Chuyện ám ảnh ở nghĩa trang lớn nhất Sài thành

Ngày 17/10/2013 14:56 PM (GMT+7)

Bình Hưng Hòa, nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn vẫn được mệnh danh là nơi “người chết nuôi người sống”. Nhưng đặc biệt nhất là một xóm nhỏ toàn những người mù đã sinh sống ở đây từ thế kỷ trước.

Đối với nhiều người, cuộc sống ở xóm mù nơi nghĩa trang này như một vương quốc riêng biệt của những cư dân đã quen sống với… các âm hồn!

Mong có ngày không phải sống chung cùng người chết

Bắt đầu bước tới đoạn đường rẽ vào nghĩa trang, không khí gần như khác hẳn. Mùi của hương, hoa trộn lẫn mùi khói khét lẹt, ngai ngái tỏa ra từ lò hỏa thiêu… lạnh lẽo và hoang vắng. Đâu đó, một vài bóng người quanh quẩn bên những ngôi mộ mới, lấy trộm từng vòng hoa để mang về bán lại… Rẽ vào con xóm nhỏ yên tĩnh ngay cạnh nghĩa trang, dường như nơi đây là một thế giới khác, một không gian tách bạch hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Trong xóm nhỏ này cảm nhận được những cuộc sống “phập phồng”, leo lét đâu đó xung quanh những nấm mồ lạnh giá. Theo những cuộc “điều tra dân số” không chính thức thì cái xóm nhỏ này có khoảng 20 con người, tất cả đều bị khuyết tật về mắt.

Chuyện ám ảnh ở nghĩa trang lớn nhất Sài thành - 1

Một góc nghĩa trang Bình Hưng Hòa (TP.HCM)

Người mù ở đây sống bằng nhiều nghề, nhưng đa phần là bán vé số, người khéo một chút thì làm mát-xa bấm huyệt, có gia đình biết tự làm bàn chải để bán. Hơn 20 nhân khẩu trong “xóm mù” này nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau.

Người thì tự bỏ quê về đây sinh sống với những người đồng cảnh ngộ, người thì gia cảnh quá nghèo nên cũng tìm về đây tá túc. Còn có những trường hợp mù lòa mà lạc mất cha mẹ, được người đời đưa tới đây tìm kế sinh nhai… Chính vì vậy, các hộ gia đình này đều có hoàn cảnh vô cùng khó khăn.

Lai lịch xóm mù đặc biệt giữa nghĩa trang

Theo anh Thái Thành Thơ, cán bộ Ban công tác xã hội P.Bình Hưng Hòa, năm 2003, tổng cộng ở xóm mù có 81 hộ gia đình mù. Sau đó, 51 hộ đã thực hiện xong việc giải tỏa để trả lại hành lang kênh Nước Đen với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 40 triệu đồng cho một hộ.

Những hộ người mù này chuyển sang tái định cư bằng cách thuê phòng ở lại xóm mù (Ấp 3 và Ấp 5, P.Bình Hưng Hòa), một số chuyển về Củ Chi, Hóc Môn sinh sống. Các hộ ở xóm mù có hộ khẩu TP.HCM được địa phương cấp giấy chứng nhận hộ nghèo và cách 3 năm gần đây đã được hưởng chế độ trợ cấp ít nhiều của Nhà nước.

Chia sẻ với chúng tôi, những người mù ở đây cho biết, họ chỉ mong mỏi có một ngày được học theo nghề và có công việc ổn định cuộc sống.

Đặc biệt như gia đình bác Hoàng Thị Thúy Châu và bác Nguyễn Văn Thành, cả ba thế hệ đều bị mù và đành sống bám ở nghĩa trang này. Cả mấy con người chui rúc trong căn nhà khoảng 20m2. Hàng ngày, mọi người thay phiên nhau để đi ăn xin và bán vé số để kiếm tiền sống qua ngày. Khổ hơn, trong một lần đi bán vé số, bác Châu còn bị tai nạn gãy chân, giờ phải ngồi xe lăn.

