Chết bất ngờ vì cây đổ, ai chịu trách nhiệm?

Ngày 06/06/2014 09:20 AM (GMT+7)

“Khi đã được thành phố giao cho việc quản lý cây xanh mà anh không làm tròn thì ít nhiều anh cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ vấy là trường hợp bất khả kháng được”.

Liên quan đến vụ cây cổ thụ ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội đổ đè chết người chiều 4/6, trao đổi với PV Infonet bên lề Quốc hội chiều 5/6, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng đơn vị quản lý cây xanh không thể đổ cho trường hợp bất khả kháng được.

Thời gian qua tại Hà Nội có nhiều vụ cây đổ trong mưa dông đè chết người. Mới đây nhất chiều 4/6 cây cổ thụ ở ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng bật tung gốc, đè nát xe taxi do anh Nguyễn Hữu Dần (SN 1978, Chương Mỹ, Hà Nội) điều khiển, khiến anh này tử vong tại chỗ, chiếc xe biến dạng hoàn toàn. Tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội lại cho rằng những vụ việc cây đổ như vậy là trường hợp bất khả kháng, ông có ý kiến như thế nào vấn đề này?

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể Bộ luật dân sự có quy định liên quan đến trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, có nghĩa là trách nhiệm xảy ra không phải vi phạm hợp đồng, ngoài ý muốn, trong đó quy định mặc dù không ai mong muốn cả, nhưng mà lỗi của người chủ phương tiện, chủ tài sản mà anh phải có trách nhiệm bảo vệ sử dụng cho tốt, mà anh để xảy ra hậu quả thì anh phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, người ta sẽ xem xét lỗi thuộc về bên nào, có thể lỗi thuộc về bên A, hoặc bên B, hoặc lỗi tổng hợp thì phải xác định.

Chết bất ngờ vì cây đổ, ai chịu trách nhiệm? - 1

Một lái xe taxi bị cây cổ thụ bật gốc đè bẹp gây tử vong tại chỗ chiều tối ngày 4/6.

Nhưng mà còn một trường hợp nữa là người mà quản lý chủ tài sản không phải chịu trách nhiệm, tức là rơi vào tình huống bất khả kháng. Sự cố như là chuyện bão lũ do thiên nhiên gây ra thì thuộc diện bất khả kháng.

Nói về vấn đề liên quan ở đây thì ví dụ như: Vệc chăn trâu, ông chủ của con trâu mà để cho trâu húc người ta thì ông chủ con trâu phải chịu trách nhiệm, hay nói như là một Giám đốc bệnh viện tâm thần mà anh để bệnh nhân ra ngoài đi đâm chém chết người thì ông Giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm, đó là đương nhiên.

Còn đối với cây cối, trách nhiệm của người trồng cây xanh phải có trách nhiệm bảo vệ cây, nhưng thực ra bây giờ nếu như có quy định chặt chẽ hơn thì đến mùa mưa bão anh phải đi kiểm tra xem cây như thế nào, nếu mà anh tắc trách thì anh phải chịu trách nhiệm.

Chết bất ngờ vì cây đổ, ai chịu trách nhiệm? - 2

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội

Vậy trường hợp lái xe taxi bị cây cổ thụ bật tung gốc đè chết ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng có được bồi thường không, thưa ông?

Trường hợp cây đổ gây chết người ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, Hà Nội, qua báo chí thì cây đó bị bật tung gốc, thân bị mục đổ đè chết lái xe taxi, khiến người ngồi sau bị thương, xe ô tô hư hỏng nặng thì việc này cũng khó mà quy đổi trách nhiệm cho bên quản lý cây. 

Trong trường hợp này ở các nước ngoài người dân có tham gia mua bảo hiểm sẽ được bảo hiểm bồi thường. Trường hợp này nói là bắt công ty cây xanh phải chịu trách nhiệm cũng chưa có cơ sở. Nhưng đây cũng có vấn đề phải đặt ra, thành phố đã giao trách nhiệm cho anh quản lý nếu mưa bão thì anh phải kiểm tra, nếu cây bị rỗng ruột, bị mục thì anh phải chặt cây, phải có biển cảnh báo nguy hiểm, nhưng ở đây không hề có cảnh báo gì cả. 

Đấy là vấn đề phải nghiên cứu đặt ra để hoàn thiện, bởi vì đây là tính mạng, tài sản và Hiến pháp đã nêu rõ mọi người phải có quyền được sống trong môi trường trong lành, bình yên, thì các cơ quan nhà nước ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều phải có người quản lý.

Như vậy, cứ có trường hợp cây đổ gây chết người thì lãnh đạo công ty cây xanh Hà Nội lại đổ cho là trường hợp bất khả kháng?

Ở vấn đề này, nhận thức thế nào cho đúng về trường hợp bất khả kháng cũng phải tính. Ví dụ như, ông có một con trâu nếu buộc con trâu vào cột, nếu có một tiếng nổ làm con trâu nó lồng lên nó bị đứt dây chẳng hạn thì anh cũng không thể coi là bất khả kháng được. Còn việc nuôi chó chẳng hạn nếu anh thả ra đường thì phải có rọ bịt mõm nó lại, nếu không bịt để cho cắn người thì nói là bất khả kháng là không được. Cho nên từ bất khả kháng ở đây thì phải đúng vào các điều kiện nhất định, phải thấy rằng do việc quy định của pháp luật chưa đầy đủ, nên chưa có cơ sở để mà truy cứu trách nhiệm.

Nhưng ở đây cũng phải tính đến trách nhiệm của người chủ phải quản lý tài sản chứ không thể nói cái cây nó đổ ra đường thân đã bị mục mà anh không phát hiện, hoặc người ta phát hiện rồi mà anh không đến chặt và xử lý thì việc ấy anh phải chịu trách nhiệm chứ anh không thể nói cái việc đó do tôi không cố tình hay là do tự nhiên gây ra là cũng không được.

Theo ông, sự việc cây đổ gây chết người thì trách nhiệm của Công ty công viên cây xanh Hà Nội như thế nào?

Trong trường hợp này nếu bồi thường dân sự thì cũng có thể không được, nhưng nếu nói rằng trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đây nếu không có kiểm tra, không cảnh báo để mưa dông cây đổ gây chết người thì Công ty sẽ phải có một hỗ trợ nào đó cho người bị thiệt hại hoặc cũng là phải đến động viên, gặp gỡ người thân của người bị thiệt hại, bởi chí ít vì do trách nhiệm của mình chưa làm tròn nên để dẫn đến những thiệt hại như vậy.

Còn nếu anh nói hoàn toàn tôi vô can không có trách nhiệm gì cả thì cũng không đúng. Vì Công ty này đã được giao một cái quyền rất lớn, bình thường nếu người dân chặt cây hoặc chặt trộm cây bị phát hiện thì phải đi tù, nhưng ở đây anh quản lý thì anh có quyền kiểm tra, đi kiểm tra thấy không an toàn thì có quyền được chặt cây. Tức là anh được giao cái việc đấy để bảo vệ cho lợi ích của cộng đồng. Chứ nếu anh phát hiện nhưng một cấp nào đấy không cho chặt hoặc bảo rằng như thế là hủy hoại tài sản thì việc đó anh không phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi anh đã được Thành phố giao cho việc quản lý cây xanh mà anh không làm tròn thì ít nhiều anh cũng phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đổ vấy là trường hợp bất khả kháng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Xuân Hải (Infonet.vn)

Tin liên quan