Chỉ còn 18 nước chưa ghi nhận người nhiễm Covid-19: Đâu sẽ là nơi cuối cùng?

Ngày 04/04/2020 14:15 PM (GMT+7)

Trước thực tế dịch Covid-19 lây lan ra toàn thế giới, một câu hỏi được đặt ra là: "Nơi nào trên thế giới sẽ là điểm cuối cùng mà dịch Covid-19 sẽ 'ghé qua'?" Câu trả lời chắc hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ.

Trước ngày 13/1, dịch Covid-19 chỉ mới xuất hiện "gói gọn" ở Trung Quốc nhưng sau đó, nó được phát hiện ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.

Tới thời điểm hiện tại, Covid-19 đã lây lan ra toàn cầu với số ca nhiễm kỷ lục - hơn một triệu. Số người tử vong do Covid-19 vẫn tăng cao theo ngày, các bệnh viện quá tải, nhân viên y tế kiệt sức, tình trạng thiếu thốn đồ bảo hộ y tế, khẩu trang, máy thở xuất hiện tại nhiều bệnh viện.

Trong bối cảnh ấy, một câu hỏi xuất hiện: "Liệu còn nơi nào trên thế giới mà Covid-19 chưa thể 'tác oai tác quái' hay không?" Câu trả lời là có.

Liên Hợp Quốc (UN) có 193 nước thành viên và tính tới ngày 2/4, còn 18 quốc gia ghi nhận chưa có ca nhiễm Covid-19 nào, theo một thống kê của BBC, sử dụng dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

18 nước chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 (Tính tới 3/4)

1. Comoros (Đông Phi)

2.Kiribati (Thái Bình Dương)

3. Lesotho (miền nam châu Phi)

4. quần đảo Marshall (Thái Bình Dương),

5. Micronesia (Thái Bình Dương),

6. Nauru (Thái Bình Dương),

7. Triều Tiên,

8. Palau (Thái Bình Dương),

9. Samoa (Thái Bình Dương),

10.Sao Tome & Principe (Trung Phi),

11. quần đảo Solomon (Nam Thái Bình Dương),

12. Nam Sudan (Bắc Phi),

13. Tonga (Thái Bình Dương),

14. Turkmenistan (Trung Á),

15. Tuvalu (Thái Bình Dương),

16. Vanuatu (Thái Bình Dương),

17.Yemen (Trung Đông)

18. Tajikistan (Trung Á),

Nguồn: BBC News/Đại học John Hopkins

Điểm chung của phần lớn các nước đang “miễn nhiễm” với Covid-19

Hầu hết số quốc gia chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 là đảo quốc nhỏ và có ít du khách. Căn cứ vào số liệu của UN, trong số 10 địa điểm ít du khách tới thăm nhất thế giới, có 7 địa điểm chưa ghi nhận ca nhiễm Covid-19 nào.

Sự hẻo lánh, xa xôi của các đảo quốc chưa bị Covid-19 "ghé qua" cũng phản ánh một điều: Trong thời điểm giãn cách xã hội "lên ngôi", bản thân các đảo quốc đã "tự cách ly" với thế giới.

Nhưng Lionel Aingimea, Tổng thống của Nauru, một trong 18 quốc gia chưa có ca nhiễm Covid-19, không tự mãn và chủ quan. Theo chia sẻ của ông Lionel với BBC, Covid-19 đã được xem là trường hợp khẩn cấp quốc gia tại Nauru.

Nauru, đảo quốc ở Thái Bình Dương, là nước thành viên UN nhỏ thứ 2 (xét về diện tích - sau Monaco). Trong khi đó, với dân số 10.000 người, Nauru là nước có dân số thấp thứ 2, sau Tuvalu.

 

Nauru là một trong những nơi ít được ghé thăm nhất trên thế giới. Ảnh: Getty

Nauru là một trong những nơi ít được ghé thăm nhất trên thế giới. Ảnh: Getty

Đảo quốc Thái Bình Dương này cũng là một trong những nơi ít được ghé thăm nhất trên thế giới. Theo BBC, một công ty du lịch cho biết Nauru chỉ có khoảng 160 du khách ghé thăm trong một năm.

