Gần 30 năm, chị Đặng Thị Thau lớn lên bình yên trong vòng tay che chở của cha mẹ nuôi (ông Đặng Xuân Đạc và bà Trần Thị Vàng) ở xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Đến một ngày, Thau quyết định bộc bạch với bố mẹ nuôi nỗi niềm bao năm chôn kín trong lòng: “Mẹ à! Thời gian trôi qua, con vẫn không nguôi nỗi nhớ về cha mẹ đẻ. Dù trí nhớ không tốt, ký ức về nơi sinh ra chỉ là một vài hình ảnh chắp ghép nhưng con mong lắm. Một ngày nào đó, con sẽ tìm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình”. Nghe con gái nuôi nói vậy, dù chẳng lấy gì làm khá giả nhưng ông Đạc và bà Vàng quyết định phải tìm bằng được cha mẹ đẻ cho Thau.
Câu nói bật lên thành lời sau gần 30 năm
Khi chúng tôi hỏi thăm về vợ chồng ông Đạc, bà Vàng cùng câu chuyện đầy cảm động của ông bà dành cho cô con gái nuôi, người dân xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong không ai là không biết. Trong căn nhà nhỏ, bà Vàng cởi mở ngồi tiếp chuyện chúng tôi: “Số các chú không may mắn lắm, ông Đạc nhà tôi mấy hôm nay có chút công việc bận nên vắng nhà. Từ ngày tìm được cha mẹ đẻ cho cháu Thau, vợ chồng tôi như trút được cả gánh nặng. Gánh nặng ở đây không phải là chuyện nuôi dưỡng hay dạy bảo cho Thau, mà chính là nỗi lòng trong hành trình tìm kiếm cha mẹ đẻ cho con gái mình”.
Nhớ lại chuyện nhận Thau làm con nuôi, bà Vàng kể: “Cháu Thau trở thành con gái nuôi của vợ chồng tôi cũng là cái duyên trời định. Khoảng tháng 6/1986, khi vợ chồng tôi đi du lịch ở Quảng Ninh. Trên đường về, đến khu vực phà Phả Lại, vợ chồng tôi tình cờ gặp một cô bé mặt mày lem luốc đang lang thang đi xin ăn. Nhìn cháu bé tội nghiệp, tôi mua cho mấy cái bánh rồi bóc cho ăn. Vì quá đói, cháu ăn nhanh lắm. Nhìn cảnh đó tôi không cầm được nước mắt. Nghe bà chủ quán chia sẻ, vợ chồng tôi mới biết cháu bị lạc mất gia đình và lang thang ở khu vực này đã mấy hôm rồi. Khi ăn xong, vợ chồng tôi hỏi địa chỉ để đưa về nhưng Thau chỉ lắc đầu rồi bảo: “Cháu không nhớ gì cả”. Hồi đấy, vợ chồng tôi lấy nhau đã mấy năm mà chưa có con nên nhìn thấy Thau như vậy chúng tôi có cảm tình đặc biệt. Thấy vậy, bà chủ quán gợi ý chúng tôi nếu có thể thì hãy cưu mang Thau. Sau một hồi bàn bạc, tôi quay qua hỏi cháu: “Thế con có muốn về nhà cô chú ở không? Khi nào nhớ được gì về gia đình thì cô chú sẽ đi tìm bố mẹ cho cháu?. Con bé nghe tôi nói vậy liền gật đầu đồng ý ngay”.
