Chuyện bi hài ở trạm vùng cao chỉ có... y sĩ nam đỡ đẻ cho sản phụ

Ngày 09/10/2016 08:45 AM (GMT+7)

Ngoài nhiệm vụ chính là khám bệnh, cấp phát thuốc, 4 y sĩ nam người dân tộc Xê-đăng không còn cách nào khác là kiêm nhiệm cả công việc hộ sinh.

Ngoài nhiệm vụ chính là khám bệnh, cấp phát thuốc, 4 y sĩ nam người dân tộc Xê-đăng không còn cách nào khác là kiêm nhiệm cả công việc hộ sinh. Với hơn 70 ca đỡ đẻ từ khi trạm thành lập, 4 “bà mụ” đặc biệt này đã phải trải qua nhiều câu chuyện bi hài, cười ra nước mắt.

Những câu chuyện cười ra nước mắt

Trạm Y tế xã Trà Linh (Nam Trà My, Quảng Nam) nằm sát chân núi Ngọc Linh, cách trung tâm huyện 7 giờ đi bộ, về các nóc của xã cũng mất chừng đó thời gian. Tuy thôn nóc cách trở đường đi nhưng trạm chẳng bao giờ thiếu người đến khám bệnh, xin thuốc. Tại trạm y tế này không có nữ hộ sinh, không có bác sỹ nên 4 nam nhân viên y tế ở đây phải cáng đáng hết mọi công việc từ khám bệnh, phát thuốc, đến... đỡ đẻ.

Đối với các nữ hộ sinh thì công việc đó vốn đã nhiều vất vả, đằng này các anh lại là nam giới. Phong tục của đồng bào cũng không cho phép. Tiếp chuyện chúng tôi, Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng không khỏi bật cười khi nhắc đến những ca đỡ đẻ “có một không hai” khiến anh cùng các nam nhân viên ở đây nhiều phen cười ra nước mắt.

Năm 2001, chị Đinh Thị Hằng ở thôn 3, xã Trà Linh dù đã chuyển dạ ba ngày những vẫn chưa sinh, chỉ đến khi toàn thân chị tím tái, kiệt sức thì mới tìm đến y sỹ Bằng. Sau gần một ngày băng rừng vượt suối anh Bằng mới đến được thôn 3 này. Thấy sản phụ đang trong tình trạng nguy hiểm, bất chấp phong tục truyền thống của đồng bào Xê - Đăng không cho phép đàn ông tiến lại gần nơi sinh nở của phụ nữ, anh phải vận dụng hết khả năng của mình vào ca sinh khó. May mắn cho cả anh cũng như cho cả mẹ con chị Hằng cũng như anh Hiệp. Bế đứa trẻ đang khóc oa oa trên tay, báo hiện ca đỡ đẻ thành công, anh như muốn ngất lịm vì hạnh phúc.

Một trường hợp khác, sản phụ Linh (34 tuổi) khi chuyển dạ được bố trí ở trong căn lều riêng biệt, máu từ “vùng kín” chảy nhiều. Nhưng khi anh Bằng và các đồng nghiệp tiến tới định cởi chiếc váy bết máu, sản phụ lập tức la toáng lên: “Không được cởi váy của mình đâu. Chồng mình thấy thì mình chết mất!”. Thế rồi một tay chị giữ váy, một tay nắm chặt tay anh y tá đang “có hành động mờ ám”. Tiếng la hét của chị làm náo loạn cả một khu rừng. Lúc ấy, người nhà và đặc biệt là anh chồng sấp ngửa chạy tới, một hai đòi xông vào để xem chuyện gì xảy ra. Nghe thấy tiếng chồng bên ngoài, người vợ được thể lại càng la lối.

