Cha trèo vách núi bắt chim cho con thi đại học

Ngày 02/07/2014 22:17 PM (GMT+7)

Gom góp mấy tháng chỉ được 2 triệu đồng, người cha lặn lội vào rừng sâu, trèo vách núi tìm bắt 10 con chim sáo để làm lộ phí cho con trai đi thi đại học.

Người cha trèo vách núi để bắt chim

Sống trên vùng núi cao, quanh năm làm nương rẫy, cuộc sống khó khăn nhưng ông Hoàng Văn Tuyên, 47 tuổi, dân tộc Tày (Hoà An, Cao Bằng) vẫn quyết tâm cho con ăn học bằng người.

Khi cậu con trai Hoàng Đức Hạnh quyết định đi thi ĐH Kinh tế quốc dân, ông Tuyên vừa mừng vừa lo. Mừng vì đứa con trai lớn có chí học hành, nó đã biết nhìn qua ngọn sắn, quả đồi trước nhà. Thi ĐH là điều mà ông Tuyên chưa từng nghĩ tới thời trẻ.

Nương trồng thuốc lá của gia đình đã thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được. Nhìn quanh nhà không còn tài sản gì giá trị có thể bán, đêm đêm người cha thao thức làm sao lo đủ tiền để đưa con đi thi.

Trong khi đường xuống Thủ đô thì xa cả trăm cây số mà ông chưa từng đi bao giờ, gom góp từ lúc con trai làm hồ sơ ông Tuyên có được hơn 2 triệu. Gần đến ngày con trai “lai kinh ứng thí”, ông Tuyên nảy ra ý tưởng bắt chim sáo non để bán dưới Hà Nội.

Cha trèo vách núi bắt chim cho con thi đại học - 1

Ông Tuyên bên những con sáo đá đem theo làm lộ phí đưa con thi đại học.

Ông Tuyên tính toán: “Ở dưới này nhiều người chơi chim cảnh, nếu bán được thì cũng có chút tiền lộ phí, không bán được đành vay mượn thêm đồng hương, họ hàng để lo cho con”.

Tháng 6 vẫn đang là mùa chim làm tổ, ông lặn lội vào tận rừng sâu để tìm tổ chim sáo. Chim sáo đá thường làm tổ trên vách đá cheo leo, dựng đứng cao tới 300 – 400m. Ông phải tìm, theo dõi chim mẹ 2-3 ngày mới tìm thấy tổ. Ông vịn tay vào những mỏm đá sắc nhọn, leo dần lên bắt chim non. Đến sát ngày đi, ông vẫn cố bắt thêm 4 con chim non.

Hành trang của hai cha con xuống Hà Nội là 2 triệu đồng, quần áo, sách vở và một thùng giấy đựng 10 con chim sáo đá.

Cha trèo vách núi bắt chim cho con thi đại học - 2

Ông Tuyên chia sẻ nếu cậu con trai thi đỗ đại học ông sẽ bán trâu lấy tiền đóng học cho con

Về đến ký túc xá ĐH Kinh tế quốc dân, hai cha con ông Tuyên được sinh viên tình nguyện sắp xếp chỗ ở và suất cơm miễn phí. Từ khi xuống Hà Nội, cậu con trai ôn luyện, nghỉ ngơi để chuẩn bị cho kỳ thi, còn ông Tuyên cặm cụi chăm sóc những con sáo đá. Thỉnh thoảng ông lại đảo qua mấy khu chợ để hỏi chỗ bán. Nhưng chim sáo đá có rất ít người chơi, bán khó và giá cũng không cao. 

Bán trâu nếu con thi đỗ

Khi thông tin về người cha mang theo chim sáo đá để lấy tiền lộ phí cho con thi đại học được chia sẻ, nhiều người đã mua chim giúp đỡ hai bố con. Trong vòng chưa đầy một ngày, ông Tuyên đã bán được 4 con với giá gần 1 triệu.

Anh Lã Đức Hoà, một người chơi chim hoạ mi nổi tiếng ở Hà Nội đã đóng cửa hàng bán chim cảnh của mình để đến kí túc xá trường ĐH Kinh tế quốc dân tìm ông Tuyên mua chim.

Cảm động với tấm lòng của người cha hết lòng vì con, anh Hòa đã mua liền 6 con sáo đá với giá 2 triệu đồng, anh chia sẻ: “Tôi cảm động vì tấm lòng của chú Tuyên đối với con. Không ai giúp được cuộc sống của người khác khá giả hơn, trong lúc khó khăn tôi muốn chia sẻ phần nào đó với bố con chú ấy”.

Cha trèo vách núi bắt chim cho con thi đại học - 3

"Lộ phí" đi thi Đại học của hai cha con Tuyên

Đóng gói những chú chim vào hộp đưa cho khách, đôi mắt đọng đầy tâm sự, ông Tuyên nói: “Những con sáo này giúp được cháu đến trường thi nhưng sáo không bắt quanh năm được. Nếu cháu thi đỗ, nhà tôi vẫn còn một con trâu cày, bán đi chắc sẽ lo đủ cho cháu học năm đầu. Mấy năm sau, tôi sẽ cầm sổ đỏ vay tiền cho cháu đi học. Thấy con ham học mà không lo đầy đủ cho con bằng người, tôi thấy cũng day dứt”.

Dáng gầy nhỏ, làn da ngăm đen, cậu con trai Hoàng Đức Hạnh có vẻ mặt mệt mỏi, lo lắng trước kỳ thi. Hạnh dự thi vào 2 khối A (khoa Luật ĐH KTQD) và khối B (Công nghệ Địa chất trường ĐH Tài Nguyên và Môi trường). Ngồi tựa vào thành giường, Hạnh tâm sự : “Ở nhà em đi chăn trâu, chăn bò, ngày mùa cũng lên nương rẫy làm giúp bố mẹ, chỉ khi nào rảnh em mới có thời gian học bài. Trước ngày xuống Hà Nội thi đại học, bố vẫn trèo vách đá bắt chim sáo. Vách núi cao nguy hiểm, bắt được chim không dễ chút nào. Em thương bố nhưng cũng không còn cách gì khác”.

Hạnh chia sẻ mơ ước của cậu là trở thành một luật sư nhưng nếu không đỗ Hạnh sẽ đi học nghề, làm thêm để kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ.

Theo Tất Định – Hồng Anh (Khampha.vn)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot