Mặt trăng trong đêm 14.11 to và sáng hơn so với bình thường nên được gọi là siêu trăng.
Tối nay (14.11), hiện tượng siêu trăng đang xuất hiện trên bầu trời với kích thước và ánh sáng sáng hơn mặt trăng bình thường. Đây là một hiện tượng thiên văn kỳ thú mà phải 68 năm qua giới thiên văn học mới được chứng kiến.
Mặt trăng bắt đầu ló lên khỏi các tòa nhà cao tầng tại TP.HCM từ khá sớm vào tối 14.11
Theo các nhà thiên văn học, mặt trăng quay quanh trái đất theo quỹ đạo hình e-líp nên sẽ có 2 điểm gần nhất và xa nhất. Khi mặt trăng đủ tròn và đạt khoảng cách gần nhất so với trái đất thì được gọi là siêu trăng.
Với hiện tượng siêu trăng vào đêm 14.11, khoảng cách từ mặt trăng tới trái đất vào khoảng 360.000km. Siêu trăng đợt này sẽ lớn hơn mặt trăng bình thường khoảng 14% và sáng hơn 30%.
Mặt trăng to tròn và sáng hơn so với bình thường, đạt đỉnh điểm lúc 20h52 tối 14.11
Mặt trăng tròn to và sáng nhất đã đạt được vào lúc 13h52 theo giờ GMT (khoảng 20h52 theo giờ Việt Nam). Trước đó, từ lúc mặt trăng bắt đầu ló dạng từ phía chân trời, người dân TP.HCM đã có thể nhìn thấy mặt trăng to và sáng rõ hơn bình thường. Ánh trăng đợt này không còn mang sắc vàng như thường thấy mà chói lóa cả một vùng trời, rọi sáng mọi con đường, góc hẻm.
Anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn học TP.HCM (HAAC) cho biết, câu lạc bộ không tổ chức xem siêu trăng đợt này nhưng một số thành viên của câu lạc bộ cũng như những người yêu thiên văn có chọn một số địa điểm quen thuộc để ngắm siêu trăng.
“Khác với ngắm sao băng, chúng ta không cần phải tìm một nơi ít ánh đèn mà có thể ngắm siêu trăng từ bất kỳ nơi nào không bị các tòa nhà che khuất, như phố đi bộ Nguyễn Huệ, cầu Calmette, cầu Khánh Hội,...”, anh Duy nói.
Siêu trăng lấp ló sau những nhánh cây, ảnh chụp từ Q.10, TP.HCM
Nhiều người yêu thiên văn học đã sử dụng kính thiên văn hoặc máy ảnh siêu zoom để chụp ảnh trăng trong đêm 14.11
Mặt trăng đêm 14.11 lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với bình thường.