Chuyện cụ ông học thạc sĩ ở tuổi 82

Ngày 03/09/2015 05:09 AM (GMT+7)

Đó là cụ ông Lê Phước Thiệt (SN 1933, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), người từng lấy bằng đại học tại Mỹ ở tuổi 70 và được đặc cách theo học cao học khi đã 82 tuổi.

Vì sự học, “không có gì là quá trễ”

Trong buổi khai giảng lớp cao học khóa 12 tại trường đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng), chúng tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự nhanh nhẹn và năng động của một ông cụ năm nay đã 82 tuổi. Với giày thể thao; quần bò; áo sơ mi và chiếc balo đựng máy tính, cụ Thiệt leo cầu thang còn nhanh hơn nhiều bạn sinh viên đi cùng. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, cụ cười: “Vào năm học, tôi phải đi lại nhiều hơn, phải tốn nhiều sức lực hơn. Mình có tuổi rồi nên phải ráng tập thể dục thể thao để còn theo kịp chương trình học với các bạn trẻ”.

Nói là làm, sau khi nhập học, cụ đã tìm ngay một trung tâm thể hình ở Đà Nẵng để rèn luyện sức khỏe. Để tiện đi lại, cụ xin phép nhà trường cho ở trong ký túc xá như những sinh viên khác. Nhưng để cụ linh động hơn trong việc học hành, nhà trường đã sắp xếp cho cụ một chỗ ở trong khu nhà ở của cán bộ thỉnh giảng.

Để thể hiện sự hòa nhập với giảng viên và những học viên đương ở tuổi con tuổi cháu, cụ Thiệt đề nghị xưng hô “anh” hoặc “bạn” cho gần gũi. “Ra khỏi giảng đường thì xưng hô sao cũng được, nhưng đã ngồi trong lớp học thì ai cũng như ai mà, tôi dùng máy tính cũng nhanh như các anh chị đấy nhé”, cụ Thiệt vừa nói vừa cười.

Chuyện cụ ông học thạc sĩ ở tuổi 82 - 1

Cụ Thiệt chia sẻ về những ngày nuôi con và học hành trên đất Mỹ.

Trong câu chuyện về hành trình học tập của mình, cụ Thiệt kể về những ngày đầu đặt chân đến đất Mỹ và quãng thời gian vừa làm vừa học nơi xứ người: “Tôi đến Mỹ vào năm 1975, đó là những năm tháng khó khăn khi vợ chồng tôi và 7 đứa con phải hòa nhập với văn hóa nước bạn”. Trong suốt 20 năm, hai vợ chồng cụ làm việc miệt mài để nuôi 7 người con ăn học thành tài.

Cuộc sống ở khó khăn nhưng cụ vẫn quyết tâm đưa các con vào đại học. Đến khi con cái đã ổn định được phần nào sự nghiệp, cái sự “thèm học” – vốn như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng cụ lại được nhen nhóm mạnh thêm. “Người ta ao ước được du học ở Mỹ quá chừng, còn gia đình mình ở ngay trên đất Mỹ thì sao lại không đi học?”, cụ nhớ lại những ngày đăng ký thi đại học nơi xứ người, năm ấy cụ bước vào tuổi 62.

“Nhiều người ngạc nhiên khi tôi đăng ký thi vào đại học bang California tại Hayward và lấy bằng Kinh tế-Tài chính ở 70 tuổi, nhưng không có gì là quá trễ, đặc biệt là sự học của con người”, cụ Thiệt tự hào khoe với chúng tôi xem chiếc nhẫn khắc tên trường “California State University HayWard – 2001”.

Chuyện cụ ông học thạc sĩ ở tuổi 82 - 2

Trên tay cụ Thiệt luôn đeo chiếc nhẫn bạc, khắc tên trường California State University HayWard – nơi cụ tốt nghiệp Đại học tại Mỹ

Đến năm 2013, hai vợ chồng cụ quyết định trở về quê nhà Đại Lộc sau gần 4 thập niên sống tại đất khách quê người. “Vợ tôi bị bệnh alzheimer (chứng mất trí nhớ– PV) nên tôi phải tạm dừng việc học lên cao học tại Mỹ. Bản thân tôi cũng ở tuổi gần đất xa trời rồi, có muốn học tiếp thì cũng phải về với quê nhà mà học”.

“Không có gì là quá trễ”, đó cũng là một trong những động lực để cụ tiếp tục con đường học tập bị ngắt quãng kể từ năm 2001. Chỉ một năm sau khi hồi hương, cụ Thiệt đã nhanh chóng đăng ký học cao học tại đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng) và được đặc cách tuyển thắng vào học ngành Quản trị Kinh doanh – ngành học phù hợp với chuyên ngành mà cụ đã tốt nghiệp trước đó tại Mỹ.

Cái tâm của ông lão hiếu học

Trút được gánh nặng cơm áo gạo tiền, cụ Thiệt lại trở về con đường học hành ở cái tuổi còn hơn cả “xưa nay hiếm”. Ngoài giờ lên giảng đường, hàng ngày cụ vẫn miệt mài đọc sách để thu nạp thêm kiến thức. Cụ chia sẻ: “Tôi đi học tiếp không phải vì chức danh hay gì cả, mà một phần là để trau dồi kiến thức cho bản thân, một phần là để tạo động lực cho lớp trẻ. Tôi muốn các em, các cháu sau này không được bỏ cuộc, mà thay vào đó phải có ý chí học hành, phải biết quý trọng kiến thức dù ở lứa tuổi nào”.

Vì lẽ đó mà khi được nhà trường miễn toàn bộ học phí, cụ Thiệt đã không từ chối vì cụ mong rằng: “Những câu chuyện về người thật, việc thật phải được chia sẻ để tạo sự khích lệ cho những người có tinh thần ham học”.

Chính cái tâm đó mà ngay từ lúc về nước cho đến bây giờ, cụ Thiệt đã lập ra 5 hội khuyến học trên quê hương Đại Lộc. Với tâm nguyện của một người xa xứ hồi hương, cụ mong muốn những đứa trẻ ở đây có điều kiện học hành đủ đầy để nên người.

Trước khi vận động sự quyên góp các mạnh thường quân, cụ Thiệt đã tiên phong ủng hộ một khoản tiền khá lớn để gây quỹ cho 5 hội khuyến học mà mình sáng lập. Cách đây chưa lâu, cụ vừa trao tặng 100 suất quà trước thềm năm học mới đến những em học sinh giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đại Lộc. Bên cạnh đó, bản thân cụ Thiệt cũng không giấu diếm tâm nguyện về một mô hình kinh doanh - du lịch mới để thu hút du khách thành thị về với nông thôn trong tương lai gần.

Chuyện cụ ông học thạc sĩ ở tuổi 82 - 3

Cụ Thiệt chia sẻ với con cháu: “Ở tuổi này, ông cố ông nội bây còn muốn đi học, mấy đứa còn nhỏ mà lười học thì kỳ lắm”.

Trong buổi khai giảng lớp cao học khóa 12 tại trường Đại học Duy Tân, Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu về cụ Thiệt bằng sự cảm phục: “Tôi hy vọng những con người như cụ Thiệt là tấm gương sáng, là động lực tinh thần cho những học viên khác noi theo trong học tập và làm việc”.

Còn với cụ Thiệt, mỗi khi trở về nhà, cụ lại ngồi bên con cháu và cho những lời khuyên ân cần 'Ở tuổi này, ông cố ông nội bây còn muốn đi học, mấy đứa còn nhỏ mà lười học thì kỳ lắm”.

Đoàn Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự