Chuyện kể từ phòng xét nghiệm ADN: Tình người phía sau những bi kịch

Ngày 04/08/2018 06:01 AM (GMT+7)

Kết quả đôi khi thật phũ phàng, nhưng một thực tế không ai có thể phủ nhận, đó là xét nghiệm huyết thống ADN là xét nghiệm chính xác nhất hiện nay.

Mọi việc diễn ra êm đẹp cho đến một ngày, cứ vào nửa đêm là ông A. nhận được tin nhắn từ  số điện thoại lạ với nội dung có vẻ rất hả hê: "Không phải là con của mày đâu! Mày chỉ là tu hú nuôi con thôi". Lần đầu, ông cho rằng có ai đó đã nhầm số điện thoại. Đến lần thứ 2, thứ 3, bực quá, ông nhắn lại: "Nhầm máy rồi". Không ngờ tin nhắn vừa đi thì ông nhận được trả lời rằng: "Không nhầm đâu, cứ mang hai đứa con đi xét nghiệm ADN thì biết!".

Sinh nghi, ông A nói chuyện nhận được tin nhắn cho vợ biết. Thoáng giật mình, vợ ông gạt đi: "Vớ vẩn, không con anh thì con ai".  Thế nhưng câu chuyện tin nhắn cứ vơ vẩn trong đầu khiến ông A. không thể tập trung vào công việc như trước.

Một ngày, ông quyết định đến Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, mang theo túi cuống rốn của đứa con lớn. Ông cho biết sau khi 2 đứa con rụng rốn, theo tập tục của các cụ xưa, ông giữ cuống rốn của 2 con làm kỷ niệm và treo lên đèn vì theo quan niệm, làm như thế trẻ lớn lên sẽ thông minh, sáng dạ. Ông đề nghị làm xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống của mình với đứa con lớn.

Ngày nhận kết quả, ông A. lặng đi khi kết quả phân tích cho thấy hai bên không có quan hệ huyết thống cha con. Ông ngồi trên ghế rất lâu, gương mặt thất thần. Khoảng một tuần sau, ông A lại đến trung tâm. Lần này ông mang theo cuống rốn và mẫu tóc của đứa con thứ hai để kiểm tra cho chắc. Ông A. tâm sự từ trước đến nay, ông rất yêu vợ và hai con, chưa bao giờ nghi ngờ vợ.

Chính vì vậy, ông thực sự choáng váng khi biết vợ ông đã lừa dối chồng bao nhiêu năm nay. Nhưng vợ chồng đã ăn ở với nhau bằng ấy năm rồi. Nếu đứa thứ hai là con ông thì ông vẫn có thể tha thứ cho vợ, bỏ qua tất cả mọi chuyện. Và ông sẽ giấu kín chuyện đi xét nghiệm ADN vì hạnh phúc gia đình. Trong những người đàn ông bí mật đến trung tâm làm xét nghiệm ADN, hiếm có người nào sống vị tha được như ông A..

Sau khi phân tích, giám định viên cũng giật mình buồn thay cho ông A. khi kết quả báo rằng ông không phải bố đẻ. Biết nói sao để an ủi ông A. bây giờ, bởi chỉ có xét nghiệm ADN mới là căn cứ khoa học nhất, chính xác nhất để xác định quan hệ huyết thống. Hôm trả kết quả, giám định viên đã phải dìu ông A. xuống cầu thang như một cách chia sẻ nỗi niềm với người đàn ông này. Bước từng bước khó nhọc, ông A. bảo, ông vẫn yêu hai đứa con cho dù chúng không phải là con ông. Nhưng để tiếp tục chung sống với vợ chắc là không thể. "Còn gì để mà sống với nhau nữa?" - ông A. đau đớn thốt lên.

Thế nhưng câu chuyện của ông A. không phải là duy nhất. Các giám định viên của trung tâm vẫn còn nhớ một trường hợp đặc biệt khác. Đó là anh X., người bố của 4 đứa trẻ, sinh sống ở một tỉnh vùng cao. Đứa lớn nhất đang học cấp 2, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi.

