Những căn biệt thự cổ này nằm ở vị trí đắc địa ở phố cổ Hà Nội với giá trị lên tới vài trăm tỷ đồng, thuộc sở hữu của các đại gia giàu nức tiếng một thời.
Tọa lạc tại trung tâm phố cổ Hà Nội sầm uất, những căn biệt thự này là các công trình hiếm hoi vẫn giữ nguyên vẹn được nét cổ kính xưa, được xây dựng theo kiến trúc Pháp, với sân vườn xanh mát bao quanh. Dù đã xuất hiện những vết tích do thời gian để lại, nhưng phong cách đầy hoài niệm xưa cũ của chúng vẫn khiến ai đi qua cũng phải ngước nhìn. Đây còn là bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam ăn khách.
Ngôi nhà cổ số 6 Đinh Liệt của đại gia kim hoàn một thời
Bất kỳ ai khi bước chân vào ngôi nhà cổ này đều cảm nhận được không khí trong lành, với hàng chục gốc cây cổ thụ xanh mướt bao bọc, trái ngược hoàn toàn với cái đông đúc, ồn ào của phố cổ. Chủ nhân của ngôi nhà là vợ chồng cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề, đều là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Khoảng sân vườn mát mẻ của căn nhà ngay sau cái ồn ào nhộn nhịp của phố cổ.
Đây là công trình hiếm hoi ở Hà Nội cho đến nay vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét kiến trúc cổ kính xưa. Được biết, trước năm 1944, công trình thuộc về một nữ đại gia phố Hàng Bồ. Sau đó, căn nhà được hai vợ chồng cụ ông mua lại với giá 50.000 đồng Đông Dương. Sau khi mua lại, ngôi nhà được ông Phạm Khắc Hệ, một trong những KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế lại toàn bộ công trình, bao gồm cả khu vực vườn tược và nhà ở.
Phần mái ngói được giữ nguyên thiết kế.
Hiện nay, căn nhà đang do 5 thế hệ con cháu họ Phạm sinh sống và quản lý bên trong. Về kiến trúc, ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp với nhà truyền thống của người Việt. Các cột, kèo bên trong nhà đều được làm bằng gỗ đinh. So với thiết kế từ trước năm 1945, phần ngói vẫn được giữ nguyên vẹn. Trên đỉnh mái được chạm khắc hình rồng cách điệu rất độc đáo.
Khu vực bên trong ngôi nhà cũng không kém phần xa hoa, với nhiều đồ nội thất, trang trí đắt giá. Trong đó, bộ bàn ghế cổ gần 100 tuổi được nhập khẩu từ Pháp về. Ngoài ra, gia đình còn giữ được 2 bộ câu đối từ hơn 80 năm trước.
Phần nội thất đắt giá từ thời Pháp.
Nét đặc trưng của căn nhà là rất nhiều gốc cây cổ thụ được trồng từ 70 - 80 năm trước, giếng cổ và bể nước cổ. Đây là căn nhà vườn duy nhất được xây dựng theo lối “nhà xuyên phố”. Trong đó, cổng trước nằm ở số 115 Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở số 6 Đinh Liệt.
Biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo
Toà biệt thự đã có tuổi đời hơn 100 năm, nằm ở góc phố Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, sau hai năm trùng tu đã mở cửa đón du khách tham quan. Căn biệt thự có hai mặt tiền, với diện tích xây dựng 174m2, nằm trong khuôn viên rộng 993m2. Đây là một trong số ít biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội còn duy trì được không gian sân vườn rộng.
Biệt thự mang hai màu đỏ, vàng chủ đạo sau khi trùng tu.
Nơi đây có 2 tầng được sơn màu vàng và đỏ đậm. Bên trái bậc tam cấp dẫn vào nhà là một khoảng sân lắp kính cho khách tham quan hình dung được phần nền cũ, thấp hơn nửa mét so với mặt đất. Lối đi dẫn ra sân vườn được trồng nhiều loại cây cảnh bên cạnh cây si có tuổi đời vài chục năm.
Căn biệt thự trở thành nơi tham quan.