Chuyện bi hài ở trạm vùng cao chỉ có... y sĩ nam đỡ đẻ cho sản phụ - 1

Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng khám bệnh cho người dân

Trước tình hình có vẻ căng thẳng, 4 nam y sỹ phải hội ý nhanh, một mặt cử người chạy đi mời già làng lên tuyên truyền vận động, một mặt liên hệ với chính quyền địa phương để giải thích cho gia đình chị Linh hiểu. Trong khi các anh đỡ đẻ cho người vợ thì bên ngoài, anh chồng đỏ mặt tía tai, hết nhìn vào trong lều rồi nhìn lên mặt trời để ước lượng thời gian. Anh chồng nóng ruột vì không hiểu 4 y sỹ đỡ đẻ gì mà lâu như vậy. Trong khi đó, anh Bằng và các đồng nghiệp vừa đỡ đẻ vừa run, chỉ sợ đỡ đẻ xong sẽ bị phạt vạ. Rất may lần ấy, các anh chỉ được một phen hú hồn. Và đó là câu chuyện có thật mà các nhân viên y tế nơi đây vẫn nhớ nằm lòng mỗi khi thăm khám cho các bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân nữ.

Khó mấy cũng hoàn thành nhiệm vụ

Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng kể: Nhiều ông chồng khi đưa vợ đến sinh nở thấy trạm y tế toàn đàn ông đã nằng nặc đòi đưa vợ về vì sợ “người đàn ông khác thấy “cái ấy” của vợ mình”, mặc cho các anh can ngăn hết lời. Nhưng chưa ra khỏi cổng trạm y tế, chị vợ vỡ ối la oai oái. Vậy là anh chồng hốt hoảng đưa vợ quay lại. Lập tức, 4 y sỹ khẩn trương đưa sản phụ lên bàn sinh.

Từ khi trạm y tế được xây dựng tại đây, các anh đã tiến hành thực hiện cho 70 trường hợp đỡ đẻ thành công. Đó là con số giúp các anh có thêm động lực hoàn thành công việc hộ sinh đặc biệt của mình. Đến nay, bà con các thôn trong xã đều coi các anh là những hộ sinh mát tay. Nhiều gia đình sau khi đưa sản phụ về nhà đã quay lại lại cảm ơn các anh bằng những món quà hết sức dân dã, khi là mớ rau rừng, khi là gùi sắn, khi là mớ bắp nương. Với các anh, món quà chan chứa ân tình ấy cũng đã đủ mãn nguyện.

Anh Hồ Đúc Na, người đã 25 năm làm công tác y tế ở Trà Linh, tâm sự: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, chúng tôi cần sự hỗ trợ rất nhiều. 25 năm nay, trạm Trà Linh không có nữ về công tác nên chúng tôi cũng phải làm luôn công tác hộ sinh”. Cả trạm chỉ có 4 người đàn ông dân tộc Xê-đăng chia nhau tất cả các công việc từ lớn tới nhỏ. Trạm trưởng y tá Nguyễn Cao Bằng cho biết: “Khó khăn nhiều không đếm hết, trình độ cũng thiếu, vật chất cũng thiếu, con người cũng thiếu. Dẫu vậy, chúng tôi luôn cố gắng hết sức hoàn thành công tác chuyên môn, làm đúng với trách nhiệm của người thầy thuốc”.

Với trách nhiệm cao như vậy, ngày nào Trạm trưởng Cao Bằng cũng tổ chức họp triển khai công việc cho 4 người. Một người trực trạm thì những người còn lại phải đi về các thôn, nóc triển khai chương trình y tế. Công việc chính vẫn là tuyên truyền và phát hiện, báo cáo tình hình bệnh tật ở từng làng, bản, nhất là đối với trẻ em. Cái chính là cán bộ y tế phải tuyên truyền làm sao để người Xê-đăng biết tìm đến thầy thuốc, đến trạm y tế khi trong nhà có người bị bệnh.

Trạm trưởng Nguyễn Cao Bằng thật thà chia sẻ: “Mỗi lần lên những nóc chót vót trên đỉnh Ngọc Linh quay về là đã tưởng sẽ không bao giờ đến nữa. Nhưng cứ nhìn cuộc sống của người dân ở đây, chúng tôi lại tự nhủ bà con cần mình biết bao. Rồi lần sau lại đi thêm nữa, thêm nhiều lần nữa”. Câu chuyện cảm động về 4 người đàn ông phụ trách trạm y tế xã Trà Linh thực sự là tấm gương cuộc sống tuyệt vời, là minh chứng cho thấy xã hội còn thật nhiều tấm lòng tốt đẹp.

Theo Trần Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h