Anh X. rất yêu đàn con và dày công chăm sóc, mong chúng mau gánh vác công việc trong gia đình như anh. Lý do mang cùng lúc 4 mẫu ADN của cả 4 đứa con xuống trung tâm xét nghiệm, theo anh X., là do anh nghi đứa con đầu không phải con của mình từ lâu rồi, nhưng vợ chồng sống với nhau có tới mấy mặt con nên anh cho qua. Nhưng mấy đứa trẻ sau cũng thế, càng lớn càng không giống bố.

Chuyện này hàng xóm xì xào từ lâu rồi. Cho đến một ngày trong cuộc nhậu với mấy ông bạn thân, khi đã ngà ngà say, chuyện về những lời đồn anh X. "nuôi đàn tu hú mà không biết gì" mới bung ra. Vì chuyện này mà về nhà, anh X cãi nhau với vợ.

Tưởng rằng vợ anh sẽ ấm ức, nào ngờ cô ta tức giận hét lên: "Đúng đấy, chẳng đứa nào là con anh hết, anh làm gì có khả năng có con". Tâm sự với giám định viên, anh X. cho biết dù bản lĩnh đàn ông của mình có thể không mạnh mẽ như những người khác, nhưng anh vẫn có đủ khả năng sinh lý làm chồng. Tuy nhiên câu nói bột phát của người vợ khiến anh hoang mang. Không lẽ những lời đồn đại của thiên hạ bấy lâu nay là thật? Đường sá xa xôi, không phải muốn đi xét nghiệm ADN lúc nào cũng được nên anh bí mật lấy mẫu tóc của cả 4 đứa con mang xuống Hà Nội cho đỡ mất công đi lại.

Kết quả xét nghiệm thật quá phũ phàng. Không có đứa trẻ nào là con của anh X. Cứ nghĩ khi nhận kết quả, người đàn ông này vì quá sốc mà có những phản ứng tiêu cực. Nào ngờ ông bố này khá bình tĩnh.

Anh X. bảo rằng, nếu chuyện này vỡ lở ra, anh ta sẽ là người chịu xấu hổ chứ không phải chị vợ. Mà anh không muốn mất thể diện của một thằng đàn ông  nên thà chỉ một mình anh biết bí mật này còn hơn để mọi chuyện bung bét ra. Hơn nữa những đứa trẻ cũng không có tội tình gì. Anh sẽ chấp nhận sự thật cay đắng này, còn hơn mất gia đình là mất tất cả. Nghe anh X. phân tích như vậy, các giám định viên cũng thấy nhẹ lòng. Những đứa trẻ lớn lên, cho dù có biết sự thật thì chắc chắn khi đó chúng sẽ yêu thương anh hơn.

Nhưng không phải người đàn ông nào cũng lựa chọn cách xử lý vị tha, đặt tình yêu thương những đứa trẻ lên trên hạnh phúc vợ chồng như vậy. Rất có thể, nhiều bi kịch gia đình sẽ xảy ra sau khi có kết quả xét nghiệm ADN.

Sự thật có thể rất nghiệt ngã, nhưng dù  phũ phàng đến mấy thì những người trong cuộc đều phải chấp nhận trước những chứng cứ khoa học không thể chối cãi này. Nhưng khoa học thì không có lỗi, điều quan trọng là thái độ tiếp nhận sự thật đó của những người trong cuộc và quan trọng hơn là cách giải quyết tránh những hậu quả đáng tiếc.

Trao nhầm con ở Ba Vì: Lý do bất ngờ khiến hai đứa trẻ chưa về với bố mẹ ruột
Do còn một số vướng mắc từ phía gia đình và thủ tục pháp lý nên đến thời điểm này dù đã có đơn ra tòa những 2 đứa trẻ bị trao nhầm vẫn chưa thể về với...
Theo Hương Vũ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h