Chiều nay, 4/5, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì sẽ chính thức làm việc với Formosa Hà Tĩnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TN&MT thành lập nhằm đánh giá tác động của việc xả thải đến tình trạng cá chết hàng loạt. Ngoài đại diện các Bộ, ngành liên quan, đoàn kiểm tra còn bao gồm các tổ chức khoa học trong và ngoài nước tham gia nhằm đưa ra những kết luận độc lập.
Đây là một trong những hoạt động chính trong việc triển khai quyết định kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của các đơn vị trong khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) của Bộ TN&MT. Theo danh sách kiểm tra lần này, ngoài Formosa Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra còn làm việc với Công ty Điện lực dầu khí Vũng Áng và Trung tâm dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng.
Theo kế hoạch, đoàn chia làm những tổ kiểm tra nhiều nội dung. Riêng trong ngày đầu tiên (chiều 4/5), thành viên trong đoàn sẽ nghe Công ty Formosa Hà Tĩnh báo cáo về tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường và tiến độ triển khai dự án.
Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TN&MT chủ trì làm việc với Formosa Hà Tĩnh trong chiều nay, 4/5.
Những ngày tiếp theo, các tổ sẽ kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các nhà máy luyện gang, thép, phân tách khí...; kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán hoá chất, rửa đường ống...; kiểm tra các công trình thu gom, xử lý nước thải; kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường của nhà máy nhiệt điện - tổ máy 1 của Formosa, các công trình phụ trợ khác của Formosa và Công ty Điện lực Dầu khí Vũng Áng; kiểm tra đối với xưởng bảo dưỡng thiết bị, cảng Sơn Dương, nhà máy cán thép - phôi nhập khẩu của Formosa; các công trình phụ trợ của Formosa Trung tâm Dịch vụ, Hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng...
Trong một diễn biến khác, sáng nay 4/5, Bộ KH&CN cũng đã thành lập Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do GS.VS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm Chủ tịch, để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung.
Hội đồng gồm 3 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, đối chứng kết quả phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.
Được biết, đến nay đã có gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm: nuôi trồng thủy sản, môi trường, địa chất- địa vật lý biển, hóa học, cơ học, công nghệ vũ trụ, kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa dầu, khai thác khoáng sản...
Các chuyên gia đã lấy hàng trăm mẫu để phân tích ngay từ ngày 7/4 bao gồm: mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du… để phân tích độc tố, bệnh dịch thuỷ sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước; số liệu về động đất từ ngày 6/4 để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra, số liệu về viễn thám từ ngày 1/4 để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang...
Các mẫu được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ.
Các nhà khoa học đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường, bước đầu đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra. Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá bao gồm nguyên nhân sinh học và nguyên nhân hoá học.