Không thấy áp lực vì những thành tích của anh trai, Lê Tuệ Chi đã xuất sắc trúng tuyển Đại học Harvard.
Mới đây, thông tin nữ sinh Lê Tuệ Chi (học sinh lớp 12A2, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, trường ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận được thư báo trúng tuyển vào Đại học Harvard đã nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Harvard năm nay đứng thứ tư trong cả hai bảng xếp hạng đại học thế giới của THE và QS. Đây là trường có tỷ lệ trúng tuyển thấp nhất trong nhóm 8 đại học tinh hoa của nước Mỹ (Ivy League).
Mùa tuyển sinh trước, chỉ gần 2.000 thí sinh trúng tuyển trong 57.000 hồ sơ, tỷ lệ 2,4%. Còn trong đợt xét tuyển sớm năm nay, Harvard công bố 692 thí sính trúng tuyển, trong hơn 7.900 người đăng ký.
Bởi vậy, khi nhận được thư báo trúng tuyển của Đại học Harvard, Tuệ Chi vỡ òa vì hạnh phúc. Đây là ngôi trường duy nhất Chi nộp vào trong đợt tuyển sinh sớm, nhưng sẵn sàng cấp cho em học bổng 100%.
Lê Tuệ Chi tại trường THPT chuyên Ngoại ng. Ảnh: VnExpress
"Nhìn thấy chữ chúc mừng, em kiểm tra lại nhiều lần xem có đúng hay không. Thực tế, việc trượt Harvard là điều bình thường nên em đã chuẩn bị tinh thần rất thoải mái nếu trượt" - Chi chia sẻ trên Vietnamnet.
Ấp ủ đi du học từ sớm, Tuệ Chi nói mình được truyền cảm hứng từ anh trai. Anh của Chi là Lê Mạnh Linh, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Cách đây 6 năm, Linh trúng tuyển vào cả 3 trường trong khối Ivy League. Sau đó, em lựa chọn theo học tại Đại học Yale – ngôi trường luôn nằm trong top các đại học thế giới. Hiện tại Linh đã tốt nghiệp và đang công tác tại Mỹ.
Chia sẻ trên Dân trí, chị Hạnh cho biết, gia đình chị rất bất ngờ và hạnh phúc khi được tin con gái thứ hai Lê Tuệ Chi, học sinh lớp 12A2, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) giành học bổng toàn phần vào Đại học Harvard.
"Hai vợ chồng tôi đều là công chức Nhà nước, không có truyền thống đi du học, cũng không hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Sự cố gắng của các con là nỗ lực bền bỉ, lâu dài."
Chia sẻ thêm về việc dạy con, chị Hạnh cho rằng, mình không có bí quyết gì, có chăng là tình yêu thương lớn lao mà bố mẹ dành cho các con. Chúng tôi luôn ủng hộ con học hành, dầm dãi nắng mưa đưa đón các con đi học.
Riêng con trai đầu của chị không phải tốn tiền học thêm bên ngoài bởi học lực của cháu khá xuất sắc. Với Tuệ Chi, cháu chỉ học thêm môn toán và tiếng Anh ở một trung tâm rất bình thường, số tiền học mỗi buổi rất rẻ.
Theo Tuệ Chi, hai anh em có nhiều nét tính cách khá khác biệt. Kể từ cấp 1 theo học tại Trường Tiểu học Kim Liên hay khi lên cấp 2 học ở Trường THCS Cầu Giấy, Chi không tham gia bất cứ cuộc thi học tập nào. Nhưng em lại rất hứng thú với các hoạt động ngoại khóa như ca hát, nhảy múa.
Trái ngược, anh trai Chi rất giỏi trong lĩnh vực học thuật, từng giành nhiều thành tích, giải thưởng ở các cuộc thi.
"Nhiều người nói có anh trai như vậy chắc em áp lực lắm, nhưng em lại thấy rất vui và tự hào. Em hiếm khi so sánh mình với ai vì nghĩ mỗi người sẽ có một thế mạnh".
Tuệ Chi và cô giáo Ngọc Chi. Ảnh: VnExpress
Chi bắt đầu chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ vào cuối năm lớp 11. Nữ sinh nhìn nhận thời điểm này khá muộn so với các bạn nhưng không lo lắng vì trước đó đã tham gia nhiều hoạt động xã hội. Hơn nữa, em không đặt mục tiêu phải du học bằng được, nộp hồ sơ trong tâm thế thoải mái.
Hồi tháng 8, Chi vận dụng thế mạnh của mình vào dự án phim ngắn về đề tài chiến tranh cùng các bạn, tiền bán vé được dùng làm từ thiện ở Y Tý, Lào Cai. Chi cũng nghiên cứu về tập tục văn hóa người Mường và các trang phục dân tộc thiểu số.
Chi cho biết Harvard yêu cầu 5 bài luận phụ, một bài luận chính và phỏng vấn. Đề bài luận chính yêu cầu ứng viên viết về thứ cảm thấy gắn bó, nêu lên cá tính riêng. Ban đầu, Chi định viết về nghề trang điểm (makeup artist) nhưng sau nhiều lần viết đi viết lại, Chi quyết định kể về Đình Thôn, nơi em sống và những bài học em rút ra khi nói chuyện với mọi người ở xung quanh.
Thông điệp em đưa ra sau bài luận này là càng nhiều và tiếp xúc càng nhiều, những câu chuyện của họ sẽ có ích cho cuộc đời của bạn.
Theo Chi, nhiều người trong bộ hồ sơ thường viết những gì lộng lẫy nhất, còn em lại nói về những điều giản dị nhưng bản thân thích thú và thể hiện được con người mình: "Quả thực em cũng không nghĩ hồ sơ của mình đặc biệt đến thế vì các hồ sơ nộp vào Harvard rất mạnh, nhưng có thể em đã thể hiện được niềm đam mê xuyên suốt và phù hợp với trường – nơi luôn mong muốn và chào đón một cộng đồng học sinh đa dạng".