Ngôi nhà đơn sơ của bà Nguyễn Thị Hến, 83 tuổi, ven biển thuộc ấp Bửu Ðông, xã Long Ðiền Ðông (Ðông Hải, Bạc Liêu) không đủ chỗ cho bà con lối xóm chen chân đón người con gái của bà lưu lạc 22 năm.
Ngôi nhà bà Hến chắp vá nhưng gọn gàng, ngăn nắp. Bà thuộc diện hộ nghèo. Nhưng thấy bà con còn nghèo hơn, nên bà xin rút sổ hộ nghèo, từ chối cất nhà tình thương, dành cơ hội cho bà con khác. “Già rồi, ăn không nhiều, ở chi cho rộng. Nay tôi được gặp con là mãn nguyện lắm rồi”, bà Hến chia sẻ.
Trưa 4/7, trời vừa hửng nắng sau cơn mưa. Anh Nguyễn Văn Tảng, con trai thứ 5 của bà Hến dẫn em gái là chị Nguyễn Kim Hon, 43 tuổi, lưu lạc 22 năm, về tới gia đình. Hàng trăm người dân tụ tập trước nhà anh Tảng mong được gặp mặt người con bặt tin trở về.
Ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng LÐ- TB & XH huyện Ðông Hải trao quà hỗ trợ cho chị Hon
Men theo con đường quê tráng xi - măng, bà Hến sang nhà con trai thứ 5 đón con gái. Đường trơn, xúc động, bà Hến trượt chân ngã khi nhìn thấy con gái.
Ngôi nhà của anh Tảng được xây cất khang trang nhờ công sức lao động mấy chục năm trở nên chật chội. Anh em trong gia đình, bà con dòng họ, làng xóm thân quen… kéo đến để thăm hỏi, chia vui với gia đình.
Rồi chị Hon về nhà mẹ. Nhìn lên bàn thờ đặt giữa nhà, nhưng chị không nhận ra di ảnh người cha qua đời cách nay 7 năm. Biền biệt xa quê, xa nhà, xa người thân cùng sự đày đọa những năm ở xứ người khiến chị tạm mất đi một phần ký ức.
Bà Nguyễn Thị Hến ôm con gái trong nước mắt
Bà Nguyễn Thị Hến kể, thất lạc, không biết con sống chết ra sao, mỗi khi cúng giỗ, bà cúng luôn cho con gái. “Nhưng trong lòng tôi vẫn mong con còn sống, nhiều lần mơ thấy con mở cửa vô, tôi chồm dậy thao thức ngóng trông, nước mắt ướt gối nhiều đêm”, bà Hến kể.
Ngoài 80 tuổi, bà Hến tích cực tham gia Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông. Vợ chồng bà sinh được 10 người con, đều có gia đình riêng.
Chị Nguyễn Kim Hoa (chị ruột chị Hon) kể trong nước mắt: “Hồi đó, Hon cao ráo, đẹp gái nhất nhà, giờ trở về nhiều lúc thẫn thờ như mất hồn”.
Tròn 19 tuổi, gia đình gả chị Hon cho một người ở chợ Xóm Lung (thị xã Giá Rai). Không ngờ, cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” nhầm vào người giới tính thứ 3. Cộng với gia đình bên chồng khó khăn, hôn nhân trắc trở nên Hon phải ly hôn.
Người phụ nữ dở dang chuyến đò, phơi phới tuổi 20 rời quê nghèo ven biển Bạc Liêu lên Tây Đô kiếm sống, khát khao đổi đời tay lấm chân bùn, biết đâu bi kịch đang chờ mình.
Đó là vào năm 1997. Cô gái trẻ Nguyễn Kim Hon bị một người lừa bán sang Trung Quốc.
Hơn 10 năm bị bóc lột thân xác rồi gần 10 năm phải làm vợ cho người đàn ông xa lạ ở Trung Quốc. Cuộc hôn nhân cay nghiệt với những trận đòn triền miên.
Chị kể có chồng nhưng không sinh được con, bị hắt hủi, đánh đập, chửi bới đủ điều. Khi hỏi sợ gì nhất, chị Hon bập bẹ, giọng lơ lớ: “Sợ bị đánh, sợ lắm!”.
Ngước nhìn ra xa xăm, mắt chị Hon ánh lên niềm an ủi, biết ơn vì đã trở về được quê nhà.
Bà Nguyễn Thị Hến kể: “Cán bộ xã Long Điền Đông chạy xuống báo tin đã tìm được con gái bà. Họ mở điện thoại ra, cho nhìn mặt, tôi nhận ngay ra con và ngất xỉu luôn”.
Hôm ấy, ông Trương Quốc Lâm, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hải cho biết: “Tôi mang theo 2 triệu đồng của UBND huyện Đông Hải hỗ trợ cho gia đình và đang tính toán để hỗ trợ, giúp đỡ chị Nguyễn Kim Hon kế sinh nhai hòa nhập trở lại”.
Các con của bà Nguyễn Thị Hến không giàu có nhưng đủ ăn nhờ chịu thương, chịu khó. Tài sản vợ chồng bà không gì đáng giá, chỉ vài công đất đủ để các con cất nhà ở và sản xuất.
“Bây giờ, con đã trở về rồi tôi ráng làm kiếm tiền nuôi nó, tôi yên lòng rồi!”- bà Hến lau nước mắt.
Hàng ngày, bà Hến vẫn may vá, kết những tấm vải vụn để làm áo gối, thảm lót chân… bán kiếm thêm chút tiền. Lần dở những sản phẩm từ bàn tay khéo léo, bà nói: “Con gái trở về, mừng còn gì hơn. Tôi sẽ nuôi gà, nuôi heo, may vá…để mẹ con sống bên nhau”…