"Ngành điện có mảng độc quyền tự nhiên, có mảng độc quyền không tự nhiên, có thể cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Vậy nên chúng ta phải có cách ứng xử cho phù hợp", TS Nguyễn Quang A nhận định khi trao đổi với NTNN.
LTS: Ngày 26.1, bên lề cuộc gặp mặt giữa Bộ Công Thương với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết World Bank đã báo động về tình trạng giá điện quá thấp có thể dẫn đến sự phá sản của EVN, đồng thời khuyến nghị giá điện của Việt Nam sẽ phải tăng 40% từ nay đến năm 2017. Từ sự kiện này, NTNN đăng tải loạt bài giúp bạn đọc có cái nhìn đầy đủ hơn về cơ chế giá điện, lộ trình tăng giá, hiệu quả đầu tư của ngành điện…
Thưa ông, lâu nay nhiều ý kiến cho rằng, vì điện, cũng như một số hàng hóa khác được Nhà nước độc quyền, nên chưa đáp ứng được nhu cầu minh bạch thông tin của người dân?
Công nhân công ty điện cao thế miền Bắc kéo dây, lắp cột điện tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ. Ảnh: Đàm Duy
- TS Nguyễn Quang A: Đối với các chuyên gia, họ biết rất rõ về giá thành của ngành điện chứ không phải không biết. Chẳng doanh nghiệp nào muốn tiết lộ bí mật kinh doanh của mình, trong đó có giá thành.
Ngành điện có chỗ độc quyền do hoàn cảnh tự nhiên (thí dụ trong lĩnh vực truyền tải điện hay lĩnh vực bán lẻ điện trên 1 địa bàn). Đây là lĩnh vực độc quyền tự nhiên, không cần thiết và cũng khó có sự cạnh tranh.
Tuy nhiên, lĩnh vực phát điện, bán buôn điện lại cần có sự cạnh tranh vì trong các lĩnh vực này, nếu có sự điều phối của cơ chế thị trường sẽ tạo nên hoạt động hiệu quả hơn. Nói cách khác, ngành điện có mảng độc quyền tự nhiên, có mảng độc quyền không tự nhiên, có thể cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Vậy nên chúng ta phải có cách ứng xử cho phù hợp.
Là một chuyên gia theo đuổi việc chống độc quyền trong kinh doanh, ông đánh giá thế nào về sự độc quyền của ngành điện?
- Như trên đã phân tích, tôi không chống độc quyền tự nhiên, với các độc quyền tự nhiên cần có cách quản lý khác chứ không phải dùng cơ chế thị trường. Đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên, với những lĩnh vực cạnh tranh không tự nhiên như phát điện, bán buôn điện có thể cạnh tranh, hãy tạo điều kiện cho cơ chế thị trường phát huy ở đây (tất nhiên vẫn phải có sự quản lý của Nhà nước); còn ở mảng có độc quyền tự nhiên mà bảo phải theo thị trường thì hỏng, thì có nghĩa người ấy chẳng hiểu gì cả. Lợi ích nhóm cũng không phải xấu, không có các nhóm lợi ích xã hội không phát triển được.
Ngành điện luôn bảo vệ quan điểm giá bán điện thấp dưới cả giá thành, ngành điện đang lỗ... mỗi lần muốn tăng giá điện. Vừa rồi, lãnh đạo Bộ Công Thương lại đưa ra quan điểm nếu không tăng giá điện thì ngành điện sẽ phá sản. Liệu điều này có thực sự xảy ra và nếu có, người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng ra sao?
- Ngành điện hãy đưa ra cách tính giá thành của họ, xã hội sẽ xác minh họ tính đúng không, họ có bán điện dưới giá thành không? Nói mà không đưa ra số liệu chứng minh và đối chứng với tính toán phản biện thì lời nói ấy không có giá trị và cũng đừng bận tâm mà bàn tới nó. Hãy đưa ra các số liệu cụ thể.
Đúng là giá điện của Việt Nam không hấp dẫn các nhà đầu tư, và việc tăng giá điện sẽ mang lại một số điểm lợi. Người dân và doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn bằng việc thay thế công nghệ, tăng năng suất,... là những điều sống còn với đất nước, buộc các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng phải thay đổi công nghệ, bớt gây ô nhiễm môi trường.
Thế nên tôi không phản đối, mà thậm chí ủng hộ việc tăng giá năng lượng. Vấn đề là phải minh bạch để cho người tiêu dùng hiểu, nhà sản xuất hiểu chứ không phải mỗi bên chỉ dùng cảm xúc và cãi vã, không có lợi cho bất cứ ai.
Nếu giá điện tăng đến 40% trong vòng mấy năm tới sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế?
- Nếu biết cách thuyết phục dân và doanh nghiệp thì cũng không khó. Còn nếu ngành điện vẫn làm như hiện nay thì rất khó vì dân và doanh nghiệp sử dụng điện không hiểu và phản đối kịch liệt, trở thành vấn đề xã hội.
Còn về việc tăng giá điện, ảnh hưởng ngắn hạn với dân và doanh nghiệp là tất nhiên, song dài hạn theo tôi là tốt. Tất cả những ảnh hưởng này đều có thể tính toán và đưa ra để cùng thảo luận với người dân và doanh nghiệp.
Đây và vấn đề chung và không khó đạt đồng thuận nếu biết cách làm và cùng làm.
Xin cảm ơn ông!
TS Lê Đăng Doanh: Cần có cơ quan giám sát độc lập giá điện Điện là mặt hàng độc quyền nên chưa có sự công khai, minh bạch. Các thông tin xung quanh giá điện dư luận và người tiêu dùng chỉ được nghe một chiều từ ngành điện. Vẫn chưa có sự giám sát độc lập từng chi phí cấu thành nên giá thành điện. Thủ tướng Chính phủ mới đây đã yêu cầu ngành điện giảm biên chế, tăng năng suất lao động và giảm thất thoát điện năng… Mặc dù đã có Luật Quản lý cạnh tranh, nhưng hầu như chưa kiểm soát được ngành điện. Ví dụ như Cục Quản lý cạnh tranh làm sao giám sát được Bộ Công Thương (?). Để giá điện minh bạch cần có sự giám sát của một ủy ban giám sát độc lập, kiểm soát mọi chi phí mới hy vọng giá điện công khai được. Về phương án tăng giá điện sắp tới, cũng như đề xuất giá điện tăng thêm 40% sau 3 năm nữa, tôi cho rằng ngành điện cần phải có nhiều buổi đối thoại để tính toán lại bởi những phương án cũng như những khuyến cáo của tổ chức nước ngoài được tính toán dựa trên chi phí đầu vào đã lạc hậu. Cụ thể giá dầu và than đã hạ xuống nhiều, nay không còn phù hợp nữa. Tôi ủng hộ quan điểm cần phải có mức giá để ngành điện kinh doanh có lãi, có như vậy mới có đầu tư, nhưng phải là mức giá hợp lý, không thể tù mù được. Hồ Hương (ghi) |