cổ. Anh cũng không bán không phải vì chê rẻ mà do bản thân còn vấn vương chúng.
Có vị khách trả giá cây duối 23 tỷ đồng.
“4 năm trước, tôi mua cây duối này của một người bán với giá 900 triệu đồng. Khi ấy người dân ở đây bàn tán xôn xao, cho rằng tôi “ném tiền qua cửa sổ”. Tôi mặc kệ bởi bản thân là người sành cây cảnh tự biết giá trị cây đem lại trong tương lai”, người đàn ông nói.
Nhắc đến chuyện cụ duối rừng bao tuổi, anh Trí Toàn tiết lộ cây có nguồn gốc mọc tự nhiên ở ven đồi, chân rừng… nên không ai rõ tuổi thọ. Anh chỉ có thể căn cứ vào độ tuổi bự của gốc để phán đoán. “Gốc cây này rộng chừng 1m, ước tính tuổi thọ lên tới ngàn năm. Vì thế tôi và người sành cây cảnh gọi là cụ duối.
Cây này đẹp và đắt ở chỗ là cây cổ, liền gốc, bố cục đẹp, cành phân bồ đều và tán lá có thể thu hút người xem. Đặc biệt tất cả đường thân rất hầm hố, tạo cảm giác kiên cường giống như người con xứ Bình Định vậy”, anh Trí Toàn tự hào.
Cây đẹp và đắt ở chỗ là cây cổ, liền gốc, bố cục đẹp, cành phân bồ đều và tán lá có thể thu hút người xem.
Bản thân anh Trí Toàn ngay lần đầu thấy cây duối rừng đã bị cuốn hút, “đắm say”. Vì thế anh đã nài nỉ người bạn bán lại với giá gần 1 tỷ đồng. Sau đó anh đã chăm chút, yêu thương chúng như chính con ruột của mình.
Hằng ngày, người đàn ông dành thời gian để tỉa tót, tạo hình, lau từng chiếc lá… Vì thế cây duối rừng dần có tạo hình “hút hồn”, gây ấn tượng mạnh với người trong giới chơi cây cảnh ở khắp mọi miền Tổ quốc.