Với nỗi lo đất nghĩa trang ngày càng khan hiếm, nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu khu đất ưng ý chuẩn bị lo mồ mả cho chính mình khi “nằm xuống”.
Dân cho thuê cả ruộng để mai táng
Hà Nội vốn nổi danh là thành phố đất chật, người đông. Chuyện nhiều người cố gắng mua được mảnh đất, xây dựng căn nhà để ở đã khó khăn, nên việc tìm được mảnh đất lo hậu sự lại càng nan giải. Vậy nên cứ độ cuối năm, tại các vùng quê ngoại thành, đất nghĩa trang trở nên “sốt giá” và được nhiều người tìm mua.
Trong vai người mua đất, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Minh Châu (62 tuổi) - người chuyên làm công việc mai táng trong một nghĩa trang ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông Châu cũng không ngần ngại khi đặt vấn đề: “Giá đất nghĩa trang ngày càng cao, người ở địa phương thì có dịch vụ mượn hoặc thuê đất chôn trong 4 năm đến khi bốc mộ sang “nhà mới”, các anh ở nơi khác về muốn có đất để chôn cất hoặc cải táng cho người thân thì phải mua”.
Ông Nguyễn Minh Châu cho biết nhiều người dân tìm về các nghĩa trang ngoại thành Hà Nội để mua hoặc thuê đất mai táng. Ảnh: Cao Tuân.
Ông Châu dẫn chúng tôi ra thăm một vài khu nghĩa trang tại huyện Quốc Oai. Tại đây, hình ảnh các gia đình đang thuê thợ thuyền xây đắp, trang trí các ngôi mộ được diễn ra một cách nhộn nhịp và khẩn trương. “Dịp cuối năm, nhiều gia đình lo chuyện bốc mộ, sang cát cho người quá cố. Chẳng hạn, xã Đông Xuân, có ngày hơn chục gia đình lo việc đại sự này. Đó là chưa kể những người con xa quê khi mất được đưa về đây an táng nên dần dần nghĩa trang nơi đây rơi vào tình trạng quá tải, khiến đất chôn cất cũng khan hiếm”, ông Châu cho hay.
Cũng theo lời người đàn ông này, vài năm gần đây, dịch vụ bán hoặc cho thuê đất để chôn cất người chết trở nên “sốt”. Có cầu ắt có cung, nhiều gia đình có đất ruộng ven nghĩa trang không ngần ngại cho khách ở nội thành Hà Nội về thuê diện tích ưng ý để chôn cất cho người quá cố. Sau 4 năm khi bốc mộ, người thuê sẽ trả lại mặt bằng cho chủ đất. Để có được mảnh đất ưng ý, hợp phong thủy, tâm linh, nhiều gia đình phải bỏ ra khoảng 2-3 triệu đồng/m2. Còn muốn mua đất để xây mộ sau khi cải táng, giá sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần.
Nhiều khu mộ ở xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) được xây sẵn để bán cho gia đình có nhu cầu “sang nhà” cho người quá cố.
Phu mộ Hoàng Công Dũng (56 tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật ai cũng phải trải qua. Trước đây, người Việt thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang sống. Nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp, việc lo đất mai táng đối với người cao tuổi là chuyện đại sự đối với nhiều gia đình. Ngoài việc giúp các gia đình bốc mộ, sang cát cho người chết thì ban ngày, tôi liên tục phải tiếp khách đến xem đất tại các nghĩa trang khu vực ngoại thành Hà Nội đến để lo hậu sự về sau”.
“Địa thế sau khi chết quan trọng lắm, ảnh hưởng đến tiền tài và sự phát triển của con cháu. Vì thế, nhiều người không tiếc tiền, cố gắng mua cho mình một chỗ đắc địa. Nhưng không phải ai cũng mua được đất trong nghĩa trang, bởi quy định của chính quyền rất rõ ràng, người có hộ khẩu ở nơi nào sẽ được chôn cất tại nơi đó mà không mất phí. Thế nên, việc phải bỏ ra hàng chục triệu đồng lo nơi chôn cất cho người quá cố là chuyện bình thường ở đây”, ông Dũng cho hay.
Sẵn sàng chi gần 100 triệu đồng cho đất “hậu sự”
Ngôi mộ này đã được một người dân mua và xây sẵn chờ chuẩn bị hậu sự.
Trò chuyện với chúng tôi, bác Nguyễn Chiến Binh (55 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Bà cụ thân sinh ra tôi có gốc tích tại huyện Hoài Đức nên dặn con cái sau này bà mất phải đưa hài cốt về quê chôn cất để được nằm gần các cụ. Không ngờ đất nghĩa trang ở nhiều huyện ngoại thành cũng khan hiếm, đắt đỏ chẳng khác gì đất ở tại nội thành Hà Nội. Tôi phải bỏ ra 12 triệu mới mua một khu đất nhỏ để xây lăng mộ theo đúng di nguyện của bà cụ”.