Kể về lịch sử xóm mù này, ông Huỳnh Tấn Dũng, một trong số những người sống lâu năm nhất ở đây cho biết: “Đây vốn là đất công giáo cắt cho những người mù từ năm 1968. Đến năm 1975, đất trả về Nhà nước thì những người mù ở đây bắt đầu được Nhà nước cấp đất, xây nhà. Hồi đó, nhà ai cũng nghèo khổ, rách nát, tối ngày ăn bo bo trừ bữa. Khi ấy, cộng đồng người mù ở đây rất đông, giờ đổ đi làm kinh tế các nơi nhiều nên tản mát dần”. Cũng như những hộ gia đình khác tại đây, căn nhà nơi ông Dũng ở chỉ có duy nhất một chiếc giường và bộ bàn ghế cũ kĩ dùng tiếp khách. Phía góc nhà kê bộ máy làm bàn chải, chiếc cần câu cơm hàng ngày của hai vợ chồng ông. Ông có 3 người con, cô con gái cả cũng đã 37 tuổi, được vợ chồng ông cho ăn học đến hết lớp 12, giờ ra làm việc tại một xí nghiệp giàu da.

Cuộc sống xóm mù vốn đã yên ắng, ban ngày mọi người tản mát đi làm càng khiến nơi đây vắng vẻ đến lạnh người. Đêm đến thì dẫu có đèn cũng chẳng để làm gì, họ âm thầm làm bạn bên chiếc đài nhỏ, lắng nghe sự đời. Mỗi cuộc đời ở đây đều như một cuốn phim buồn đầy chua chát. Với họ, lắm khi trời bỗng dưng đổ mưa như trút, cả người cả hàng ướt như chuột, đi không cẩn thận ngã chúi đầu vào đống đá máu chảy bê bết nhưng rồi cũng chẳng có tiền mà đi bệnh viện, chỉ nhờ những người qua đường băng bó sơ sơ. Hơn nữa, lúc mưa thì rất ồn ào, khó phân định xung quanh nên luống cuống chẳng biết rẽ đâu mà trú, có bận về nhà lại cảm vài ngày mới khỏi. Ông Dũng chia sẻ: “Chuyện vấp té là chuyện thường, mới hôm trước còn có vợ chồng gần đây ngã gãy cả tay vì bước hụt xuống cái hố. Còn tôi cũng mới ốm nặng nhưng vẫn gượng dậy đi làm, hai thân già cùng mù lại rau cháo nuôi nhau”. Tháng 6 vừa qua, ông Dũng vừa được bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội người mù quận Bình Tân, ông tỏ ra hồ hởi: “Giờ tôi cũng bận lắm, sáng đi bán bàn chải, chiều nếu có việc thì lên Hội làm việc, tối về làm hàng để ngày mai tiếp tục kiếm cơm”.

Đối với những người mù thì phải rèn cho bằng được đôi tai nhạy cảm. Họ phân biệt được mọi thứ thông qua cảm giác và những gì nghe được. Họ nhận ra đường lớn đường nhỏ, đường đông đường vắng qua tầm thoáng của xe, tiếng còi, tiếng mọi người xung quanh. “Khi đi ngoài đường, người mù phải nhớ được từng đoạn rẽ, phải ước chừng được mình đã đi bao xa để mà khi quay về cứ đường đó mà đi. Có nhiều người đi lạc cả tháng trời không tìm được đường về xóm đấy”, ông Dũng tâm sự. “Ngày trước phải tự đoán định thời gian, chỉ biết khoảng tầm chứ khó khi nào chính xác giờ giấc. Bây giờ có điện thoại rồi, có chức năng báo giờ bằng tiếng nói nên cũng đỡ”. Nói rồi, ông lần giở chiếc điện thoại đen trắng cũ kĩ, nhấn phím báo giờ cho chúng tôi nghe, khuôn mặt cười rạng ngời.

