'Chạy show' hầu đồng kiếm hàng chục triệu mỗi ngày

Ngày 21/02/2014 14:32 PM (GMT+7)

Đầu năm mới, khi người dân tìm đến các chùa để đăng ký cầu an, giải hạn thì những người theo đạo Mẫu lại “trình đồng, mở phủ” để cầu tài, cầu lộc.

 Với các “giá” hầu đồng tốn hàng trăm triệu đồng, việc các cung văn “hoạt động hết công suất” và có thể kiếm tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày là chuyện thường.

#039;Chạy show#039; hầu đồng kiếm hàng chục triệu mỗi ngày - 1

Một giá hầu đông ở Hà Nội. Ảnh: K.Toàn

Cung văn  kiếm vài chục triệu/ngày 

Theo nhận định của cung văn trẻ Nguyễn Văn T. (ở Đống Đa, Hà Nội) thì năm nay là một năm biểu hiện rõ nhất của “khó khăn”. Nhiều đền, phủ, điện… dù là đầu năm nhưng vẫn rất thưa thớt tiếng kèn trống xập xình của những vấn hầu. Chỉ những đền lớn hoặc những nơi có các đồng đền thủ nhang “nổi tiếng” thì mới duy trì được đều đặn các hoạt động hầu đồng. 

Tuy nhiên dù nhà đền “kêu trời” nhưng cánh cung văn của T. vẫn "chạy show mệt nghỉ”.  T. cho biết, từ mùng 2 Tết cậu đã có khách gọi điện đặt lịch hẹn. Bắt đầu từ ra Tết, cậu cùng nhóm cung văn gồm 3 người ngày nào cũng hoạt động hết công suất. 

"Cái nghề hát này tương tự như nghề "bán cháo phổi" nên không thể tham được. Nhiều khi một ngày người ta mời 3, 4 chỗ nhưng chỉ dám nhận 1 hoặc 2 đám vì không đủ sức. Một đám hầu hơn 20 giá thì dù có 5 người thay nhau hát cũng đủ kiệt sức rồi. Chưa nói gì đến có nhóm chỉ có 3 người, vừa đàn, vừa hát, vừa trống... thì đứng mong chạy được nhiều show". (Cung văn Nguyễn Văn T. Ở  Đống Đa, Hà Nội)

Cũng theo tiết lộ của T. thì tùy theo từng vấn hầu mà “cát sê" của cung văn sẽ khác nhau. Năm nay, do tình hình kinh tế khó khăn nên mức giá vẫn ổn định chứ không tăng. Thậm chí, với một số mối quen thì các cung văn còn giảm bớt để lấy chỗ qua lại và “tạo điều kiện cho người ta làm việc Thánh”. Như vậy, từ sau Tết đến nay, số tiền “cát sê” (kể cả tiền công và tiền lộc) cao nhất mà T. nhận được là 12 triệu đồng/đám/ngày; đám thấp nhất là 5 triệu đồng/đám/ngày.

Khác với nhận định của T., cung văn Trần H. ở Nam Định cho biết, kể từ khi dấn thân vào nghề hát văn, cậu thấy hoạt động hầu đồng phát triển mạnh mẽ nhất là vào năm 2012, bước qua năm 2013 hơi “ảm đạm” nhưng năm nay thì đã có dấu hiệu khởi sắc. Bằng chứng là nhóm cung văn của cậu năm nay “lịch diễn” rất đều và thu nhập tương đối cao.

“Với những “cây đa cây đề” của làng hát văn miền Bắc như: Xuân Đậu, Thanh Long, Khắc Tư, cụ Nguyễn Văn Tuất, cụ Hồng Tĩnh Chén, cụ Vũ Ngọc Châu (cùng ở Hà Nội)… thì không cứ kể những ngày đầu năm mà ngày thường thì họ cũng đã đông người mời hát rồi. Và cũng phải những thanh đồng dạng “VIP” mới dám mời họ vì chắc chắn “cát sê” của họ tương đối cao, dù họ không đòi hỏi.

