Đó là khẳng định của ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại buổi họp báo chiều 16.9.
Từ năm học 2015 - 2016, học sinh, sinh viên phải đóng bảo hiểm y tế tăng từ 3% mức lương cơ sở lên 4,5%. Vấn đề này đang gây ra những phản ứng trái chiều trong đầu năm học mới.
Theo đó, mỗi học sinh phải đóng khoảng 543.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Lý do là mức đóng này được tính cho 15 tháng và nhà trường có thể thu thành hai đợt.
Nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng, mức tăng này là quá cao, bởi ngay từ đầu năm phụ huynh đã phải đóng rất nhiều khoản khác nhau.
Trước những vấn đề “nóng” trong việc tăng mức thu BHYT học sinh, chiều 16.9, BHXH Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về những vướng mắc trong việc thực hiện thu phí BHYT.
Theo đại diện BHXH Việt Nam, dù chưa nộp tiền BHYT học sinh vẫn được khám chữa bệnh bình thường.
Thu 15 tháng do chưa hiểu
Theo ông Trần Đình Liệu - Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), tính đến ngày 15.9, cả nước có 8 tỉnh, thành thu BHYT theo 15 tháng. Các tỉnh bao gồm: Bến Tre, Bình Định, Bình Phước, Hải Phòng, Quảng Trị, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, TP HCM. Tuy nhiên, đối với TP. HCM đến ngày 12.9 đã điều chỉnh dừng thu 15 tháng và chuyển sang hướng dẫn thu 6 tháng hoặc 12 tháng.
Ông Liệu lý giải, mặc dù BHXH không quy định thu gộp 15 tháng nhưng do cách hiểu chưa đúng nên khi triển khai, đơn vị BHXH và giáo dục ở tại 8 tỉnh, thành đã hướng dẫn thu BHYT gộp 15 tháng.
Trong khi đó, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngay sau khi có thông tin về mức đóng gộp của học sinh, sinh viên là 15 tháng, BHXH đã có phản hồi, điều chỉnh. Theo đó, việc đóng BHYT sẽ phân kỳ thu 3 tháng, 6 tháng trong năm học 2015-2016.
Cũng theo Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT, bên cạnh 8 tỉnh hướng dẫn thu 15 tháng, hiện còn có 50 tỉnh hướng dẫn thu theo 6 tháng hoặc tháng 12 tháng, 5 tỉnh hướng dẫn thu theo năm học (từ tháng 9 năm nay tới tháng 9 năm sau).
“Sau nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, chúng tôi đã đề xuất thu 6 tháng hoặc 1 năm”, ông Sơn cho hay.
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cũng thừa nhận trách nhiệm trong việc tuyên truyền, khiến một số giáo viên và hiệu trưởng chưa hiểu và thu 15 tháng. Thậm chí, nhiều cơ sở giáo dục còn cho rằng thu tiền BHYT là công việc “thu hộ”. Tuy nhiên, trách nhiệm nhà trường thu BHYT đã được quy định rõ trong các nghị định, thông tư liên quan.
Cũng theo bà Minh, không có chuyện ngành giáo dục ”thu hộ” BHXH. Bởi theo Luật BHYT sửa đổi năm 2014, trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc thực hiện thu BHYT khá rõ ràng. Cụ thể: Việc lập danh sách tham gia BHYT cho đối tượng do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý; Cơ sở giáo dục có trách nhiệm thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của HSSV 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.
Học sinh có quyền khám BHYT như nhau
Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: “Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thu BHYT học sinh, sinh viên 6 tháng/lần và tránh tập trung vào thời điểm đầu năm học. Vậy học sinh có được cấp thẻ, khám chữa bệnh ban đầu hay không? Những trường đã thu 15 tháng, BHXH có trả lại cho học sinh hay không?
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định, BHXH không phân biệt những cháu đã đóng hay chưa đóng tiền BHYT. Các cháu đều được quyền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế như nhau.
“Nếu tính chi ly chỉ có 10% không tham gia đóng BHYT nhưng chúng ta không thể nói em này tham gia thì được sơ cứu vết thương, em khác không tham gia thì không có quyền. Đó là quyền lợi bao phủ chung chăm sóc y tế cho các em học sinh”, ông Sơn khẳng định.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, chia làm 2 lần đóng bảo hiểm y tế thì người dân phải thực hiện. Tuy nhiên, Thông tư quy định là tùy khả năng, phụ huynh có thể phân kỳ ra làm 2-3 lần.
“Tôi cho rằng, phụ huynh không phải đến mức khó khăn mà phải chia ra mấy lần. Họ đã đem tiền đi nộp trong vòng 15 tháng nhưng có nhu cầu trả lại BHXH vẫn trả”, bà Minh cho hay.
Các trường không được thu bảo hiểm tự nguyện Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký công văn gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thu bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở giáo dục. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích lại của quỹ bảo hiểm y tế cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo theo đúng quy định. Kinh phí này được chi để mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở giáo dục. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các cơ sở giáo dục không thu các khoản bảo hiểm tự nguyện. |