Họ là những người phụ nữ đã bước sang tuổi dốc bên kia cuộc đời nhưng vẫn phải xa quê, tạm gửi chồng con ở nhà, lên thành phố nhọc nhằn kiếm sống.
Ánh đèn đường loang loáng rọi vào căn hẻm 42 (gần thôn Phú Mỹ, Từ Liêm, Hà Nội) càng nổi bật sự tiêu điều, xơ xác của gian nhà trọ nằm khuất cuối dãy. Phòng trọ có 3 người: cụ bà Nguyễn Thị Lư (76 tuổi), bác Trần Thị Đào ( 51 tuổi) và người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hương (30 tuổi), họ đều là những người cùng quê Thanh Hóa, xa con, xa gia đình ra Hà Nội kiếm sống.
Cụ bà 76 tuổi nhặt rác kiếm tiền gửi về quê
Cụ Nguyễn Thị Lư năm nay đã 76 tuổi ( quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) ra Hà Nội từ năm 2008. Hàng ngày cụ đi nhặt chai lọ, phế liệu ở quanh các bãi rác đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm. Ở cái tuổi thập cổ lai hy, đáng nhẽ cụ phải được nghỉ ngơi nhưng cái nghèo không cho cụ được hưởng diễm phúc đó. "Răng mà nghỉ được hả cô, ở quê túng thiếu lắm, nghỉ là đói”, cụ chia sẻ với phóng viên.
Những lúc bần thần, cụ bà nhớ quê, nhớ cụ ông. Cụ vẫn bảo, cố gắng kiếm thêm đồng tiền, có cái gửi về quê cho cụ ông chăn con gà, con vịt
Nghịch cảnh một nỗi các con cụ cuộc sống cũng quá khó khăn, lay lắt không nuôi nổi mẹ già. Anh con trai cả lúc cấy hái, làm ruộng hết mùa gặt thì lại lưu bạt đến các tỉnh để làm phụ hồ theo người ta. Người con út thì làm cửu vạn mãi tận miền biển Quảng Nam, Quảng Trạch. Con dâu cũng theo nghề đồng nát rong ruổi tối ngày mà cái đói vẫn bám riết, quắt quay.
Có lẽ ông trời cũng thương cho phận nghèo của cụ mà “biếu” cụ sức khỏe và đôi mắt tinh tường. Cả ngày lang thang không biết bao nhiêu là bãi rác mà đôi chân cụ vẫn thoăn thoắt. Tôi hỏi, trái gió trở trời cụ có cảm thấy trong người khó chịu không? Cụ lại cười hiền lành: “Không cô ạ, mỗi bữa tôi ăn được tới 2 bát cơm cơ mà, còn khỏe lắm”.
Cụ bà 76 tuổi vẫn cần mẫn nhặt phế liệu, kiếm tiền cuối tháng gửi về cho cụ ông ở quê, nuôi gà nuôi vịt
Cụ nhấc chiếc hòm tôn, lấy ra tờ hóa đơn soi kỹ dưới bóng điện rồi nâng niu cất những đồng bạc lẻ vừa được trả hồi chiều vào chiếc bị bạc phếch. Tiền ấy cụ để dành đến “hăm ba này” về với cụ ông.
Mẹ đi kiếm sống, con 3 tuổi ở nhà với ông bà
Dứt ruột rời đứa con mới tròn 3 tuổi rồi để nó ở nhà với ông bà nội, một mình ra thành phố kiếm tiền là cảnh éo le của chị Nguyễn Thị Hương quê ở Quảng Xương. Ban ngày chị đi thu gom đồng nát, tối đến lại đi nấu cơm khoán cho các công trình rồi ai thuê lau dọn nhà cửa thì làm.
Hương kể lại: “Bố mẹ em già yếu, chồng em cả tin theo mấy người làng đi biệt xứ. Giờ chỉ em là có sức khỏe để làm chỗ dựa cho gia đình. Nhà em có cả thảy 3 sào ruộng nhưng mà chán lắm chị ơi, cứ làm quần quật rồi một trận bão về là cuốn trôi tất cả”. Đêm nào trước khi đi ngủ chị Hương cũng mang tấm ảnh của con ra ngắm, nhớ thằng bé nhưng chị chỉ biết ngậm ngùi. Hành động duy nhất chị có thể làm để vơi đi nỗi nhớ con là khóc.