Vợ chồng ông Đạc hạnh phúc bên các con. Ảnh TG
Khi đón bé Thau về làm con nuôi, cuộc sống của ông bà Đạc cũng không có gì là dư giả vì kinh tế chỉ trông vào mấy sào ruộng. Thế nhưng, mọi với tình thương ông bà Đạc không để cho cô con nuôi thiếu thốn thứ gì vì sợ Thau tủi thân với chúng bạn. Để được nuôi đứa bé lang thang vừa đưa về một cách hợp pháp, vợ chồng ông Đạc dẫn Thau đến UBND xã khai báo rồi làm thủ tục nhận làm con nuôi. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, vợ chồng ông Đạc đặt tên cho con gái nuôi là Đặng Thị Thau và lấy ngày 26/06/1981 làm ngày khai sinh để hoàn thiện thủ tục cho con nuôi. “Ngày sinh của Thau trong giấy khai sinh chính là ngày chúng tôi gặp cháu ở bến phà Phả Lại. Còn tên Thau là do ông nhà tôi nghĩ, mẹ tên là Vàng thì đặt tên con là Thau cho hợp. Mọi người thường gọi vui là Vàng Thau và bảo chúng tôi rất may mắn vì “nhặt” được đứa con gái nuôi”, nói rồi bà Vàng cười đầy hạnh phúc.
Thời gian qua đi, Thau lớn lên trong sự yêu thương của bố mẹ và tình cảm của những đứa em nuôi. Vì không được nhanh nhẹn như người ta nên khi bạn bè cùng lứa đã có lấy chồng gần hết thì Thau vẫn chưa có gia đình riêng. Dù vậy trong sâu thẳm tâm hồn của Thau vẫn có một nỗi buồn chôn giấu. Nhiều lúc cô đã cố gạt nó đi để sống với hiện tại nhưng tình cảm ruột thịt hình như đã thấm vào từng tế bào nên không có cách gì loại bỏ đi được. Đó là khát khao biết về nguồn cội, biết ai là bố mẹ đẻ. Đọc được nỗi buồn sâu kín trong ánh mắt của cô con gái nuôi, bà Vàng đã vỗ về hỏi thăm. Lúc ấy, Thau mới thổ lộ: “Bố mẹ ơi! Có thể tìm bố mẹ đẻ cho con được không?”. Nhớ lại thời điểm ấy, bà Vàng rơm rớm nước mắt: “Cái Thau nói xong thì bật khóc. Nhìn thấy con gái như vậy, tôi cũng có cầm được nước mắt đâu. Biết chuyện, ông nhà tôi cũng tư lự lắm. Vì thời gian đã qua mấy chục năm, mọi ký ức đã nhạt nhòa, giờ bắt đầu lại khó khăn vô cùng. Nhưng không thể nhìn con gái buồn rầu mãi như vậy được, vợ chồng tôi một lần nữa lại quyết định đi tìm cha mẹ đẻ cho Thau”.
Chị Đặng Thị Thau (Đỗ Thị Mộng) may mắn tìm lại được gia đình sau gần 30 năm. Ảnh TG
Gian nan tìm lại bố mẹ đẻ cho con nuôi
Vợ chồng hết hiếm muộn sau khi nhận con nuôi Trước khi đón Thau về làm con nuôi, bà Vàng vẫn chưa sinh được cho ông Đạc người con nào. Lạ thay, sau khi Thau sống trong gia đình ông Đạc một thời gian, bà Vàng liên tiếp có tin vui và sinh cho ông Đạc những người con mạnh khỏe. |
Nói là làm, đầu tiên ông Đạc yêu cầu cô con gái sắp xếp lại những ký ức còn sót lại. Nhưng dù rất cố gắng, Thau cũng chỉ nhớ được một vài chi tiết như: Hồi nhỏ, mọi người vẫn gọi Thau là Mộng và có chị gái tên là Mơ, bố tên là Miêu, mẹ là Bới và còn có một người cậu tên Mong. Tất cả chỉ có vậy. Vợ chồng ông Đạc thấy quá mông lung. Họ không biết phải bắt đầu từ đâu và như thế nào. Đang lúc phân vân thì Thau lại nhớ một chi tiết khác. Đó là người dân ở quê Thau thường đội cái thúng trên đầu khi đi chợ. Nghe con gái nói vậy, vợ chồng ông Đạc nghĩ, nếu đội thúng trên đầu thì chỉ có ở các vùng quê thuộc khu vực Hà Nam Ninh cũ. “Khu vực cần tìm kiếm đã được xác định nhưng chẳng thể đào đâu ra tiền vì lúc đó, gia đình tôi còn phải nuôi 3 cháu ăn học trên Hà Nội nữa. Đang bí, ông Đạc liền bàn với tôi bán đi số thóc còn lại trong nhà, được đâu 900 ngàn đồng. Cùng với 2 triệu đồng từ tiền vay vốn sinh viên đóng học phí của con, vợ chồng tôi gom góp làm lộ phí cùng với cháu Thau lên đường tìm nguồn cội, năm đó là năm 2006”, bà Vàng nhớ lại.