Còn ông Nguyễn Văn Phan (66 tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) tâm sự: “Đúng là lúc trẻ thì làm việc quần quật cố gắng xây dựng được một căn nhà kiên cố để ở, lúc về già thì chỉ mong có nơi yên tĩnh để lo hậu sự. Tôi quê gốc ở huyện Ba Vì, thế nhưng không phải tự dưng bao năm xa quê rồi lúc chết con cái đưa thi thể về “xí đất” nghĩa trang để chôn được. Mồ mả ở đây san sát nhau quá nên người ta cũng không muốn bới lên, đào xuống ảnh hưởng đến những ngôi mộ xung quanh. Thế nên, tôi tính mua một khu đất mới trong khuôn viên nghĩa trang để con cháu lo hậu sự cho mình sau này. Mình sống còn muốn yên thân huống chi là lúc chết”.
Thực trạng nhiều nghĩa trang trở nên quá tải đang diễn ra trong vài năm trở lại đây. Nhất là việc một người có hộ khẩu một nơi nhưng lại muốn xin về an táng cho người thân ở một nơi khác cũng kéo theo những bất cập không nhỏ. Đó là chưa kể nhiều người muốn mua một khu đất đẹp cho bố mẹ mình khi các cụ đang ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Theo họ, để mua được khu đất đẹp, hợp tuổi với từng người không phải đơn giản và cũng phải chi không ít tiền.
Chính vì vậy, theo lời ông Nguyễn Minh Châu - người chuyên làm công việc chôn cất người chết cho biết, ngay ở xã Đồng Quang của huyện Quốc Oai được quy hoạch khá hoàn chỉnh khu vực nghĩa trang nhân dân thành hai nơi: Một khu chuyên để an táng người mới chết, còn một khu riêng rộng tới hàng mẫu chỉ để cải táng và xây mộ cố định nhờ quỹ đất 2 của địa phương. Những ai có hộ khẩu tại xã này thì khi cất bốc sang đây sẽ không phải đóng phí cho địa phương. Còn nếu người từ nơi khác đến muốn xây mộ ở đây thì phải mất phí từ 3 - 5 triệu/ngôi mộ khoảng 3m2.
“Bên cạnh đó, do để “xí phần” nên có không ít gia đình thường xây quây bằng gạch một diện tích đất nhất định ở nghĩa trang để giữ phần cho ông bà, cha mẹ sẽ cất bốc sau này. Vì thế, hiện nay có nhiều dãy mộ dài hàng chục mét nhưng mới có bia mộ của 1 hoặc 2 người đã quá cố. Còn lại là phần dành cho người đang sống”, ông Châu cho hay.
Tiếp tục khảo sát tại một nghĩa trang ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội), thực trạng dân sống “đầu tư” một số tiền lớn để lo hậu sự cho người quá cố cũng đang diễn ra khá rầm rộ. Ông Trịnh Thế Lâm (52 tuổi), một người dân địa phương chia sẻ: “Cách đây vài năm cũng có một số gia đình ở Hà Nội về đây nhờ chúng tôi chỉ mối mua đất để lo cải táng cho các cụ trong họ. Họ còn sẵn sàng bỏ ra cả gần trăm triệu cho công việc này”.
Vừa trò chuyện vừa chỉ tay về khu mộ đối diện, ông Lâm kể về trường hợp một gia đình ở quận Hai Bà Trưng cũng về đây đầu tư tới hơn 60 triệu đồng mua một ô đất rộng chừng 25m2 để chôn cất hài cốt cho ông bà cha mẹ họ. “Khuôn viên này gồm 5 ngôi mộ được xây bằng đá với những đường nét chạm trổ công phu. Gia chủ này đã khá dày công khi thuê thợ về làm trong một thời gian dài để hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng với người đã khuất”, ông Lâm kể lại.
Cũng theo người đàn ông này, càng những người có điều kiện thì càng phải coi trọng việc mồ mả, tâm linh. Vì thế trong các tháng giữa năm đã có một số người Hà Nội về đây tìm mua đất lo “chỗ an nghỉ ngàn thu” cho người thân đã quá cố. Đến dịp cuối năm, họ về đây thuê thợ xây cất mộ phần.
Khó kiểm tra và xử lý Tại một số địa phương, chính quyền xã đã nghiêm cấm việc mua bán, cho thuê đất tại khu vực nghĩa trang. Khi gia đình có người chết, chính quyền đều yêu cầu người thân phải làm thủ tục khai tử, nêu rõ nơi chôn cất, hình thức cải táng... “Tuy nhiên, nhiều gia đình tự ý bán đất để người từ các nơi khác đến chôn cất người chết nhưng vẫn mượn danh nghĩa là chôn người trong thân tộc nên rất khó kiểm tra và xử lý”, một lãnh đạo xã trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội phân trần. |
Xây cả mộ cho chính mình Tại nghĩa trang thôn Yên Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), vì được bố trí quỹ đất 2 của xã nên toàn bộ nghĩa trang được quy hoạch khá quy củ. Đáng lưu ý, rất nhiều khu đất được xây dựng sẵn và có đánh số thứ tự, tuy nhiên đó là những ngôi mộ trống. Được biết, khu vực này được những người sống chuẩn bị trước để lo việc hậu sự về sau cho chính mình và người thân. |