Điều đó khiến nhiều người cho rằng Nauru không cần phải lo lắng về Covid-19. Tuy nhiên, giới chức ở đảo quốc chỉ có một bệnh viện, không có máy thở và số lượng y bác sĩ hạn chế này hiểu rằng không thể thiếu cảnh giác với dịch Covid-19.

Giới chức Nauru đã thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Ngày 2/3, đảo quốc Thái Bình Dương này cấm toàn bộ du khách tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Italia. 5 ngày sau, du khách Iran được thêm vào danh sách.

Giữa tháng 3, hãng hàng không quốc gia Nauru Airlines đã ngừng toàn bộ chuyến bay tới Fiji, Kiribati, và quần đảo Marshall, trong khi đường bay duy nhất tới thành phố Brisbane (Úc) đã giãn thời gian từ 3 chuyến/tuần sang 3 chuyến/2 tuần. Sau đó, toàn bộ người tới từ Úc (chủ yếu là công dân Nauru hồi hương) được yêu cầu phải cách ly 14 ngày trong các khách sạn địa phương.

Tổng thống Lionel cho biết các biện pháp này nằm trong chính sách "chủ động ngăn chặn".

"Chúng tôi đang cố gắng kiểm soát mọi thứ ở biên giới. Nauru coi sân bay cũng như một phần của biên giới vậy", người đứng đầu Nauru cho biết.

Những người đang cách ly được theo dõi và kiểm tra triệu chứng mỗi ngày. Khi một số người bị sốt, họ được cách ly và làm xét nghiệm Covid-19. Các mẫu thử được gửi tới Úc nhưng tới nay tất cả đều âm tính.

"Dù thế giới đang chao đảo vì Covid-19 nhưng người dân Nauru vẫn bình tĩnh và cẩn trọng", Tổng thống Lionel cho hay. Người đứng đầu Nauru cũng cảm thấy biết ơn một số nước và vùng lãnh thổ đã giúp đỡ đảo quốc Thái Bình Dương trong việc ngăn chặn dịch bệnh.

 Người dân ở Nauru. Ảnh: NYT

Người dân ở Nauru. Ảnh: NYT

"Mỗi khi chúng tôi nhìn vào bản đồ Covid-19, ngày càng nhiều chấm đỏ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không biết làm thế nào để giúp đỡ mọi người ngoài trong thời điểm khó khăn này, ngoài việc cầu nguyện", ông Lionel nói.

Nauru không chỉ là đảo quốc duy nhất ở Thái Bình Dương tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Kiribati, Tonga, Vanuatu và một số nước khác cũng có động thái tương tự.

Tiến sĩ Colin Tukuitonga, chuyên gia y tế công cộng - cựu ủy viên Tổ chức Y tế thế giới, nhận định đây là chính sách hoàn toàn đúng đắn.

"Sự cẩn trọng của các đảo quốc nhỏ ở khu vực Thái Bình Dương là để tránh những điều tồi tệ xảy ra. Bởi một khi Covid-19 xâm nhập và lây lan tại các nước này, mọi thứ sẽ hỗn loạn.

Các đảo quốc này không có hệ thống y tế quy mô lớn và hiện đại. Nhiều bệnh viện có diện tích nhỏ, thậm chí không có máy thở. Nếu dịch bùng phát, hậu quả sẽ rất nặng nề.

Chưa kể, nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương có tỷ lệ người mắc tiểu đường và bệnh tim mạch rất cao. Những bệnh nền này đều dẫn tới khả năng tử vong cao nếu người bệnh bị nhiễm Covid-19", tiến sĩ Colin nói.

Nếu đại dịch bùng phát ở bất cứ đảo quốc Thái Bình Dương nào, họ sẽ phải gửi bệnh nhân ra nước ngoài điều trị. Nhưng khả năng này không khả thi trong bối cảnh các nước đều đóng cửa biên giới, ngăn dịch xâm nhập.

