Đến tận nơi lấy mẫu, các nhà khoa học cho rằng cây mới trồng trên con đường từng được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam là cây mỡ.
Chiều 23.3, hội thảo “Từ đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” đã được Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức.
“Hà Nội không vội được đâu!”
Tại cuộc toạ đàm ông Nguyễn Tiến Hiệp (Trung tâm Bảo tồn Thực vật Việt Nam) lôi trong ngăn bàn ra một túi lá cây và cho biết, ông đến đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để lấy mẫu này từ hàng cây mới trồng.
Ông Nguyễn Tiến Hiệp đến đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) để lấy mẫu từ hàng cây mới trồng
Qua phân tích và kinh nghiệm của mình, ông Hiệp khẳng định, cây mới được trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải cây vàng tâm.
Ông cũng giải thích thêm, “vàng tâm” là từ rất chung chung, gồm có 4 loài khác nhau. Nhưng nếu chiếu loài vàng tâm theo sách đỏ Việt Nam thì loại cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh không phải vàng tâm mà là loại mỡ bình thường.
Loại này thường được trồng ở vùng Tuyên Quang, Yên Bái, có đường kính gốc khoảng 20cm. Loại cây mỡ này không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nội thành Hà Nội, do vậy có khả năng chết rất cao.
Ông Hiệp đã từng trồng thử nghiệm loại cây này, hiện chỉ còn loại sống ở núi cao mới sinh trưởng được. Tuy nhiên, cho dù có sống được cũng không nên trồng loại này ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Tiến Hiệp cho rằng, lá cây từ hàng cây mới trồng là của cây mỡ
Loại cây mỡ này cũng không đúng tiêu chí trồng cây trong nội thành như tránh cây có côn trùng, sâu bệnh. Ví dụ như loại cây này có hoa vào tháng 2, 3, 4 và tồn tại trong khoảng 15 ngày. Ban đầu hoa thoang thoảng thơm nhưng khi rụng sẽ tạo mùi rất khó chịu.
Ông Hiệp nói: “Người ta nói vui rằng Hà Nội không vội được đâu, nhưng lần này Hà Nội quá vội”.
Tại tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam đặt câu hỏi: Nếu mọc được chăng nữa, liệu 10 năm nữa cây mỡ có bóng mát không? “Chắc không”- ông Dũng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông, không quan tâm vàng tâm hay mỡ, bởi cả 2 loại đều không thích hợp vì là cây nhiệt đới rừng xanh ở độ cao 100 – 700 m. Nhưng qua thông tin ở hội thảo này cho thấy, Hà Nội chỉ có độ cao 6m so với mặt nước biển.
Cây bệnh phải chữa chứ không thể đem “chôn”
GS. Nguyễn Lân Dũng nhắc lại việc chặt hạ cây xanh vừa qua đã tạo ra sự bức xúc quá lớn, tới mức “không thể hiểu được”. Giáo sư đi được 30 Thủ đô các nước, thấy nhiều Thủ đô hoành tráng nhưng cây thua Việt nam, kể cả những thủ đô nổi tiếng.
Giáo sư nhắc lại câu chuyện nghệ sĩ, diễn viên Chiều Xuân đã phải khóc để kiên quyết giữ cây xanh trước cửa nhà trên đường Nguyễn Thái Học. Rất nhiều văn nghệ sĩ đã lên tiếng, bao nhiêu bài vè, bài thơ, sắp tới có phim tài liệu về chuyện này.
“Tôi cho rằng phải đặt ra chuyện truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này, chứ không thể dừng lại kiểm điểm, ngừng công tác để kiểm điểm được”, Giáo sư bày tỏ.
Ông Dũng dẫn lời giáo sư Trần Văn Mão – người 51 năm trong ngành thực vật nói rằng, cây việc cây xanh bị bệnh là chuyện hết sức bình thường, vấn đề là cứu lấy chúng, khi nào không còn cách nữa mới phải bỏ đi.
“Cây cũng như con người, có lúc khỏe, lúc yếu. Hiện nay, cây có 600 loại bệnh nhưng bị bệnh thì phải cứu chữa, chứ không phải yếu đem chôn”, Giáo sư Dũng nói.