Chuyện ám ảnh ở nghĩa trang lớn nhất Sài thành - 2

Cuộc sống xung quanh khu vực nghĩa trang

Sự đời và những giọt đắng mưu sinh

Trước đây, hầu hết những người mù trong xóm đều làm nghề bán vé số bởi công việc này không yêu cầu vốn. Sáng ra, các hộ nhận vé từ một đại láy gần đó đứa tới, mỗi tờ vé số 5.000 đồng, những người mù sẽ lời được 600 đồng/tờ. Bán được bao nhiêu hoàn lại tiền gốc, tiền lãi theo quy định và vé thừa cho cửa hàng, ngày nào bán hết 200 tờ thì cũng đủ tiền để trang trải sinh hoạt cho vài ngày sau đó. Thế nhưng, sự đời không dễ thế, cả ngày lầm lũi ngoài đường, thu nhập vốn đã chẳng được bao nhiêu, nhưng có biết bao tai họa lại rình rập. Nhiều kẻ xấu còn lợi dụng trấn lột, cướp bóc cả tiền và vé của những người mù đáng thương.

Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Hương (60 tuổi) sống gần đó, mưu sinh bằng nghề bán vé dạo. Có lần đi bán gặp một thanh niên, lấy lí do chọn số, hắn đã tráo sấp 50 tờ vé số thành giấy trắng khiến ông Hương phải đền mấy trăm nghìn cho đại lý. Từ Đồng Nai lên đây mưu sinh, đã có lúc ông Hương cùng ông Dũng rủ nhau lang thang đi bán bàn chải dạo suốt nhiều ngày liền, đi bộ xuống mãi các tỉnh miền Tây rồi lại mò lên. Cơm nước vạ vật, đến đâu thì xin lòng thương của người dân đến đó, chỉ mong bán được nhiều hàng. Ông Hương kể: “Hồi xưa khi còn khỏe, tôi đi khắp nơi bán. Giờ yếu rồi, chỉ loanh quanh gần đây, đoạn nghĩa trang cũng có đông người này nọ ghé qua mua vì họ nghĩ đây là đất linh thiêng. Bán ở đó chỉ bán sáng, bán chiều chứ tuyệt đối không ai dám bán trưa, bán tối, ở đó nhiều nghiện, bọn chúng dễ cướp giật dọa chích kim tiêm vào người lắm”.

Có người xin được mát-xa, công việc có vẻ nhàn nhã nhưng cũng lắm điều ngang trái. Gặp phải khách đàng hoàng thì không sao nhưng nhiều khách còn lợi dụng trêu ghẹo khiến họ phải bỏ việc vì sợ gặp lại những kẻ biến thái như thế.

Như vợ chồng anh Vân, trước cũng làm nghề mát-xa do tổ chức từ thiện Eden (Đài Loan) lập ra để giúp đỡ cho những người mù. Nhưng thu nhập thấp quá, đường đất lại xa xôi mãi tận Q.5 nên đành nghỉ, quay về với nghề bán vé số dạo. Vợ chồng ông Dũng vốn trước kia cũng theo nghề bán vé số, nhưng sau bận ông bị bọn cướp xô ngã lấy đi hết tiền của ông thì ông quyết định chuyển sang nghề bán bàn chải. Sáng ra, cả hai vợ chồng đều cùng nhau đi bán, đến khoảng giữa giờ chiều thì quay trở về. Cơm nước xong thì hai người bắt tay vào làm hàng để chuẩn bị cho ngày mai bán. “Nghề bàn chải tôi học được từ hồi học trường phục hồi chức năng ở đường Bà Huyện Thanh Quan (Q.3). Nhưng nghề này thì vất vả hơn bán vé số, thu nhập cũng không bằng, mỗi bàn chải giá vài nghìn chỉ lãi 500 đồng. Chưa kể cũng bị cướp, bị trả tiền thiếu, bị mua 2 trả tiền 1. Đành chấp nhận vậy thôi chứ biết làm sao”, ông Dũng ngậm ngùi kể.

Mỗi năm, ở nghĩa trang lớn nhất Sài thành, người dân ven cạnh liên tục chứng kiến nhiều người lạ tìm đến đây tự tử. Thậm chí, có những trường hợp người dân tá hỏa phát hiện xác chết từ nơi khác đem đến đây vứt bỏ.

Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Những vụ tự tử bí ẩn ở nơi đáng sợ nhất Sài Gòn

Theo An Nhàn – Phi Yến (Đời sống & Hôn nhân)
Nguồn:

Tin liên quan