Khi 10 tuổi, một tai nạn trong lúc vui chơi ở sân trường đã lấy đi ánh sáng của cậu học trò Nguyễn Phước Thiện (SN 1973). Tưởng chừng con đường học tập của cậu bé Thiện sớm chìm trong bóng tối nhưng bằng ý chí, nghị lực của mình, giờ đây Thiện là một thầy giáo dạy tiếng Anh với thâm niên hơn 20 năm.
Chúng tôi đến chung cư Nguyễn Thiện Thuật (P.1, Q.3, TP.HCM) được bà con nơi đây kể về ông thầy giáo khiếm thị dạy tiếng Anh. Bước vào căn nhà chỉ rộng hơn 10m2, nhưng nơi đây là một phòng học với đầy đủ trang thiết bị dạy học tiếng Anh của thầy Thiện tự lắp đặt.
Tàn nhưng không phế
Thầy Thiện chia sẻ: “Tôi chẳng phải là thầy và chưa bao giờ nhận mình là thầy, những người đến học cũng quý mến tôi nên gọi tôi là thầy thôi. Dạy học là nghề cao quý và là ước mơ khi tôi còn bé, tôi hi vọng mình góp công sức nhỏ bé để truyền đạt lại những gì mình có cho những thế hệ mai sau”.
Năm 10 tuổi, cậu bé Nguyễn Phước Thiện bị mất thị lực trong một tai nạn. sau vài năm phải dưỡng sức và để quên cú sốc quá lớn, Thiện quyết chí trở lại con đường học tập vốn đầy chông gai. “Cứ tưởng mình mất đi đôi mắt thì sẽ không còn được học nữa. Nhưng rồi được mẹ cho đi học tại trường dành cho người khiếm thị tôi rất mừng. Từ ngày ấy, tôi cố gắng học hành chăm chỉ, sau vài năm tôi đã có thể học chung với người bình thường”, thầy Thiện cho biết.
Lớp học của thầy Thiện, ngoài những bạn sinh viên đến nhà thầy học thì còn nhiều bạn học qua internet
Khát vọng vươn lên, tình cảm yêu thương dành cho người mẹ còm cõi ngày ngày buôn gánh bán bưng chăm lo mình đã trở thành động lực giúp cậu học trò mù không những học hành chăm chỉ mà còn học rất giỏi, đặc biệt là ngoại ngữ. Năm học 11, tại một trung tâm ngoại ngữ lớn của TPHCM, tất cả mọi người đều phải trầm trồ trước tấm bằng C Anh văn của một cậu học trò khiếm thị có khuôn mặt hiền và cái tên rất thân thiện, dễ gần.
Những chiếc radio được thầy lưu giữ lại làm kỉ niệm và để khen thưởng cho học trò của mình
Thầy Thiện tâm sự: “Hằng ngày, ngoài buôn bán mẹ còn phải lo đưa tôi đến trường học, đúng giờ lại phải đến đưa tôi về, có nhiều lần trời mưa mẹ sợ tôi chờ lâu phải chạy đến thật nhanh mà quên mặc cả áo mưa cho mình. Thương mẹ, nhiều lần tôi trốn mẹ tự đi học một mình, lúc đầu bị té chảy máu là chuyện bình thường, nhiều lần như vậy rồi cũng quen đường. Những lúc mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp từ trường về nhà là tôi đã thuộc ngay bài thầy dạy lúc sáng rồi”.
Học trò đầu tiên là những người bạn
Mới học lớp 11, nhưng Thiện đã có trình độ C Anh văn. Thấy người bạn khiếm thị nhưng trình độ tiếng Anh vượt trội, nhiều bạn trọng lớp nhờ chỉ bài giúp. “Hay là Thiện mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà đi, tụi mình qua đó học cho tiện. Qua nhiều ngày học chung thì mọi người nói tôi có thể làm thầy của mọi người được rồi, tôi khá lúng túng khi được mọi người kêu bằng thầy, vì toàn là bạn học chung mà kêu bằng thầy thì ngại lắm”. Thế là anh học trò khiếm thị Nguyễn Phước Thiện trở thành thầy giáo tiếng Anh từ ngày ấy.
