Đây là kết quả kiểm tra của Cục Bảo vệ thực vật sau khi rộ lên thông tin hạt hướng dương Trung Quốc nhiễm phèn nhôm, ăn vào bị teo não hồi cách đây gần hai tháng.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về kết quả kiểm tra, phân tích các mẫu hạt hướng dương trên thị trường.
Trung tâm Kiểm định và Khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc đã lấy 30 mẫu hạt hướng dương, dưa hấu và bầu bí để kiểm nghiệm các chỉ tiêu phèn nhôm (Aluminium Sunfate và Aluminium ammonium Sunfate) và talc là những chất có nguy cơ gây mất ATTP (an toàn thực phẩm). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, tất cả các mẫu đều không chứa hợp chất talc, cũng chưa phát hiện thấy phèn nhôm.
Đề nghị giới hạn mức sử dụng với nhôm trong thực phẩm
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, phân tích cũng chỉ ra rằng, tất cả các mẫu hạt đều có chứa nhôm.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định về giới hạn tối đa cho phép đối với hàm lượng nhôm trong thực phẩm. Còn theo quy định của Bộ Y tế thì cho phép sử dụng các hợp chất nhôm bao gồm hai chất phèn nhôm phát hiện trong các mẫu hạt hướng dương.
Mục đích sử dụng các hợp chất này là để làm chất phụ gia, bảo quản để tạo ổn định, chống đóng vón, làm dày, tạo xốp trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định về mức giới hạn tối đa trên các loại hạt hướng dương, hạt bí và dưa hấu. Nhân vụ việc này, để có cơ sở khoa học và pháp lý cho công tác quản lý ATTP, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Y tế bổ sung mức giới hạn tối đa cho phép đối với nhôm trong các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc thực vật.
Chưa tìm thấy hạt hướng dương chứa chất gây teo não (Ảnh minh họa)
Nhôm quá cao trong thực phẩm có thể gây độc thần kinh và có thể gián tiếp gây ra bệnh alzheimer (bệnh mất trí). Tuy nhiên, các nghiên cứu thử nghiệm đã cho thấy, hàm lượng thấp nhất gây ngộ độc thần kinh, gây độc cho phôi và ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thống thần kinh là khá cao, theo thứ tự là: 52, 100 và 50 mg/kg thể trọng/ngày.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, Cục này đã chỉ đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các loại hạt hướng dương, hạt bầu, hạt dưa hấu nhập khẩu sử dụng làm thực phẩm theo quy định.
Như vậy, kết luận cuối cùng Cục BVTV nhận định là chưa phát hiện thấy các mẫu hướng dương, hạt bầu bí và hạt dưa hấu chứa chất độc hại vi phạm quy định về ATTP hiện hành của Việt Nam, chưa có nguy cơ gây tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Trước đó, vào cuối tháng 2/2013, cơ quan chức năng Trung Quốc đã kiểm nghiệm và phát hiện chất nhôm và bột talc trong các mẫu hạt khô như hướng dương, hạt dưa đã qua rang sấy.
Ngay sau khi có thông tin này, báo chí trong nước đã vào cuộc ghi nhân phản ánh tình hình sử dụng hạt hướng dương trong nước trong đó nguồn gốc chủ yếu là từ Trung Quốc. Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra, phân tích. Kết quả kiểm tra của cả hai Bộ đều chưa phát hiện các chất nguy hại này.
Thông tin từ Cục BVTV cũng cho hay, lượng hướng dương trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng dưới dạng hạt sống, chưa qua rang sấy.