Chuyên gia sử học, nhân học nói gì về "người rừng"?

Ngày 16/08/2013 16:12 PM (GMT+7)

Câu chuyện về 2 cha con người dân tộc Cor ở huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) sống trong rừng hơn 40 năm đang gây ồn ào dư luận thời gian qua.

Việc đưa họ về với thế giới văn minh đã gây nhiều tranh cãi. Nhà sử học Dương Trung Quốc và PGS. TS Nhân học Lê Sỹ Giáo đã nhìn nhận về vấn đề này ra sao?

Không thể gọi là  “người rừng”!

Câu chuyện dậy sóng dư luận là việc ông Hồ Văn Thanh (82 tuổi), nguyên quán tại thôn Trà Linh, xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng sau một biến cố nặng nề trong chiến tranh (hai con bị chết vì bom Mỹ) đã dẫn con trai 5 tuổi vào rừng sống từ năm 1974 cho đến nay. Nhiều lần được vận động trở về cuộc sống xã hội song bố con ông Thanh đều từ chối. Sau hơn 40 năm ở rừng, gần đây ông Thanh ốm nặng nên chính quyền xã Trà Phong đã đưa hai cha con ông về địa phương.

Chuyên gia sử học, nhân học nói gì về quot;người rừngquot;? - 1

Cần rất nhiều thời gian để giúp anh Lang xóa nhòa ranh giới giữa cuộc sống ở rừng và thế giới văn minh. Ảnh: T.G

Việc hai cha con ông Hồ Văn Thanh và anh Hồ Văn Lang được chính quyền địa phương đưa về cuộc sống văn minh đang tạo ra nhiều luồng dư luận khác nhau. Họ được gọi là “người rừng” và được “săm soi” như những “sinh vật lạ” mới xuất hiện. Đa phần các ý kiến tỏ ra ủng hộ việc đưa họ ra thế giới hiện đại nhưng cũng có một luồng suy nghĩ cho rằng, nên để họ sống với cuộc sống bấy lâu nay họ đã lựa chọn.

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc tỏ ra khá hào hứng khi nói chuyện về hai cha con người dân tộc Cor vừa được đưa ra khỏi rừng ở Quảng Ngãi này. Ông cho rằng, trước hết đừng gọi họ là “người rừng” bởi họ chỉ là người sống ở trong rừng. Ông Quốc nói: “Tôi cho rằng, trước hết phải coi họ là người bình thường và bỏ ngay cách gọi họ là “người rừng” đi đã. Xét về góc độ nhân học thì họ chỉ là người bình thường và ở trong rừng. Có nhiều người dân tộc thiểu số cũng lựa chọn cách ở trong rừng mà! Trong lịch sử ngay ở Việt Nam, như chúng ta đều đã biết, ta có người Rục (một nhóm của dân tộc Chứt) ở Quảng Bình, họ cũng là những người thích ở trong rừng sâu. Sao ta có thể họ là “người rừng”?

Ông Quốc cũng cho rằng việc bố con ông Thanh ở trong rừng xuất phát từ tập quán của dân tộc kết hợp với hoàn cảnh cá nhân: “Với trường hợp bố con ông Thanh thì tôi nghĩ rằng họ vào rừng sống xuất phát từ nguyên nhân của việc sợ hãi chiến tranh. Họ bị tổn thương rất lớn về tâm lý mới dẫn tới việc vào rừng ở. Bản thân hai cha con ấy là người dân tộc thiểu số tại địa phương mà tôi được biết, nhiều người dân tộc thiểu số có thói quen ở trong rừng. Lại nói về người Rục, chúng ta xây nhà cửa đàng hoàng nhưng bao năm nay họ có thích điều đó đâu!  Xuất phát từ tập quán của dân tộc thì họ đã thích ở những nơi ít ồn ào và không thích tiếp cận với xã hội hiện đại. Hơn nữa, họ lại có tới hơn 40 năm ở trong rừng nên việc họ muốn quay lại rừng thì cũng là điều rất bình thường”.

Chuyên gia sử học, nhân học nói gì về quot;người rừngquot;? - 2

Đừng ủng hộ tính tự nhiên

Khó thay đổi tập quán “ở rừng”

Người Rục được phát hiện sống trong hang đá năm 1959. Bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương và nhiều cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình đã rất nỗ lực giúp đỡ, tạo điều kiện đưa người Rục ra khỏi hang.

Đã hơn 50 năm sau khi rời hang đá, người Rục đã có một bước tiến dài khi tiếp cận với cuộc sống mới, nhưng các thói quen, tập tục cũ như việc tự săn bắt, hái lượm… ở họ vẫn rất khó thay đổi. Đến ngày nay, đây vẫn là vấn đề nan giải của tỉnh Quảng Bình.

Ông Dương Trung Quốc cũng tỏ thái độ ủng hộ việc đưa hai cha con ông Thanh ra khỏi cuộc sống trong rừng. Tuy nhiên, theo ông Quốc thì mong muốn hai cha con họ có thể hòa nhập được với cuộc sống hiện đại thì cần có sự kiên trì thuyết phục để họ quen dần. Điều đó cần đến sự tế nhị của địa phương trong việc không để họ quay lại cuộc sống cũ. Theo ông Quốc thì cách tốt nhất là cần để chính cộng đồng người Cor và họ hàng ông Thanh chăm sóc, động viên để ông Thanh và anh Lang không quay lại rừng nữa.

Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến của PGS. TS Lê Sỹ Giáo, Giảng viên bộ môn Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội về chuyện này. PGS Lê Sỹ Giáo cho hay, ông rất đồng tình với cách làm của Quảng Ngãi vừa qua đối với bố con ông Thanh và anh Lang. “Tôi nghĩ là con người thì phải có cộng đồng và sự chăm sóc của cộng đồng ấy. Vì vậy, việc đưa cha con ông Thanh về, tôi rất ủng hộ. Trước mắt, việc đưa họ ra là việc làm đúng và phù hợp với lương tâm của con người. Đừng ủng hộ tính tự nhiên! Hãy xét đến nguyên nhân dẫn tới cuộc sống rừng rú của họ. Họ rơi vào tình cảnh éo le như vậy là vì sự khốc liệt của chiến tranh. Họ có hơn 40 năm sống trong rừng nên không có gì phải ngạc nhiên khi họ muốn quay lại rừng. Tuy nhiên, trước khi vào rừng sống, ông Thanh cũng đã có mấy chục năm sống với cộng đồng trong hoàn cảnh bình thường cho nên việc đưa họ quay về cũng không có gì là trái với sự phát triển tự nhiên. Họ đã từng có một cuộc sống như những người khác!” – PGS.TS Giáo nói.

Như vậy, cả ông Dương Trung Quốc, một nhà nghiên cứu lịch sử tiếng tăm và PGS.TS Lê Sỹ Giáo, một nhà khoa học nghiên cứu về con người đều ủng hộ cách làm của địa phương trong việc đưa hai cha con ông Hồ Văn Thanh ra khỏi cuộc sống riêng biệt trong rừng. Vấn đề còn lại chính là sự khéo léo của địa phương trong việc “giữ chân” bố con ông Thanh ở lại với cộng đồng và ổn định về mặt tâm lý cho họ trong cuộc sống đời thường.

Theo Hoàng Phương (Gia đình và Xã hội)

Tin liên quan