Màn hình vi tính thay cho bảng đen trong lúc giảng dạy
“Sau khi tốt nghiệp THPT (năm 1989), tôi thi vào Khoa Tiếng Anh của Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM. Lúc tôi đăng ký thi, người ta không đồng ý, nhưng tôi đã chứng minh cho họ thấy tôi vẫn có thể tiếp thu được bài vở như những sinh viên bình thường khác. Sau 4 năm học tại trường tôi đã trở thành một trong những sinh viên khiếm thị đầu tiên tốt nghiệp xuất sắc tại ngôi trường sư phạm này”.
Với lợi thế thông thao tiếng Anh, thầy Thiện đã nhanh chóng làm quen với bàn phím máy tính và các chương trình hỗ trợ đọc màn hình dành cho người khiếm thị. Tiếng Anh, sóng phát thanh và internet là “chìa khóa” mở toang cách cửa giao tiếp của thầy Thiện với thế giới bên ngoài. “Thời gian đầu, tôi bỏ thời gian ra chỉ để “rà” hơn 700 kênh của hàng chục đài phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước có dạy tiếng Anh để nắm lịch phát sóng, nghe và ghi âm lại các bài giảng, các bản tin bằng tiếng Anh. Rồi nhiều ngày, tư liệu được tôi trích trữ nhiều lên và giờ nó là bài tập để tôi dùng trong giảng dạy”.
Những ngón tay bấm phím rất điêu luyện
Hiện tại ngày nào lịch dạy của thầy Thiện cũng dày đặc suốt bốn buổi sáng - trưa - chiều - tối. Học viên gồm đủ mọi thành phần, từ học sinh, sinh viên các trường đại học, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ công chức bồi dưỡng tiếng Anh để thi cao học, doanh nhân, cho tới các sư sãi người Việt đang tu học tại đất phật Nepal, Ấn Độ.
Trải lòng để sống vui
Bị khiếm thị từ lúc lên mười, nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Nguyễn Phước Thiện luôn tự tin nói tôi là người may mắn. May mắn vì tôi có người mẹ đã hết lòng yêu thương, san sẻ vui buồn, giúp tôi vượt qua những khiếm khuyết của bản thân.
Suốt nhiều năm qua, ngoài việc dạy học, thầy Thiện còn dạy học trò mình hướng đến các hoạt động từ thiện. Nhiều nhóm học trò tình nguyện của thầy giáo Thiện đã đến các chùa để làm công quả (quét dọn, đọc và sắp xếp kinh sách); đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi khuyết tật vui chơi cùng các em nhỏ, giúp cô bảo mẫu chăm sóc các bé… Có lúc thầy Thiện đi làm việc nghĩa cùng các học viên, có lúc các bạn tự tổ chức thực hiện rồi báo cho thầy biết. “Tôi làm như vậy là vì muốn giáo dục các em biết sống cho mình và cho mọi người”, thầy Thiện tâm sự.
Khuôn mặt hiền từ, miệng lúc nào cũng nở nụ cười yêu đời của thầy Thiện
Trong một lần đi dã ngoại cùng học trò ngoài Mũi Né (Bình Thuận), ông thầy khiếm thị xúc động khi nghe về hoàn cảnh mưu sinh nhọc nhằn của các em nhỏ tại nơi đây. Thay vì phải cắp sách đến trường, các em phải trần mình kiếm sống trong nắng cháy, cát bỏng, gió sương lạnh lẽo của biển cả với cái nghề bán quà vặt, cho thuê tấm trượt cát.
Trở về thành phố, thầy Thiện đau đáu trong lòng ý nghĩ phải làm một điều gì đó giúp các em tìm thấy tương lai. Rồi không bao lâu sau đó, người dân sinh sống gần khu vực Mũi Né (Bình Thuận) vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh đám trẻ trước đó vốn chỉ biết chửi tục, đánh nhau giành khách nay lại chịu ngồi tụ lại dưới gốc cây dương để nghe một ông thầy mù giảng giải về cách đối nhân xử thế và học tiếng Anh.
Thầy Nguyễn Phước Thiện luôn hướng học viên vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. “Tôi luôn tìm kiếm những điều hay, có ích để hoàn thiện chính mình và giáo dục các em học sinh biết quý trọng những gì mình có. Thời gian không chờ đợi ai hết, vì thế, hãy sống trọn vẹn từng ngày…”, thầy vui vẻ nói.