Có những bệnh nhân khi chết nhưng bị gia đình từ chối, bệnh viện đành tổ chức mai táng, nhìn chiếc xe chuyển bánh, trên xe chỉ có 1 chiếc áo quan và 1 người lái xe, nhiều người bác sĩ không khỏi xót xa.
Nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi
Đối với nhiều gia đình, khi người thân mắc bệnh hiểm nghèo phải đến bệnh viện điều trị, dù biết trước là khả năng sống còn rất ít nhưng họ vẫn cố gắng “còn nước, còn tát” để hy vọng cứu vãn được ngày nào hay ngày đấy. Nhưng đối với các bệnh nhân đang điều trị HIV tại Bệnh viện 09 thì hoàn toàn ngược lại.
Chia sẻ với phóng viên Th.BS Nguyễn Thị Thảo cho biết, qua quá trình làm việc và điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện, có nhiều trường hợp các bác sĩ cũng không thể cầm lòng với hoàn cảnh các bệnh nhân. Đó là những bệnh nhân bị gia đình “xử” ngay tại phòng bệnh bằng cách rút dây thở hoặc khi bệnh nhân tử vong, gia đình bỏ mặc không đến nhận người nhà.
Nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện 09 bị chính gia đình mình bỏ rơi.
“Cách đây không lâu, đã có trường hợp chính gia đình bệnh nhân tự tay rút dây thở để cho bệnh nhân nhanh chết, may chúng tôi phát hiện và cấp cứu kịp thời nếu không bệnh nhân đã tử vong.
Hay như trường hợp, người nhà bệnh nhân đưa con vào cấp cứu sau đó bỏ luôn con ở bệnh viện, đến khi bệnh nhân tử vong bệnh viện liên hệ gia đình đến để nhận con về mai táng thì không thể liên lạc được.
Không còn cách nào khác, bệnh viện đã phải mua vòng hoa, dùng xe bệnh viện đưa xuống nhà hỏa táng ở Văn Điển để thiêu. Lúc đó, nhìn chiếc xe chuyển bánh, trên xe chỉ có 1 chiếc áo quan và 1 người lái xe, những người bác sĩ chúng tôi không khỏi xót xa”, BS Thao kể.
Theo BS Thảo, ngoài những việc trên, các bác sĩ đang điều trị cho các bệnh nhân HIV tại bệnh viện thường xuyên phải nhận những cuộc điện thoại từ các gia đình người bệnh. Điều trớ trêu thay, những cuộc gọi đó không phải với mục đích hỏi bệnh nhân điều trị ra sao? Mà ngược lại, họ thúc giục chúng tôi làm cho bệnh nhân nhanh chết.
“Với lương tâm người thầy thuốc, dù đó là bệnh nhân nào, mắc bệnh gì thì chúng tôi vẫn phải cố hết sức để cứu chữa, chúng tôi không thể vì yêu cầu của người này, người kia mà làm những việc trái lương tâm, y đức được”, BS Thảo nói.
Sự kỳ thị đang giết chết những con người
Đó là một sự thực không chỉ ở ngoài xã hội mà ngay tại chính các gia đình khi có người bị nhiễm HIV. Điều đáng nói là sự kỳ thị đó còn thể hiện rõ ngay trong các mối quan hệ huyết thống cận kề như cha-con, anh chị em ruột.
Điển hình trong số đó là bệnh nhân H.Đ.C (ở Hà Nội), theo lời kể của các bác sĩ, bệnh nhân C. sau khi phát hiện nhiễm HIV, thay vì động viên con điều trị, vượt qua rào cản tâm lý để tái hòa nhập cộng đồng. Chính gia đình đã xa lánh, kỳ thị C. khiến cho bệnh của C. ngày càng nặng hơn và rất khó tiếp cận.
Khi bệnh đã quá nặng, gia đình đưa C. vào bệnh viện 09 điều trị, tại đây khi tâm sự với các bác sĩ, C. cho biết, từ khi biết mắc bệnh, cả nhà không ai dám nói chuyện hay lại ở gần. Thậm chí, trong bữa cơm, C. cũng phải ngồi ăn riêng ở một góc nhà với bát, đũa và thìa riêng.
Những bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện 09 đa số là những bệnh nhân nặng.
Trường hợp của bệnh nhân C. không phải là hiếm tại Bệnh viện 09. Theo các bác sĩ, một trường hợp nam bệnh nhân khác đang điều trị tại bệnh viện cũng éo le không kém. Đó là bệnh nhân N.V.T (sinh năm 1979, quê Thanh Hóa).
Theo lời kể của các bác sĩ, ngoài việc bị mắc bệnh hiểm nghèo T. còn có một gia đình không mấy hạnh phúc khi mẹ đi bước nữa, đó cũng chính là nguyên nhân khiến T. bị nhiễm HIV.
Theo đó, ngay từ khi còn nhỏ T. đã bị bố dượng lừa rồi bỏ rơi ở Quảng Ninh một mình. Sau khi nhà ngoại tìm thấy T, đưa về nhà ở với bố mẹ thì lại bị nhốt ở một phòng riêng. Chán đời, T. đã bỏ đi lang thang nhiều tháng ngày và dính vào ma túy, tiêm chích và HIV.
Nhận định về những trường hợp trên BS Nguyễn Thị Thảo – PGĐ Bệnh viện 09 cho biết, chính sự thiếu hiểu biết và sự kỳ thị của gia đình đang giết chết những người nhiễm HIV.
Thực ra, HIV không phải là cái gì quá ghê gớm, nó là bệnh truyền nhiễm nhưng phải có con đường lây nhiễm. HIV không thể lây qua việc nói chuyện hay dùng chung bát đũa được, nên việc nhiều gia đình “đề phòng” sự lây nhiễm thái quá, khiến cho bệnh nhân không thể hòa nhập cộng đồng.
“Chúng tôi đã tư vấn, tuyên truyền rất nhiều rồi, nhưng có điều họ có muốn hiểu, muốn thông cảm hay không thôi. Có tuyên truyền thế, tuyên truyền nữa, những chính những người thân cận nhất trong gia đình còn kỳ thị thì làm sao thay đổi được xã hội”, BS Thảo nói.