Chuyện về những người ‘cửu vạn tóc dài’ ở chợ

Ngày 01/05/2015 08:26 AM (GMT+7)

Khi chuyến xe hàng vừa dừng bánh ở chợ Ba Đồn (Quảng Bình), một tốp phụ nữ ùa ra “quây” kín xe hàng. Người kéo xe, người cất, người vác, người bám thùng xe, trèo lên bánh xe làm công việc cửu vạn - vốn tưởng chỉ dành cho đàn ông.

Sáng ra đồng, chiều đi “kéo xe”

Chúng tôi tìm đến chợ Ba Đồn, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) vào một ngày tháng đầu tháng tư với tiết trời đang oi bức, bên kia góc chợ, một toán nữ phu bốc vác hàng đang bốc dỡ một chuyến hàng mới về.

Vừa bốc được mấy bao vôi, chị Nguyễn Thị Hoa vừa lau những giọt mồ hôi quện với bụi, vừa thở dốc cho biết  ‘dù không phải là lễ tết hay chợ phiên (cách 5 ngày họp 1 lần, bắt đầu từ ngày mồng 1) nhưng nhu cầu bốc vác vận chuyển của các tiểu thương hay các chủ xe hàng rất lớn. Từ trưa hàng đã ra vào nườm nượp. Hàng được thuê bốc vác ở đây chủ yếu là vôi, mì, xi măng, đạm, ngói gạch, rau củ, quần áo...’.

“Nhà có 2 sào ruộng, trên đất cát pha nên mỗi năm không  thể trông chờ vào thu nhập của 2 vụ lúa nên sáng ra đồng, chiều chiều lại tận dụng ít thời gian chạy ra chợ bốc vác, kéo xe kiếm thêm ít tiền nuôi gia đình”. Chị Hoa tâm sự thêm.

Chuyện về những người ‘cửu vạn tóc dài’ ở chợ - 1

Chị Hoa với hơn 20 năm bám trụ với nghề bốc vác để lo cho con ăn học và motng một ngày chúng nó đỡ cơ cực hơn

Tuy xe hàng mới  vơi đi một nửa nhưng ai cũng mồ hô nhể nhãi, đầm đìa. Ngoài việc bốc dỡ hàng hóa cho các chủ xe hàng, những người phu bốc vác này còn kiêm luôn việc vận chuyển hàng từ trong kho hàng của chợ Ba Đồn đến bến đò Lò Vôi (người dân địa phương còn gọi là bến đò Cửa Hát) để theo các tàu buôn dọc theo sông Giang ngược xuôi về các vùng khác.

Mỗi tấn hàng sau khi được bốc xuống, vận chuyển vào kho hoặc ra bến đò đều được trả công 20 ngàn đồng/ 1 tấn, mỗi ngày mỗi nhóm phu bốc dở được khoảng 4- 6 xe hàng, bình quân từ 60- 80 tấn. Một ngày làm cật lực, vừa bốc hàng từ trên xe xuống vừa vận chuyển mỗi người phu bốc vác cũng kiếm được 100- 150 ngàn đồng.

Những năm trở lại đây, tuy các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa đã được sử dụng  để thay thế sức người để vận chuyển nhưng do chợ búa có nhiều ngóc ngách, nhiểu đường đi lối lại nên nhu cầu về bốc vác vẫn rất lớn. Ngoài dùng sức người để vận chuyển, những người phu bốc vác ở chợ Ba Đồn còn dùng xe “ bò” hay còn gọi là “ xe ba gác” để kéo hàng.

Chuyện về những người ‘cửu vạn tóc dài’ ở chợ - 2

Bụi bặm cùng với không quần áo bảo hộ lao động, không khẩu trang sẽ là tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật sau này của nhiều người phụ nữ bốc vác

Bán sức khỏe, mua bệnh tật

Công việc làm phu  bốc vác này đòi hỏi nhiều người  phụ nữ phải có sức dẻo dai, sức bền mới có thể bám trụ được. Vác mỗi bao vôi, bao sắn nặng hơn 60kg mà tuyệt nhiên không thấy ai kêu than, kêu nặng mà chỉ là những lời động viên nhau của chị em phu bốc vác.

Tuy nhiên, sức người có hạn, sau nhiều năm bám trụ, hít bao nhiêu bụi cũng như chịu bao sức nặng để mưu sinh nên nhiều người phu bố vác ở đây thường xuyên đau lưng, đau khớp…thêm vào đó là những cơn ho đeo đuổi họ từng ngày trong từng hơi thở.

Nhiều người nữ phu bốc vác tâm sự “dù vất vả bốc vác hơn 20 năm nhưng cũng không đủ để trang trải cho cuộc sống và thuốc men do bệnh tật”.

Chuyện về những người ‘cửu vạn tóc dài’ ở chợ - 3

Xe ba gác được các nữ cửu vạn sử dụng để kéo hàng

Theo những người  nữ phu bốc vác ở đây thì toàn bộ chợ Ba Đồn có hơn 30 người làm nghề này và có tới gần 15 người là phụ nữ, tuổi từ 40- 60 tuổi.

Chị Nguyễn Thị Hoa, năm nay đã 48 tuổi cho biết:  “chị làm nghề này đã hơn 20 năm rồi. Dù vất vả nhưng phải làm để có tiền cho con ăn học. Gia đình chị hiện có 4 người con thì có 2 người con đang đi học trong Đà Nẵng. Mình đành vất vả để cho chúng nó sau này ăn học để đỡ cơ cực hơn”.

Dù đã cuối buổi chiều, chợ đã vãn, những người nữ phu bốc vác từ một quán nước nhỏ vẫn đang ngồi đợi những chuyến xe hàng cuối cùng với một khát vọng về một ngày mai tươi sáng hơn.

Đình Lê
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot