Dù làm thẻ căn cước công dân gắn chip đã lâu nhưng không ít người dân vẫn chưa nhận được thẻ. Trong lúc chờ đợi nhận thẻ căn cước người dân có thể sử dụng 2 loại giấy tờ này để thay thế.
Dùng mã số định danh cá nhân khi thẻ Căn cước công dân bị chậm trả
Số định danh cá nhân chính là số của thẻ Căn cước công dân như quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước công dân.
Trong đó, Điều 5 Thông tư 59/2021/TT-BCA quy định:
Khi công dân có yêu cầu được thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.
Chậm trả thẻ Căn cước công dân giấy tờ nào thay thế. Ảnh minh họa: Báo Nhân dân
Trường hợp người dân có nhu cầu sử dụng thẻ Căn cước công dân mà chưa được trả thì có thể đề nghị cấp văn bản thông báo về số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng thay thế.
Mẫu Thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được in trực tiếp từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Công dân sử dụng Thông báo này để chứng minh nội dung thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Hộ chiếu thay thế thẻ căn cước bị trả chậm
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân.
Trên hộ chiếu có tương đối đầy đủ thông tin về nhân thân của một người như như: Ảnh chân dung; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; ký hiệu, số giấy tờ xuất nhập cảnh; ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân...
Trong một số trường hợp, khi cần sử dụng thông tin về nhân thân trên thẻ Căn cước, người dân cũng có thể sử dụng Hộ chiếu để thay thế.