Với lợi nhuận đem lại không nhỏ bởi chi phí đầu vào không đáng kể, mô hình trồng dâu nuôi tằm đang được nhiều hộ nông dân áp dụng, cho doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Tằm là ấu trùng của loài bướm tằm đã được thuần hóa có tên gọi là sâu tằm. Nó là loài côn trùng sinh tơ có giá trị kinh tế quan trọng. Không chỉ nghề nuôi tằm phục vụ lấy kén cho ngành dệt lụa, nuôi tằm làm thực phẩm cũng đang ngày càng phất lên do nhu cầu tiêu dùng sản phẩm ngày càng lớn.
Nuôi tằm là mô hình được nhiều hộ nông dân áp dụng.
Con tằm còn là một vị thuốc nam tốt, thường được dùng nhất là tằm chín. Theo Đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm, tính ấm, có chất bổ như sâm nhung, được dùng làm thuốc bồi dưỡng cho cơ thể. Hiện tại, sản phẩm kén tằm được mua với giá xấp xỉ 200.000 đồng/kg, nhộng tằm để chế biến thực phẩm cũng có giá thành cao.
Con tằm có thể phục vụ lấy kén và chế biến thực phẩm.
Trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam, hiện nay đã khắc phục được sự suy giảm và đang có xu hướng phát triển trở lại. Ở một số địa phương, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã và đang đóng góp quan trọng vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Nông Văn Hoàn (Bảo Lạc, Cao Bằng) là một người nông dân chân chính và luôn nỗ lực không ngừng để phát triển kinh tế tại địa phương. Trước đây, anh có chăn nuôi nhưng không cho hiệu quả cao. Năm 2012, sau khi được địa phương hỗ trợ sang nước ngoài học tập kinh nghiệm về mô hình trồng dâu nuôi tằm, anh Hoàn đã nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình này.
Anh Hoàn và mô hình kinh tế của gia đình.
Năm 2013, anh Hoàn chính thức đầu tư mua 25.000 hom giống dâu về trồng trên 0,75 ha đất canh tác của gia đình. Anh cũng đặt mua giống tằm ở nước ngoài về nuôi để phát triển mô hình. Thật đáng tiếc, 8 lứa tằm ban đầu, anh chỉ thu hoạch được 2 lứa hơn 140kg kén, còn 6 lứa tằm sau thất bại.
Tuy vậy, anh Hoàn vẫn lãi 15 triệu đồng nên anh quyết tâm mời chuyên gia nước ngoài về hướng dẫn kỹ thuật. Năm 2015, anh nuôi được 12 lứa tằm, trừ chi phí cho thu nhập 120 triệu đồng. Những năm sau đó, mỗi năm anh nuôi 2 vụ, từ 10-12 lứa tằm, bình quân đạt 70kg kén/lứa, cao đến 80-90kg kén/lứa.
Thấy mô hình kinh tế này có thể phát triển và nhân rộng, năm 2019, anh Hoàn đứng ra thành lập Hợp tác xã chuyên cung cấp giống cây con và thu mua, bao tiêu kén tằm. Hiện tại, hợp tác xã của anh Hoàn cũng mở rộng diện tích vườn ươm giống cây dâu lên 3ha với 9 triệu cây, ươm giống tằm con khoảng 7.000 hộp, cung ứng cho khoảng 600 hộ. Tổng doanh thu của hợp tác xã lên đến 45 tỷ đồng/năm, lợi nhuận hơn 1,8 tỷ đồng/năm.
Anh Cao Tiến Xuân (Trấn Yên, Yên Bái) cũng làm giàu thành công nhờ mô hình trồng dâu nuôi tằm. Gia đình anh Xuân đã trồng dâu nuôi tằm từ cách đây gần chục năm. Do nhận thấy nhiều hộ trong thôn trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, nên anh Xuân đã thực hiện chuyển đổi trên diện tích ruộng trồng lúa của nhà mình sang để trồng dâu.
Anh Xuân gắn bó với nghề nuôi tằm lâu năm.
Đến nay, gia đình anh đã có gần 2 mẫu đất trồng giống dâu, trong đó, có 1,5 mẫu đang cho thu lá. Hiện tại, anh Xuân cũng đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ năm nay. Anh cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà anh thu được 40kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.
Anh Xuân khẳng định, hiệu quả kinh tế của trồng dâu nuôi tằm cao hơn nhiều so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Năm 2023, nhà anh Xuân nuôi 12 lứa tằm trong 2 vụ với thời gian 6 tháng, thu 5 tạ kén, bán giá 170.000 đồng/kg kén, cho tổng doanh thu lên tới hàng tỷ đồng.
Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Duy Dũng (Vũ Thư, Thái Bình) là một trong những hộ nông dân điển hình với mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Khi nhắc đến gia đình anh, bà con trong thôn đều cảm phục bởi ý chí và sự cần cù trong lao động.
Anh Dũng cũng làm giàu nhờ mô hình nuôi tằm.
Năm 1994 sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Nguyễn Duy Dũng khi đó mới tròn 23 tuổi, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Dựa vào lợi thế của địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm cha ông để lại, anh Dũng quyết tâm theo đuổi nghề.
Ban đầu khó khăn, vốn trong tay ít ỏi, chỉ dựa vào mấy sào ruộng dâu của bố mẹ, anh Dũng tìm cách để kiếm thêm thu nhập. Đến năm 1999, anh Dũng lấy vợ và ra ở riêng. Với sức trẻ cùng với sự cố gắng, nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình nên anh mạnh dạn vay thêm vốn để nhận thêm đất sản xuất, tìm mua giống tằm về nuôi nhằm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
May mắn là anh đã thành công và mô hình trồng dâu nuôi tằm đang ngày càng được nhân rộng ở địa phương. Anh Dũng chia sẻ, mỗi lứa tằm cho thu lãi 5-6 triệu đồng sau khi đã trừ hết chi phí, bình quân anh lãi khoảng 70-80 triệu đồng/tháng.
Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất, quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm tơ, kén, hiệu quả kinh tế của nghề trồng dâu nuôi tằm. Nó đòi hỏi thời gian nghiêm ngặt, quy trình chặt chẽ, lao động nhẹ nhàng và có kỹ thuật cao. Người nông dân cần nắm rõ những ưu, nhược điểm để thực hiện mô hình, tránh thất bại.