Còn đám “tép riu” như chúng tôi, với mức 10 triệu đến 40 triệu đồng/đám/ngày thì có nhiều người muốn mời lắm. Vì ở thời điểm này, những đám dám chi tiền trăm triệu cho những vấn hầu không còn nhiều như trước, thay vào đó là những đám hầu chỉ khoảng 100 triệu đổ lại” – H. tiết lộ.Theo H. thì mới hôm trước, nhóm cung văn của cậu vừa hát cho một đám hầu ở một điện thờ tư ở gần ga Gia Lâm (Hà Nội) với mức “cát sê” (chỉ tính riêng tiền công) 30 triệu đồng. Đám hầu này là đám hầu thứ 4 (tính từ đầu năm đến nay) mà H. hát thuộc “tầng lớp” hầu “trăm triệu”.

Nấu 1.500 mâm cỗ để đãi con nhang, đệ tử

Thanh đồng Nguyễn Thị Bê, nhà có điện thờ ở phố Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, năm nay, lần đầu tiên bà hội đủ duyên về được cửa phủ mẫu The ở Hải Dương để lễ Thánh. Ngày bà về đúng vào Rằm tháng Giêng nên cửa phủ đông không kể xiết. Hàng nghìn người chen chúc nhau vào phủ, các ban thờ không đủ chỗ để đặt lễ nên các mâm lễ phải để ngổn ngang trên ban, dưới bệ. Hòm công đức cũng “no căng” tiền lễ buộc đội ngũ đệ tử của mẫu phải thường xuyên đi gom hoặc “moi” để nhét vào két lớn.

“Hôm đó là lễ chính trong năm nên đông con nhang đệ tử của mẫu lắm. Người về cầu an giải hạn cũng có, người về cắt duyên âm cũng có. Có người vừa đến cửa mẫu là đã òa lên khóc, người thì nói năng lảm nhảm… chả hiểu sao nữa. Không khí ngày hôm đó cứ như hội làng ấy” – bà Bê nói.

Theo bà Bê thì hôm đó mẫu The đã cho nấu gần 1.500 mâm cỗ để “đãi” các con nhang đệ tử từ khắp nơi về dâng sao giải hạn. Trong số đó, không chỉ có các thanh đồng đạo quan ở khu vực Hải Dương mà còn cả khách thập phương từ nhiều tỉnh của phía Bắc như: Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh… về dự. Riêng số người nấu cỗ đã phải huy động tới gần 30 người, thức từ 2h sáng để sơ chế thực phẩm và nấu nướng.

Người theo đạo Mẫu có quan niệm: Đầu năm, phải lên rừng rồi xuống thoải phủ lễ bái thì một năm mới nhiều lộc. Vì thế đầu năm cũng là dịp mà nhiều đền phủ hoặc các đồng thầy tổ chức cho các con nhang đệ tử đi lễ ở các đền. Nhiều con nhang đệ tử là dân văn “hầu đồng” thứ thiệt đã tìm mọi cách nghỉ việc văn phòng để theo đoàn đi lễ khắp nơi.

Một thành viên của diễn đàn hatvan cũng cho biết, không chỉ đền phủ, các diễn đàn về hát văn hoặc hầu đồng trên mạng cũng tổ chức nhiều chuyến hành hương cho các thành viên dịp đầu năm mới về lễ ở các đền. Theo đó, vào ngày 24/1 âm lịch (tức 23/2/2014), diễn đàn hatvan tổ chức cho thành viên ở Hà Nội đi lễ các đền ở Hải Phòng.

Đây đồng thời cũng là dịp nhiều công ty du lịch nội địa tổ chức các tour du lịch tâm linh với mức phí khá cao. Một công ty đóng trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội) tổ chức đi lễ các đền ở Lạng Sơn với mức giá 500 nghìn/người. Một công ty khác ở Thanh Trì (Hà Nội) cũng tổ chức tour lễ ở Hòa Bình -  Tuyên Quang – Yên Bái với mức giá 1,6 triệu/người.

Theo Khánh Toàn (giadinh.net)
Nguồn:

Tin liên quan