Cầm cố tài sản, vay lãi ngoài đưa con đi viện thay van tim nhưng do bệnh tình quá nặng, dù đã được phẫu thuật nhưng bệnh nhân vẫn rơi vào trạng thái mất ý thức. Ngày ngày, người mẹ vẫn cần mẫn bên giường bệnh trò chuyện mong thức tỉnh ý thức của con.
Ba tuổi đã mắc bệnh tim
Bà mẹ đó là Hồ Thị Hồng, mẹ bệnh nhân Nguyễn Thị Thủy (SN 1992 tại xóm 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Khi Thủy lên 3 tuổi, em bị sốt cao, lên cơn co giật, gia đình đã đưa lên Bệnh viện huyện Nghĩa Đàn để khám và điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán Thủy mắc bệnh tim bẩm sinh, hở van hai lá. Do gia đình lúc đó không có tiền phẫu thuật nên sau khi tiêm các thuốc hỗ trợ, Thủy dứt sốt, gia đình lại đưa về. Tuy về nhà nhưng bệnh của Thủy không thuyên giảm mà vẫn xảy ra tình trạng co giật. Sau này, Thủy thường xuyên lên cơn co giật như vậy nhưng vì hoàn cảnh điều kiện gia đình khó khăn nên gia đình đành chạy chữa qua loa.
Năm 14 tuổi, bệnh của Thủy có biểu hiện ngày càng nặng, gia đình tiếp tục đưa Thủy trở lại bệnh viện huyện thì được các bác sĩ cho biết bệnh hở van tim hai lá đã tiến triển rất nặng, cần được mổ ngay và chuyển em lên tuyến trên.
Năm 2006, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, ca phẫu thuật sửa van hai lá và đặt vòng van tim đầu tiên cho Thủy diễn ra thành công tốt đẹp với chi phí cho ca mổ tại thời điểm đó là 52 triệu đồng và hẹn sau 8 năm, khi em hết tuổi phát triển thì sẽ mổ lại lần nữa để thay van tim. Bà Hồng chia sẻ: Bệnh của Thủy tiến triển tốt trong 6 năm đầu, Thủy thường xuyên giúp đỡ bố mẹ các công việc nhẹ trong nhà. Khi các bạn cùng trang lứa bước vào lớp 9 thì cũng là lúc Thủy phải gác lại việc học của mình vì bệnh nặng trở lại. Hàng ngày, Thủy nhìn các bạn cùng lớp đến trường qua khung cửa với đôi mắt ngấn lệ. Tuy thế nhưng Thủy vẫn nói với mẹ sẽ quyết tâm chiến thắng bệnh tật để rồi lại cắp sách đến trường như các bạn. Nhưng có lẽ ước mơ đó của Thủy sẽ không thể thực hiện khi hai năm trở lại đây, bệnh của Thủy bắt đầu tái phát và nặng hơn trước rất nhiều.
Bác sĩ đang thăm khám bệnh cho Thủy. Bà Hồng (bên phải) lúc nào cũng túc trực bên giường bệnh mong con tỉnh táo trở lại. Ảnh: T.G
ThS. BS Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, hiện tại bệnh nhân Thủy đang trong tình trạng suy tim nặng, tim bị giãn thêm rất nhiều. Dù đã được phẫu thuật vào ngày 10/2/2015 nhưng khi phẫu thuật chúng tôi kiểm tra, phát hiện van tim của bệnh nhân bị vôi hóa và đã thay van tim cho bệnh nhân. Tuy nhiên tình trạng suy tim nặng của bệnh nhân vẫn kéo dài đến ngày hôm nay. Do các huyết khối trong các buồng tim không thể lấy ra hết nên đã bắn lên não, gây tắc mạch não (tai biến mạch não) dẫn đến nhồi máu não diện rộng. Hiện tại tình trạng mạch tạm ổn định, van tim tốt, nhưng ý thức của bệnh nhân không tỉnh táo, ăn uống phải qua xông máy. Bệnh tình của bệnh nhân tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh. Bệnh viện sẽ có hướng điều trị tiếp theo.
Cầm cố nhà, vay lãi ngoài chữa trị cho con
Bà Hồ Thị Hồng cho biết, gia đình bà được liệt vào hộ nghèo ở địa phương. Thu nhập cả gia đình trông vào nghề nông. Tính thu nhập từ việc nuôi thêm gà, vịt thì gia đình cũng chỉ được gần 3 triệu đồng/tháng.
Được biết từ khi Thủy nhập viện cho đến nay đã phải trải qua 3 ca phẫu thuật, chi phí đến thời điểm hiện tại lên đến hơn 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền cho đợt điều trị này của Thủy đều do gia đình vay mượn người thân họ hàng, thậm chí là vay lãi ngoài. Nhà cửa, ruộng vườn bà Hồng cũng mang đi cắm, đất ruộng bán gần hết với số tiền ít ỏi. “Hôm trước nhà còn cái tivi đen trắng, tôi cũng đem bán nốt, được 300.000 đồng để có tiền mua thuốc cho con. Còn chồng tôi hàng ngày vẫn đi làm thuê cho người ta. Hôm thì đi xách vữa, hôm thì mượn xe họ hàng chạy xe ôm kiếm thêm vài chục ngàn đồng gửi ra ngoài này chạy chữa cho con. Em gái Thủy giờ cũng đòi nghỉ học đi làm thêm để có tiền phụ giúp cho mẹ chữa bệnh cho chị ”, bà Hồng chia sẻ. Vừa nói, bà Hồng vừa đưa ra một tập giấy tờ dày cộp các hóa đơn mua thuốc cho Thủy. Có những đơn thuốc 2,5 - 4 triệu đồng một ngày, chưa kể các khoản tiền chi phí cho các ca mổ của Thủy, mặc dù phía bệnh viện cũng đã hỗ trợ phần nào cho gia đình.
Hiện tại, Thủy được các bác sĩ theo dõi tại phòng điều trị đặc biệt, Khoa Hồi sức cấp cứu. Thủy phải mở khí quản để thở và ăn qua đường xông. Hàng ngày mẹ Thủy vẫn ngồi bên giường bệnh trò chuyện vài tiếng đồng hồ với con mong đánh thức được ý thức để Thủy có thể tỉnh táo. Cơ thể Thủy chỉ còn lại da bọc xương. Phác đồ điều trị sắp tới của Thủy cần rất nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để bệnh của em phần nào thuyên giảm.
“Thủy nhập viện đến nay đã phải trải qua 3 ca phẫu thuật, chi phí đến thời điểm hiện tại lên đến hơn 100 triệu đồng. Toàn bộ số tiền cho đợt điều trị này của Thủy đều do gia đình vay mượn người thân họ hàng, thậm chí là vay lãi ngoài để có tiền chạy chữa. Nhà cửa, ruộng vườn tôi cũng mang đi cắm, đất ruộng bán gần hết với số tiền ít ỏi. Trong nhà còn cái tivi đen trắng, tôi cũng đem bán nốt, được 300.000 đồng. Chồng tôi hàng ngày vẫn đi xách vữa, lúc không có việc thì mượn xe họ hàng chạy xe ôm. Em gái Thủy giờ cũng đòi nghỉ học đi làm thêm để có tiền phụ giúp cho mẹ chữa bệnh cho chị ”, bà Hồ Thị Hồng cho biết. |