Nhiều nét kiến trúc vẫn được giữ nguyên so với tuổi đời của ngôi nhà như chốt chặn cửa, hàng rào bằng sắt bao quanh. Tầng 1 được lát gạch mette hình lục lăng nhập từ Pháp, kích thước nhỏ ít nứt vỡ mặc dù mỏng, không tráng men. Điểm nhấn của tòa công trình là sở hữu hệ thống hàng chục ô cửa sổ lớn, có tầm nhìn thoáng đãng bao quát các tuyến phố xung quanh.
Hiện nay, căn biệt thự trở thành địa điểm tham quan và chụp hình có tiếng tại Hà Nội. Bên trong trưng bày nhiều hình ảnh và các hiện vật cổ kính có giá trị.
Biệt thự cổ tại Hàng Bè, nội thất nhập toàn từ châu Âu
Nằm trong một con hẻm nhỏ trên phố Hàng Bè, gần bờ hồ Hoàn Kiếm, căn biệt thự được xây dựng vào năm 1925, thuộc sở hữu của cụ Trương Trọng Vọng, một doanh nhân thầu khoán nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Cho tới ngày nay, căn biệt thự này tiếp tục được con cháu cụ Mô (con gái cụ Trương Trọng Vọng) trân trọng và gìn giữ.
Căn biệt thự tuổi đời hơn 100 năm.
Đây là nơi hiếm hoi xây dựng theo lối kiến trúc Pháp cổ còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Căn biệt thự từng xuất hiện trong nhiều bộ phim Việt Nam như: Hà Nội mùa đông năm 46, Tuổi thanh xuân, Mùa lá rụng trong vườn,… và các MV ca nhạc.
Nơi đây vẫn giữ được nét cổ kính.
Kiến trúc của biệt thự cổ do một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp thiết kế và được xây dựng miệt mài trong suốt 1 năm bởi một đội ngũ công nhân lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Đặc biệt, căn biệt thự sở hữu 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết "Đào – Cúc – Trúc – Mai" mang ý nghĩa may mắn và giàu sang.
Căn biệt thự từng là bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình.
Tuy đã xây dựng cách đây cả trăm năm nhưng thiết kế của căn biệt thự đã khá hiện đại, bao gồm đủ phòng ngủ khép kín cho từng thành viên trong gia đình, phòng dành cho khách, phòng ăn, phòng cho người ở. Nội thất từng căn phòng đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hong Kong (Trung Quốc), làm từ gỗ quý, chủ yếu là gỗ lim.
Nội thất được làm từ gỗ quý.
Biệt thự cổ số 172 Quán Thánh của ông chủ "ngành in" nức tiếng phố cổ
Chủ nhân đầu tiên của căn biệt thự là cụ Ngô Văn Phú, một kiến trúc sư người Việt Nam. Ông là người tự tay thiết kế và thi công ngôi nhà này. Khoảng năm 1940, sau khi sang Pháp định cư, ông Phú bán lại ngôi biệt thự cho “ông trùm” ngành in Vũ Đình Hiên – chủ xưởng in Vĩnh Thịnh nức tiếng một thời. Mặt tiền của căn biệt thự nằm bên trong một lối nhỏ giữa 2 ngôi nhà cao tầng.
Căn nhà thuộc sở hữu của đại gia ngành in thời xưa.
Căn biệt thự có 2 mặt tiền, cổng chính nằm trên đường Quán Thánh, cổng phụ phía sau ngôi nhà hướng ra hồ Trúc Bạch. Tổng diện tích của căn biệt thự khoảng 1.000m2 và có 2 phần tách biệt là nhà ở và sân vườn. Trong đó, diện tích ngôi nhà khoảng 400m2, có 2 tầng. Các họa tiết bên ngoài ngôi nhà đơn giản, không cầu kỳ. Đặc biệt, hành lang quanh nhà được tạo hình đường cong hình cung hoặc bán cầu có khóa vòm.
Căn biệt thự có giá trị lên tới 600 tỷ đồng.
Hiện nay, giá trị của căn biệt thự này có thể được định giá vào khoảng 600 tỷ đồng. Nơi đây cũng từng xuất hiện trên bộ phim truyền hình nổi tiếng “Mùa lá rụng trong vườn” được công chiếu vào năm 2001 và là điểm đến check-in nổi tiếng của giới trẻ khi một phần của căn nhà được sử dụng là quán cà phê sân vườn…
Các chi tiết của căn biệt thự cổ được thiết kế tỉ mỉ.