Đêm đối với chị sao mà dài lê thê, khoảnh khắc trôi đi cứ nặng nề, rền rĩ. Chị mong trời mau sáng để lại được đi làm, chị tự nhủ với lòng mình: cố thêm vài ba năm nữa có thêm ít tiền rồi dành dụm mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở quê. Mẹ con rau cháo nuôi nhau chứ ở cái thành phố đất chật người đông như này có lẽ chị không trụ nổi lâu dài.
Ở cùng phòng với cụ Lư và chị Hương là bác Trần Thị Đào quê ở xã Quảng Văn, Quảng Xương, Thanh Hóa. Sự mặn mòi, thuần phát của con người miền biển in đậm vào dáng dấp và làn da ngăm đen rám nắng của bác.
Mấy hôm nay nước bẩn từ công trường nơi bác thu gom sắt vụn đã cào nát đôi chân bác. Bác bị nhiễm trùng, nước ngấm vào từng kẽ chân rồi nứt toác, thỉnh thoảng lại túa ra máu, buốt xót nhưng mà không dám đi khám sợ tốn tiền.
51 tuổi nhưng đã có 11 năm bác gắn bó với cái đất thủ đô này. Bác làm nghề buôn đồng nát. Gánh nặng của 5 người con làm đôi vai bác thêm trĩu xuống. Con cái mới gả chồng một đứa còn lại vẫn chưa yên bề gia thất.
Dốc sức nuôi chồng, nuôi con những tưởng tuổi xế bóng cũng được hưởng hạnh phúc và sự đền đáp của con nhưng cuộc sống cay nghiệt này đã nhẫn tâm cướp của bác đứa con trai duy nhất. Tháng 9 năm ngoái lưỡi hái tử thần đã mang cậu con trai bác đi khi chỉ còn vài ngày nữa là anh được nhận vào làm một công ty. Ban ngày thì chớ chứ đêm về lại nằm khóc vì nhớ con. Thương con lắm, càng thương càng ân hận. Ngày trước trong vườn trồng được buồng chuối chín, con hỏi xin cũng không dám cho ăn còn để dành mang đi chợ bán. Giờ nó bỏ nó đi.
Mâm cơm tối diễn ra trong căn phòng trọ của cụ Lư và bác Đào, đạm bạc chỉ có bát canh rau muống với ít lạc rang
Hồi mới ra Hà Nội, ban ngày bác thu gom đồng nát, ve chai đêm lại tranh thủ nhặt phế liệu ở những quán net giữa trung tâm thành phố. “Hồi ấy tôi không có đồng hồ, nhiều đêm tỉnh dậy là cứ đi.
Có hôm ra khỏi nhà lúc 1giờ mà cứ tưởng 4 giờ sáng, cứ lọ mọ như thế. Tôi cứ tự nhủ rồi lạc quan “năng nhặt ắt sẽ chặt bị”. Nhưng rồi một lần đi đêm, mò mẫm vào thùng rác của một nhà trong phố Triệu Việt Vương con chó nghe có tiếng người lục sục bên ngoài cắn inh ỏi, chủ thấy động mở cửa rồi lầm tưởng bác là trộm nên đuổi", bác nhớ lại kỷ niệm đó rồi bảo “hú vía” đến tận bây giờ.
Bác kể, đứa cháu ngoại hồi chiều vừa điện thoại cho bác dặn dò: “Ở nhà chỉ ăn cơm với nước mắm thôi, bà về bà mua cho em thịt, kẹo ngọt “bà cha” (bà nhé), bà mua cho cả em Huệ nữa “bà cha”.
Bác Hồng hàng xóm cho biết: “Gia cảnh của phòng cụ Lư tội nghiệp nhất trong khu trọ này, mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đối xử với nhau tốt lắm như khúc ruột trên khúc ruột dưới”.
Có lẽ cụ Lư, bác Đào và chị Hương chỉ là ba trong số vô vàn những người dân lao động từ khắp các miền quê vì những lý do khác nhau mà lang bạt nơi đất khách quê người kiếm sống. Cuộc sống khắc nghiệt nhưng vẫn có công bằng. Cụ Lư vẫn được trời thương cho sức khỏe để làm việc, và hơn ai hết chị Hương vẫn còn có tiếng gọi “Mẹ ơi!” của đứa con thơ đang chờ trong những ngày sắp tới…