Đi đến nơi nào, ông Đạc cũng ghé vào nhờ chính quyền, công an... thậm chí đăng cả thông tin lên báo đài nhưng đều vô vọng. Trở về sau mỗi chuyến đi, ông bà Đạc lại phải chờ vào vụ mùa mới, vào từng cân thóc để tiếp tục làm lộ phí cho những hành trình tiếp theo. Cứ mỗi lúc có thông tin ở đâu dù chỉ một chút hi vọng thì ông Đạc liền khăn gói dắt tay con gái nuôi đi tìm. Trong nhà không có đồng tiền nào thì ông bà lại bán vội một tài sản nào đó để lấy tiền làm lộ phí. Trời không phụ lòng người, hành trình tìm kiếm tưởng vô vọng cuối cùng cũng mang lại kết quả.
Bà Vàng kể lại: “Hôm đó, ông Đạc nhà tôi cùng Thau bắt xe về Hà Nam, địa điểm cuối cùng trong hành trình “Hà Nam Ninh” mà ông ấy vạch ra theo suy đoán. Chồng tôi kể lại, khi người phụ xe hỏi xuống ở đâu, ông ấy trả lời rằng cũng không biết phải xuống đâu, phải đi đâu nữa. Thấy lạ, mọi người mới quay qua hỏi thăm và giúp đỡ cho cha con ông. Người có nhiều thì giúp năm ba chục, người ít thì 1 - 2 nghìn đồng... Sau đó, chuyến xe định mệnh ấy đã đưa thẳng hai bố con ông Đạc đến…trụ sở Công an thành phố Phủ Lý”. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Công an Hà Nam, ngay trong ngày hôm ấy, ông Đạc cùng con gái đã nhận được tin vui. Theo hồ sơ của công an, Đặng Thị Thau, tên thật là Đỗ Thị Mộng, sinh năm 1977, là con gái thứ hai của bà Lê Thị Bới và ông Đỗ Văn Miêu, trú tại thôn Trịnh Xuân, phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
Giờ đây, chị Thau giờ đã trở lại đúng với cái tên cúng cơm ban đầu bố mẹ đặt cho là Đỗ Thị Mộng đang sống trong ngôi nhà đơn sơ cùng với người mẹ đẻ đã gần 70 tuổi. Mỗi lần nhớ về quãng thời gian đã qua, chị vẫn rất xúc động: “Công lao của bố Đạc và mẹ Vàng chẳng có gì sánh được. Tôi không biết phải cảm ơn bố mẹ nuôi như thế nào nhưng tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc dù sống với mẹ đẻ, hay với bố mẹ nuôi. Hiện tại, vì mẹ đẻ của tôi chỉ sống một mình và già yếu, nên tôi muốn ở bên cạnh để chăm sóc bà. Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với bố mẹ nuôi ở Bắc Ninh. Thỉnh thoảng, bố Đạc lại xuống đón tôi về chơi. Tôi thật sự không biết phải nói gì, chỉ biết cầu chúc cho bố mẹ và các em sẽ mãi mạnh khỏe. Tôi yêu tất cả mọi người”, chị Mộng nghẹn ngào.