Đã gần bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, lại làm nghề chạy ba gác mướn công cán chẳng đáng gì, thế nhưng, mỗi khi nghe tin có người chết đường, chết chợ, tứ cố vô thân không ai chôn cất, là ông Ba Oanh lại khăn gói lo hòm, lo lễ cúng để những vong hồn bất hạnh sớm được siêu sinh.
Quá khứ đau buồn
Ông Ba Oanh sinh ra trong một gia đình rất nghèo ở chợ Xóm Chiếu, quận 4. Cả gia đình 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào chiếc ba gác rệu rã của cha. Vậy mà cha ông Ba Oanh lại lâm bệnh đột ngột. Bao nhiêu tiền bạc, mẹ ông đều dồn để chạy chữa cho chồng. Vậy mà người cha xấu số cũng không thể nào qua khỏi.
Ông Ba Oanh trầm ngâm, quá khứ đau buồn khiến những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt khắc khổ như sâu hút. Giọng ông Ba đều đều kể: “Cha chú mất hồi cách đây hơn 30 năm, nhà nghèo lắm, nợ nần chồng chất do vay mượn để điều trị bệnh cho cha. Nên lúc cha trút hơi thở cuối cùng thì cũng là lúc nhà không còn một đồng để làm đám tang cho cha”.
Vì đã nợ quá nhiều nên không ai dám cho gia đình ông Ba Oanh vay nữa. Hết cách, ông Ba phải quỳ gối trước mặt chủ trại hòm, cầu xin bán nợ cho gia đình ông một chiếc áo quan. Cơ khổ đến tận cùng.
Ông Ba Oanh soạn đồ lễ chuẩn bị đi mai táng miễn phí
Vậy mà tang gia chưa vơi bối rối, thì thời hạn trả nợ đã đến gần. Xin khất nợ đến lần thứ 2 thì chủ trại hòm đi báo công an. Ngày bị mời lên công an làm việc, ông Ba Oanh khóc suốt đường đi. Ông Ba Oanh thở dài: “Cỗ áo quan lúc đó khoảng 50 đồng, món tiền không lớn lắm, nhưng gia đình c tôi không tài nào trả nổi. Tôi thấy tủi nhục, phần thì thương cha, phần thì thương cho thân phận nghèo nàn của mình phải thất hứa để rồi người ta làm lớn chuyện”. Phải mất đến 3 năm sau ông Ba Oanh mới trả nổi cỗ áo quan mai táng cho cha.
Với nghề đạp ba gác mướn, ông rong ruổi rất nhiều hẻm hốc, chợ búa ở Sài Gòn. Lâu lâu, ông Ba lại thấy có người chết đường, chết chợ, trôi sông mà không người thân thích đến nhận.
Trong những năm tháng rong ruổi kiếm sống, ông Ba bắt gặp nhiều cảnh tang thương nhói lòng khôn xiết. Đó là những xác chết đường, chết chợ, không ai nhận. Mỗi lúc như vậy, ông lại nhớ đến món nợ tang cha ngày xưa. Thương cho những vong hồn bất hạnh, ông quyết định thành lập đội mai táng miễn phí.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Để có tiền mua kèn trống, cờ xí, lễ phục đạo tỳ … ngoài đạp ba gác, ông Ba phải ra cảng làm cửu vạn. Một mình không thể lo hết các phần việc trong tang ma, ông Ba thuyết phục thêm bạn bè, người thân.
Ban đầu, vợ ông nghe chồng mình chuyên đi thu thập đồ tang thì phát hoảng. Ông Ba Oanh vui vẻ kể: “Thấy tôi mang phoocmon ướp xác, rồi cờ tang, lễ phục… về nhà, bà vợ hoảng hồn. Nghe tôi trình bày, bả cũng không chịu hiểu, còn lấy chổi quét ra, vừa quét vừa cầu cho xui xẻo bay khỏi nhà”. Nhưng cho đến bây giờ, vợ ông mới chính là người luôn ủng hộ công việc “vác tù và hàng tổng” của ông Ba Oanh.
Khó khăn bước đầu rồi cũng qua, năm 1979, đội mai táng miễn phí Phước Thiện với 21 thành viên chính thức ra đời. Không những làm ơn cho những người mất đi vô thừa nhận, đội mai táng Phước Thiện còn giúp đỡ các gia đình nghèo khó chẳng may có tang gia.
Ông Ba Oanh thu thập những biểu tượng tôn giáo khác nhau để tùy từng trường hợp mà sử dụng
Ông Ba Oanh còn kỳ công học hỏi những nghi thức mai táng của các tôn giáo khác nhau, để lễ tang được vẹn tròn, an lòng người nơi chín suối. Ông Ba Oanh ngưng một chút rồi tâm sự: “Con biết không, phàm là người ta khổ, chết đi cũng khổ lắm, toàn mất lúc giữa khuya. Nên chú lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tinh thần, nhận tin báo là đi ngay. Có áo quan, có người gác ủ ấm xác thân cho vong linh bất hạnh đỡ tủi. Kể ra thì cũng cực, nhưng nghĩa tử là nghĩa tận”.
Nghĩa tử là nghĩa tận, nên dù đã già yếu, hom hem, ông Ba Oanh vẫn hằng ngày đi quyên góp … hòm cho người xấu số. Có những nơi nghi ông Ba xin hòm đi bán, ông vẫn không phiền lòng vì “người ta không biết mình, người ta nghi là phải”.
Dẫu đã hơn 30 năm nặng lòng, đội mai táng Phước Thiện cũng tạm ổn thỏa, nhưng cho đến tận bây giờ, ông Ba Oanh vẫn chưa thôi lo lắng. Ông ngậm ngùi nén một hơi thở dài: “Bây giờ cũng yếu rồi, chỉ mong có thêm sức khỏe. Vả lại, chú còn lo mai mốt không có chỗ để hòm với đồ mai táng. Vì hơn 30 năm nay để nhờ trên mái của dãy nhà vệ sinh chỗ hàng xóm. Bây giờ họ phải xây dựng nhà cửa, nên không thể để đó được, người ta tốt lắm”.
\
Căn gác tạm bợ trên nóc dãy nhà vệ sinh hơn 30 năm qua là nơi ông Ba đóng hòm, để đồ lễ
Ông Ba Oanh và những người trong đội mai táng miễn phí đã tìm chỗ thuê, nhưng nhiều nơi từ chối vì biết ông chứa đồ tang, áo quan. Ông Ba Oanh chia sẻ: “Nhà chú và các anh em đều dân lao động, người thì ở nhà thuê, người thì không gian sinh hoạt còn không có, nên vẫn chưa tìm ra cách. Chú chỉ mong có nhà hảo tâm nào có thể cho mượn khoảng không rất nhỏ có thể đóng hòm, để nhờ đồ mai táng”. Hy vọng một ngày không xa, tâm nguyện của ông Bùi Văn Oanh, có thể đạt thành.