Nhìn các con nằm ngoan như đang thiu ngủ, đôi mắt nhắm nghiền, đôi môi chúm chím. Nhành cúc trắng, nén nhang thơm cũng không thể giấu được hơi lạnh phả ra từ những hài nhi nhỏ bé.
Mẹ cha khước từ, con tìm về Bến Cốc
Vào Chủ nhật hai tuần một lần, các thành viên từ nhiều tổ chức, hội nhóm thiện nguyện khắp nơi tập trung về Nghĩa trang Bến Cốc (thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) an táng, dự đám tang các con.
Nghĩa trang Bến Cốc (Sóc Sơn – Hà Nội) – nơi an táng chục vạn hài nhi xấu số
Những sinh linh tội nghiệp vì nhiều nguyên nhân không có cơ hội chào đời hoặc xấu số thiệt phận mà mất ngay sau sinh. Nhưng phần lớn, các con về đây vì một lý do chung: bậc cha mẹ khước từ sự sống của con khi mới bắt đầu thành hình.
Do sự lầm lỡ của những người cha, người mẹ, vì không được gia đình, người yêu chấp nhận, vì xấu hổ, vì tự trọng, vì học hành, sự nghiệp và vô vàn lý do họ không muốn chính giọt máu của mình xuất hiện trên đời.
Nhà kho nghĩa trang Bến Cốc có 1 chiếc tủ trữ đông, nơi bảo quản hài nhi của các con để chờ đến ngày an táng. Mở nắp tủ, hiện ra là hàng trăm thi thể sơ sinh, có con thì đã thành hình, nhiều con chỉ là 1 nhúm máu đỏ. Chị Thúy Hiên (một tình nguyện viên) chỉ vào túi đựng phần thi hài, nói trong xót xa: “Bé này mới sinh, lúc nhận về đây miệng méo xệch một bên, người tím ngắt khả năng do bị dùng giẻ nhét miệng để con không khóc”.
Tủ trữ đông tại nghĩa trang – lưu trữ hài nhi chờ ngày an táng
Các con được cẩn thận mặc áo, đắp khăn và nâng niu đặt nằm ngay ngắn trong chiếc tiểu sành vuông vức. Cứ thế, con lớn nằm 1 tiểu, các con bé hơn nhường nhau nằm chung 1 tiểu, tất cả được đặt xen kẽ tùy theo hình hài.
Trong lúc ấy, vài thành viên mang tiếp về 2 ba lô lớn, chứa nhiều thi hài sơ sinh, các bé được gói gém sau lớp vải trắng và túi bao in hình cây thánh giá. Đặt trong những hộp nhựa to nhỏ khác nhau do cũng bảo quản từ tủ lạnh của cơ sở y tế trước đấy.
Anh Minh là người đón các hài nhi về, mở hộp nhựa và đỡ các bé ra, một vài túi bên trong có mảnh giấy nhỏ ghi họ tên, giới tính và tuổi dương. Để kịp giờ an táng, anh truyền đạt nhanh: “Bé trai này sinh ra được 7 tiếng, đặt bé nằm riêng một tiểu”.
Tiếp tục đón hài nhi về trong lúc khâm liệm
Số lượng trung bình của một buổi lễ an táng định kỳ thế này, nghĩa trang Bến Cốc đón nhận thêm hàng trăm hài nhi xấu số.
Lễ an táng hôm nay, số hài nhi lên tới gần 100 bé
Các tình nguyện viên chuyền tay các bé về huyệt mộ
Tiểu sành được xếp ngay ngắn theo từng lượt
Việc thiện nhưng chỉ mong không còn phải làm
Bà Nguyễn Thị Nhiệm (sinh năm 1959, người dân thôn Đồi Cốc) gắn bó với nghĩa trang Bến Cốc từ những ngày đầu, chăm lo từng nén nhang giấc ngủ cho các con. Bà được mọi người trong các nhóm thiện nguyện gọi bằng cái tên “mẹ Nhiệm”: “Với người theo đạo như chúng tôi, ai mất đi cũng đáng được tôn kính và trân trọng, cả phần hồn và phần xác. Hơn nữa vì không có cơ hội ra đời làm người như chúng ta, các con càng đáng được nâng niu”.
Bà Nhiệm cho biết, mỗi huyệt chôn cất trung bình 5.000 – 6.000 anh hài. Tới thời điểm hiện tại, con số các hài nhi được bà và các tình nguyện viên đưa về đây đã lên tới hơn 10 vạn.
Đây là cách an táng duy nhất đảm bảo diện tích đất nghĩa trang cho các bé đến sau có chỗ để chôn cất. “Ngày đầu, tôi đặt các con trong niêu đất, lúc khó khăn thì tiểu đắp bằng xi măng, nhưng sau số lượng ngày càng nhiều và được cộng đồng giúp đỡ, niêu đất thay bằng tiểu sành lớn hơn và đúng cách thức hơn, cũng là an ủi linh hồn các con”, bà nhớ lại.
Các hài nhi được đón về từ các cơ sở y tế tư nhân có dịch vụ nạo phá thai từ nhiều nơi trên địa bàn thành phố, thuyết phục họ tin tưởng việc làm của bà, xin họ đừng hủy hoại phần xác còn lại của các con. Ngày qua ngày, hết đạp xe rồi gồng gánh đến kéo xe cải tiến. Các con cứ thế “ngủ ngon” dưới vòng tay mẹ Nhiệm đón về.
Bà Nguyễn Thị Nhiệm – người mẹ của hàng vạn sinh linh tội nghiệp
Chị Hiên chia sẻ: “Mỗi lần đến đây là một lần tim tôi như quặn lại, xót xa lắm. Tuổi trẻ thời nay bồng bột và nông cạn quá. Có con rồi mà tại sao cha mẹ không cho con quyền làm người”. Chị còn nhớ mãi trường hợp một người phụ nữ đến đây mang theo con mình tự tay đặt vào tủ đông, khóc thương hồi lâu và liên tục xin tha thứ vì lỗi lầm của mình.
Với bà Nhiệm và những thành viên thiện nguyện ở đây, chỉ mong sao lượt đón các bé về giảm đi theo thời gian và tới một thời điểm nào đó, họ sẽ không phải làm công việc này nữa.