Vì vậy, theo ông Colin, các đảo quốc Thái Bình Dương bằng mọi cách phải tránh để Covid-19 xâm nhập càng lâu càng tốt. 

"Việc bị cô lập bởi đại dương mênh mông, trước đây vốn là một khó khăn với người dân tại nhiều đảo quốc, nay lại trở thành một biện pháp ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19", tiến sĩ Colin nhận định.

Một số ít quốc gia trên đất liền ngăn chặn hiệu quả Covid-19

Một số ít các nước có biên giới trên bộ cũng hạn chế phần lớn sự lây lan của dịch Covid-19.

Mãi tới hôm 2/4, Malawi, quốc gia không giáp biển với 18 triệu dân ở Đông Phi, mới ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Nhưng Malawi đã chuẩn bị rất kỹ để đối phó với dịch bệnh.

 Malawi hôm 2/4 ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ảnh: Getty

Malawi hôm 2/4 ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ảnh: Getty

Quốc gia Đông Phi này đã tuyên bố "tình trạng thảm họa", đóng cửa toàn bộ trường học, hủy mọi thị thực đã cấp trước ngày 20/3. Malawi cũng tăng cường làm xét nghiệm Covid-19 với các trường hợp có triệu chứng, theo tiến sĩ Peter MacPherson, chuyên gia y tế công cộng thuộc trường Y học nhiệt đới Liverpool và đang làm việc tại Malawi.

MacPherson cho biết "sự chuẩn bị trong 1-2 tuần tới" sẽ vô cùng quan trọng và tôi tin Malawi sẽ ứng phó tốt với dịch bệnh.

"Chúng tôi đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch AIDS trong hơn 30 năm qua nên hiểu được tầm quan trọng của việc ngăn chặn sớm dịch bệnh. Chúng tôi đang chuẩn bị những thứ cơ bản nhưng hiệu quả cao", MacPherson cho hay.

Bằng chứng cho thấy Covid-19 sẽ lây lan tới mọi quốc gia trên thế giới, theo MacPherson. Vậy nếu như không phải Malawi, thì khu vực nào trên thế giới sẽ là nơi "miễn nhiễm" lâu nhất với Covid-19?

Khu vực “miễn nhiễm” lâu nhất thế giới

 Khu vực Nam Thái Bình Dương được cho là miễn nhiễm lâu nhất với Covid-19. Ảnh: Blue Orange Studio

Khu vực Nam Thái Bình Dương được cho là "miễn nhiễm" lâu nhất với Covid-19. Ảnh: Blue Orange Studio

"Đó rất có thể là khu vực Nam Thái Bình Dương, nhất là các đảo quốc xa xôi ở đây. Tôi có thể đánh cược với bất cứ ai về điều này.

Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hóa này, tôi không chắc có khu vực nào có thể thoát được Covid-19 - dịch bệnh có tốc độ lây lan khủng khiếp. Các biện pháp phong tỏa - như ở Nauru - có thể hiệu quả nhưng nó không cầm cự được lâu.

Hầu hết quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương đều dựa vào một số mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu - cả trong các lĩnh vực như hàng hóa, thực phẩm hay du lịch. Thật khó để các nước này có thể phong tỏa hoàn toàn vì ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế. Và cuối cùng, họ sẽ phải mở cửa trở lại.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã vượt mốc 1 triệu nhưng đó vẫn chưa phải đỉnh điểm. Chúng ta sẽ còn phải "chiến đấu" lâu dài với dịch Covid-19", Andy Tatem, giáo sư về nhân khẩu học và dịch tễ học thuộc Đại học Southampton (Anh), nhận định.

Hà Nội: Mức xử phạt cụ thể với 13 hành vi vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19
Sở Tư Pháp TP Hà Nội có danh sách các hành vi sẽ bị xử phạt nếu vi phạm trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19, thậm chí có hành vi sẽ bị xử lý...
Theo Nguyễn Thái - BBC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h