Theo quy định, mức đóng bảo hiểm học sinh, sinh viên trong cả nước là như nhau. Nếu các trường khác nhau có thể do tính toán sai sót về mặt kỹ thuật”, ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết.
Năm học 2015-2016 là năm đầu tiên BHYT học sinh, sinh viên thực hiện theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với một số điểm mới.
Theo đó, từ năm học này, mỗi năm, một học sinh, sinh viên từ bậc tiểu học đến bậc đại học đóng 434.700 đồng. Trong khi đó, năm học 2014-2015, mỗi học sinh, sinh viên chỉ nộp 289.800 đồng mua thẻ BHYT.
Hiện có nhiều phụ huynh bức xúc về khoản đóng này. Họ cho rằng, mức đóng bảo hiểm đối với học sinh, sinh viên tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước là quá cao trong khi đối tượng này chưa có thu nhập. Đặc biệt, thời gian gần đây, mỗi trường ở Hà Nội lại thu một mức, không thống nhất. Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.
Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế.
Thưa ông, nhiều phụ huynh không đồng tình với mức đóng bảo hiểm y tế mới. Họ cho rằng, con họ không nhất thiết phải mua BHYT với giá cao như vậy (434.700 đồng/năm)? Ông có ý kiến như thế nào về điều này?
Luật yêu cầu bắt buộc mọi đối tượng phải tham gia BHYT. Do đó, phụ huynh không thể nói đến chuyện thích hay không thích đóng BHYT. Vấn đề chúng ta phải tuân thủ pháp luật và tất cả mọi đối tượng trong xã hội đều phải thực hiện theo quy định.
Hơn nữa, Luật BHYT sửa đổi đã mở rộng nhiều quyền lợi của người tham gia BHYT so với trước kia. Chẳng hạn: Đối với hộ nghèo, trước đây hưởng 95% bảo hiểm y tế và đồng chi trả 5% phí khám chữa bệnh thì hiện nay họ được miễn 100%. Đối với nhóm hộ gia đình cận nghèo, trước đây phải trả 20% chi phí thì hiện nay chỉ cần đóng 5%. Đối với học sinh, sinh viên, đóng BHYT còn được tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa bệnh tật, tai nạn thương tích tại nhà trường.
Như vậy, mức phí đóng bảo hiểm y tế tăng cao do mô hình bệnh tật thay đổi. Bên cạnh đó, trong y học cũng ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ mới trong khám chữa bệnh. Do đó, Luật BHYT phải có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia BHYT.
Xét một cách tổng thể, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của trẻ em lớn hơn các đối tượng khác.Vì vậy, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng phụ thuộc tham gia BHYT là trách nhiệm của các bậc phụ huynh.
Nhiều phụ huynh vẫn thắc mắc, theo quy định, mỗi năm, một học sinh đóng 434.700 đồng. Tuy nhiên, năm học 2015-2016, con em họ phải đóng 543.375 đồng cho 15 tháng. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?
Tôi khẳng định, không phải năm nào học sinh, sinh viên cũng phải đóng tiền bảo hiểm y tế 15 tháng. Bởi theo quy định, việc thu BHYT thực hiện theo năm tài chính (thu từ ngày 1/1 đến 31/12 của năm). Mọi năm, BHYT thu theo năm học (đến hết 30/9). Còn năm nay là năm chuyển giao nên BHYT phải thu thêm 3 tháng cuối của năm 2015 và nguyên năm 2016.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phụ huynh đóng cùng một lúc 15 tháng. Phụ huynh có thể thống nhất giữa nhà trường cho phù hợp.
Ngoài ra, năm 2015, nhà trường có thể thu 3 tháng tiền BHYT sau đó năm 2016 có thể thu thành 2 đợt. Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan thông tin sớm, đầy đủ để phụ huynh lựa chọn phương thức phù hợp, không nặng gánh tài chính, không ảnh hưởng đến kinh tế nhưng cũng không làm mất thời gian do đi lại nhiều lần.
Vậy tại sao không cho phép học sinh, sinh viên đóng BHYT theo hộ gia đình, tránh việc phụ huynh phải đi lại nhiều lần, thưa ông?
Luật BHYT quy định đã phân chia nhóm đối tượng theo trách nhiệm đóng và có hỗ trợ của nhà nước. Theo đó, học sinh, sinh viên là nhóm đối tượng riêng, hộ gia đình là nhóm riêng.
Nếu nhìn tổng thể thì đóng BHYT học sinh, sinh viên, quyền lợi chăm sóc sức khỏe ban đầu của các em ở nhà trường tăng lên. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội nhận được hỗ trợ thêm tối thiểu 30% mức đóng. Hơn nữa, học sinh, sinh viên là một nhóm đối tượng trong Luật, không thể tham gia theo hộ gia đình như nhiều người mong muốn.
Vậy phụ huynh có thể quyết định phân chia mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, thưa ông?
Theo Luật, nhà trường không được phép ép phụ huynh đóng đủ 15 tháng tiền bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, phân chia các kỳ đóng có thể do nhà trường vận động, thống nhất với phụ huynh. Nhưng cá nhân tôi, tôi ủng hộ giãn tiến độ các kỳ đóng, tránh các khoản phí đầu năm của con em họ chênh lên.
Được biết, trong những ngày đầu năm học này, các trường tại Hà Nội đã thu tiền BHYT của học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, mỗi nơi đóng một mức phí khác nhau, có trường đóng 507.000 đồng, có trường đóng 537.000 đồng. Vậy, tại sao lại có sự chênh lệch giữa các trường, thưa ông?
Theo quy định, mức đóng bảo hiểm học sinh, sinh viên trong cả nước là như nhau. Nếu các trường khác nhau có thể do tính toán sai sót về mặt kỹ thuật.
Tôi phải khẳng định, dù cách thu khác nhau nhưng tổng vẫn là một con số theo quy định của Luật BHYT.
Sau khi nắm được thông tin mỗi trường thu một mức tiền BHYT khác nhau, Bộ Y tế sẽ chủ động liên hệ với BHXH, nhà trường để nghe phản hồi và thông tin sớm.
Xin trân trọng cảm ơn ông!