Thủ đoạn lừa đảo tinh vị này khiến các chủ hàng dễ bị mất tiền oan nếu không cảnh giác trong đợt dịp cận tết Nguyên Đán 2022.
Lợi dụng sức mua hàng tăng cao vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, nhiều đối tượng đã bày ra đủ chiêu trò nhằm lừa tiền và chiếm đoạt tài sản. Với cách thức quen thuộc nhất là làm giả hóa đơn giao dịch chuyển tiền, những hóa đơn này được làm giả tinh vi, khó lòng phát hiện. Tuy chưa nhận được tiền vào tài khoản nhưng chủ cửa hàng nhìn thấy biên lai chuyển tiền thì không mảy may nghi ngờ mà lập tức giao hàng cho kẻ lừa đảo.
Lừa đảo thông qua mua hàng online
Hiện nay gần như tất cả loại hình thương mại, dịch vụ đều chấp nhận giao dịch qua thẻ, chuyển khoản, ví điện tử nên các loại tội phạm liên quan "mọc lên như nấm sau mưa". Nhiều chủ hàng vì không cảnh giác đã bị mất tiền oan mà không thể tìm được thủ phạm.
Mới đây, Hồng Nhung (nhân viên bán hàng tại shop bikini quận 1, TP HCM) đã đăng bài cảnh báo về vấn nạn này. Cô cho biết kẻ lừa đảo nói sẽ chuyển dư 2 triệu đồng và nhờ shop gói kèm với sản phẩm đã mua để tặng bạn. Ban đầu Nhung không mảy may nghi ngờ, tuy nhiên chờ mãi không nhận được tiền mặc dù phía "khách hàng" nói đã chuyển khoản nên cô lập tức cảnh giác. Nhung nhắn lại "bên em chỉ giao hàng khi đã nhận tiền" thì đối tượng kia lập tức chặn tài khoản.
Đối tượng mua hàng qua tài khoản instagram của shop bikini kể trên. Ảnh: NVCC
Tương tự, một chủ shop khác ở Hà Nội cũng gặp trường hợp như trên và đã kịp thời tỉnh táo để không bị mất tiền. Tài khoản instagram Huyền Vũ này cũng chính là tài khoản đã thực hiện hành vi tương tự với một số cửa hàng khác ở TP HCM.
Tài khoản Huyền Vũ này cũng dùng thủ đoạn làm giả hóa đơn chuyển tiền với một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: NVCC
Đối tượng lừa đảo không liều lĩnh với số tiền lớn, mà đôi khi chỉ lừa từ vài trăm đến vài triệu đồng để dễ bề thực hiện thành công. Các mặt hàng Tết như rượu, quà bánh, mặt hàng thời trang được nhắm đến nhiều nhất, bởi nếu trót lọt có thể sử dụng cho cá nhân hoặc dễ dàng bán lại cho những người khác.
Những hóa đơn giả đều được làm đầy đủ và gần như giống hoàn toàn với giao dịch chuyển tiền thật. Nhiều đối tượng tinh vi thường chọn chuyển khoản từ các ngân hàng khác nhau, chọn thời gian chuyển khoản vào các ngày như thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ… để lấy lý do ngày nghỉ nên bị chuyển muộn, sang đầu tuần mới nhận được tiền.
Với công nghệ hiện đại trong giao dịch ngân hàng hiện nay, các lệnh chuyển tiền được thực hiện một cách dễ dàng và nhanh chóng. Việc chuyển khoản nhanh 24/7 không phân biệt lễ tết, với gần như tất cả các ngân hàng trên toàn quốc, người nhận có thể nhận tiền chỉ từ 1 đến 5 phút sau giao dịch. Để tránh bị lừa đảo, các chủ hàng nên chờ tin nhắn đã nhận tiền từ tài khoản của mình thay vì tin tưởng vào ảnh chụp giao diện giao dịch thành công từ phía khách hàng, nhất là đối với những khách lạ, lần đầu giao dịch.
Tiếp tay cho mánh khóe lừa đảo này chính là các dịch vụ nhận làm giả hóa đơn tràn lan trên mạng xã hội. Chỉ từ 50.000 đến 100.000 tùy độ khó của hóa đơn và chờ khoảng từ 15 đến 20 phút, một hóa đơn giả được chỉnh sửa thành công, tinh vi đến mức khó có thể phát hiện.
Dịch vụ làm giả hóa đơn chuyển tiền xuất hiện tràn lan trên mạng với giá vô cùng rẻ
Lừa đảo mua hàng trực tiếp
Ngoại việc lừa đảo thông qua việc làm giả các hóa đơn online, nhiều đối tượng liều lĩnh dùng cả chiêu này trong giao dịch mua hàng trực tiếp. Ngày 27/12/2021, Đội 4 Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM (PC02) vào cuộc và bắt giữ Trần Kim Oanh (SN 1986, ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Oanh được xác định là người chuyên dùng chiêu lừa chuyển khoản dư khi mua hàng hòng qua mặt chủ tiệm để lừa tiền và hàng hóa. Oanh đã thực hiện trót lọt tại một vài cửa hàng trên địa bàn TP HCM với cách thức tinh vi. Đối tượng này lựa chọn các cửa hàng đông khách để dễ qua mặt chủ và nhân viên bán hàng.
Vì mua hàng trực tiếp không thể có nhiều thời gian để làm khống hóa đơn, Oanh đã nghĩ ra cách thức "độc đáo". Người này lưu số điện thoại của chính mình thành tên ngân hàng A mà cô đang sử dụng, sau đó tự tạo nội dung chuyển tiền và nhắn và chính số của mình (đã lưu thành tên ngân hàng A). Tin nhắn chuyển đến dưới danh nghĩa của ngân hàng. Khi tin nhắn đến, Oanh chủ động xóa đi tin nhắn đã gửi và trên điện thoại chỉ còn tin nhắn đến, thể hiện một giao dịch thành công (giao dịch giả).
Khi chủ cửa hàng nhìn thấy tiền đã được chuyển đi nên lập tức giao hàng, nhưng vài ngày sau không nhận được tiền thì mới biết mình đã bị lừa.
Oanh sao chép cú pháp tin nhắn đến từ ngân hàng và chỉnh sửa tên của người nhận để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình.
Chị Mỹ Kiều, chủ một cửa hàng rượu lâu năm trên đường Cao Thắng, quận 3 cho biết chị rất cảnh giác với chiêu lừa đảo kể trên: "Tiền vào tài khoản mới giao hàng, mà bây giờ giao dịch qua mạng rất nhanh, 1 phút là có tiền ngay nên thấy ai chuyển khoản lâu quá mà không có tiền thì tôi sẽ cảnh giác. Bảo khách chờ để tìm hướng giải quyết, chứ không vội vàng".
Đồng quan điểm với chị Kiều, anh Dũng (quận Gò Vấp, TP HCM) cũng cho biết đã nghe nhiều về cách thức lừa đảo làm giả hóa đơn nên anh chỉ chấp nhận tiền mặt hoặc quẹt thẻ trực tiếp qua máy chứ không nhận chuyển khoản.
Theo luật sư Phạm Kỳ Dương (Văn phòng Luật sư Giang Thanh), hành vi chỉnh sửa hoá đơn chuyển khoản là vi phạm pháp luật bởi những hoá đơn này được coi là tài liệu của ngân hàng. Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà người làm giả biên lai chuyển tiền có thể phải chịu trách nhiệm hình sự: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức” theo Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015 với hình phạt cao nhất có thể lên đến 7 năm tù.