Kỹ thuật nuôi không khó, nguồn thức ăn dồi dào, nhu cầu thị trường lại cao, nuôi lợn rừng theo phương pháp ăn chay hiện đang là mô hình phát triển kinh tế được nhiều hộ nông dân áp dụng, đạt doanh thu hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi năm.
Lợn rừng là loài động vật hoang dã, sinh sản nhanh và sống theo bầy đàn. Tại Việt Nam, lợn rừng phân bố ở tất cả các tỉnh miền núi và trung du từ Bắc vào Nam, kể cả các đảo ở miền biển. Lợn rừng thương phẩm thường nặng 40 - 200kg.
Đây là loài ăn tạp, thành phần thức ăn của chúng rất đa dạng, gồm cả thực vật và động vật. Trong điều kiện tự nhiên, nơi sống của lợn rừng rất đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thức ăn. Nhờ nguồn thức ăn tự nhiên nên thịt lợn rừng được xem là loại thực phẩm sạch, thơm ngon, bổ dưỡng.
Lợn rừng là loài ăn tạp.
Nắm bắt được xu thế thị trường, nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi ở nước ta đã nghiên cứu, ứng dụng mô hình chăn nuôi lợn rừng mang lại giá trị kinh tế cao. Ở nhiều địa phương trên cả nước, mô hình chăn nuôi lợn rừng hoang dã, lai tạo với giống lợn thả rông bản địa đang ngày càng phát triển và được nhân rộng.
Mô hình kinh tế trang trại này có những ưu thế về giá thịt thương phẩm, giống lợn rừng có khả năng kháng bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, thị trường tiêu thụ lớn, cùng với sự hỗ trợ của chương trình khuyến nông tại địa phương, từ đó nhiều hộ nông dân đã vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu.
Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn rất độc đáo của anh Trần Nam Giang (Hà Tĩnh), với nguồn thức ăn chủ yếu là cây thuốc nam, thảo dược, hoa quả… cho doanh thu tiền tỷ mỗi năm. Khi bắt đầu khởi nghiệp, anh Giang đã nhận thấy được tiềm năng phát triển từ việc nuôi lợn rừng, nên quyết định nuôi với mong muốn tạo ra bước đột phá mới xây dựng được một mô hình hiệu quả để cải thiện kinh tế gia đình.
Anh Giang chăn nuôi lợn rừng bằng hoa quả tự nhiên.
Ban đầu, anh Giang nhờ bạn bè mua 4 con lợn nái và một con đực ở biên giới Việt Lào, mỗi con giá hơn 10 triệu đồng. Để đàn lợn phát triển mạnh khỏe và cho kinh tế cao, anh Giang đã lên mạng tìm hiểu các thông tin về cách nuôi lợn rừng theo phương pháp ăn chay.
Tận dụng khu vườn 3ha, anh Giang trồng tới 700 cây mít, hàng trăm cây chuối, cây chè cỏ, lá sung,... để làm thức ăn cho lợn rừng. Bên cạnh đó, anh Giang cũng cho ăn các loài cây dược liệu, cây thuốc nam ở rừng có thể giúp lợn kháng bệnh, tiêu hóa và phát triển tốt.
Từ 4 con lợn nái và một con lợn đực, đàn lợn bắt đầu sinh sản tự nhiên, nhân giống rất nhanh. Hiện tại, mỗi năm gia đình anh bán ra hàng trăm con lợn rừng thịt. Không chỉ nuôi lợn thịt, anh Giang còn nuôi thêm 20 con lợn nái. Trung bình, mỗi con lợn nái sẽ đẻ khoảng 10 con lợn con/lứa.
Với khoảng 200 con lợn thịt, mỗi con nặng khoảng 40kg, với giá 160.000 - 180.000 đồng/kg được bán ra hàng năm, anh Giang thu về trên 1 tỷ đồng lợi nhuận cho gia đình.
Anh Nguyễn Tấn Đạt (Sóc Trăng) cũng áp dụng nuôi lợn rừng bằng trái cây kết hợp đậu nành, hèm bia, mỗi năm thu lãi hơn 800 triệu đồng.
Bắt đầu từ năm 2014, sau khi tốt nghiệp đại học, dù không có kinh nghiệm chăn nuôi nhưng đam mê với nông nghiệp, anh Đạt bỏ ra hàng trăm triệu đồng cùng bạn nuôi lợn rừng, trồng rau sạch. Sau thời gian góp vốn hiệu quả, anh rút khỏi nhóm, tự khởi nghiệp.
Anh Đạt cũng chăn nuôi lợn bằng cách cho ăn hoa quả tự nhiên.
Năm 2016, thấy gia đình có vườn trái cây rộng hơn 3.000m2, anh Đạt quyết định làm lại từ đầu với mô hình nuôi lợn rừng bán hoang dã. Từ 20 lợn bố mẹ ban đầu, anh Đạt gây đàn lên hàng trăm con.
Được bổ sung trái cây, lợn rừng lớn nhanh, thịt ngon, săn chắc, không có mùi hôi và ít bệnh hơn so với việc chỉ nuôi bằng thức ăn công nghiệp. Với cách làm này, anh còn tiết kiệm chi phí đầu tư, mỗi con lợn chỉ tốn khoảng 8.000 đồng/ngày.
Lợn nuôi khoảng 6 tháng được chủ trang trại xuất bán thương phẩm, lợn giống chỉ bán khi đạt từ 20kg trở lên nhằm bảo đảm chất lượng giống tốt, không bị lai tạp. Hiện tại, giá lợn rừng thịt khoảng 130.000-150.000 đồng/kg. Mỗi năm, cơ sở của anh Đạt cung cấp cho thị trường miền Tây hơn 1.000 con lợn, mỗi con cho lợi nhuận 500.000 - 800.000 đồng.
Trong khi đó, anh Lê Văn Phương (Nghệ An) cũng gắn bó lâu năm với mô hình chăn nuôi lợn rừng để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2008, khi đã góp cho mình được chút vốn, anh Phương dự định sẽ mở trang trại chăn nuôi nhím, nhưng sau đó, anh lại nghiên cứu chuyển hướng sang chăn nuôi lợn rừng.
Đàn lợn rừng của gia đình anh Phương.
Sau khi tìm hiểu và học tập kinh nghiệm, anh Phương quyết định xây dựng khu trang trại rồi nhập 27 con lợn rừng giống Thái Lan về nuôi. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Phương cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng anh không nản chí mà tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Dần dần, thương hiệu thịt lợn rừng của anh Phương được nhiều người biết đến.
Từ năm 2014, công việc chăn nuôi bắt đầu khởi sắc. Hiện tại, trên diện tích 1ha, anh quy hoạch thành nhiều khu chăn nuôi, mỗi nơi như vậy sẽ được xây chuồng riêng biệt và xung quanh là hệ thống tường bao. Tùy vào độ tuổi của đàn lợn rừng, anh Phương sẽ bố trí tách biệt để dễ dàng chăm sóc. Trong trang trại của anh có trên 250 con lợn rừng, trong đó khoảng 150 con đến thời kỳ xuất thịt (trọng lượng từ 30 – 60kg/con), cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nuôi lợn rừng không khó, cũng chẳng tốn nhiều công chăm sóc, nhưng để hiệu quả cao, cho doanh thu lớn thì người nông dân cần chú ý tới khâu chọn giống, quy hoạch chuồng trại, nguồn thức ăn để đảm bảo đàn lợn phát triển tốt nhất.