Hai năm qua, chàng trai 9X ở Sài Gòn đã giúp hơn 100 “chuyến xe cuối cùng” cho các bậc cha mẹ nghèo đưa con của họ về quê khi các bé mãi ngủ yên.
Trưa một ngày đầu tháng 8, chúng tôi liên hệ gặp anh Võ Thanh Nghị (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) – người chuyên giúp các bậc cha mẹ nghèo đưa con của họ về quê để an nghỉ. Nghị hẹn gặp ở quán nước gần nhà anh. Trời Sài Gòn đang mưa bỗng nắng rát, oi bức, Nghị đi bộ đến quán mồ hôi thấm đẫm chiếc áo.
Gặp tôi, Nghị cho biết sáng vừa giúp một trường hợp về quê Bình Thuận rồi có chút công việc nên đến trưa giờ vẫn chưa kịp bỏ gì vào bụng. Ở Nghị, tôi nhìn thấy một con người có nét đôn hậu cùng với sự từng trải. Nghị cười và nói mới 28 tuổi thôi nhưng có vẻ cứng hơn so với các bạn cùng trang lứa. Vừa nói xong, Nghị cười ồ lên.
Chàng trai 9X Võ Thanh Nghị
Rơi nước mắt thấy thi hài em bé trong túi xách
Nói về việc từ thiện, Nghị cho biết bắt đầu từ khi mới ra trường. Lúc đó, anh cùng nhóm bạn muốn đi khắp nơi để hiểu hơn về địa phương và kết hợp với làm từ thiện, trao quà cho các em nhỏ, người có hoàn cảnh khó khăn. Món quà tuy giá trị không lớn, chỉ là bánh kẹo, vài ký gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn… Nhưng Nghị hy vọng những người nhận họ cảm thấy ấm lòng.
Giữa năm 2017, Nghị cùng nhóm bạn đem lỉnh khỉnh quà, bánh đến tặng các em nhỏ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) như anh vẫn thường làm những lần trước đó.
Phát quà cho các bé xong, Nghị ra về vì có công việc cần giải quyết gấp. Anh vội đi ra hành lang bệnh viện để ra bãi xe về thì bất ngờ có một phụ nữ lớn tuổi mặc áo khoác đã bạc màu hớt hải chạy đến. Người phụ nữ khuôn mặt lo âu, đôi mắt thâm quầng có thể vì nhiều đêm mất ngủ hỏi anh làm từ thiện có thể giúp đỡ bà ít tiền để bà đưa cháu ngoại đã mất về quê được không?.
Nghị gật đầu đồng ý. Người phụ nữ sau đó nói cháu bà đang nằm ở nhà xác của bệnh viện và kéo tay anh đi nhanh về hướng đó. Đến nơi, Nghị nhìn quanh quẩn nhưng không thấy bé nào. Ở một góc có đôi vợ chồng trẻ đôi mắt đỏ hoe, đang ôm chiếc túi xách du lịch.
Nghị hỏi “cháu của bà đâu?”. Người phụ nữ chỉ tay về chiếc túi xách và nói lí nhí “cháu nằm trong đó”.
Trong một lần tặng quà, Nghị tình cờ giúp đỡ một gia đình khó khăn đưa con họ về quê khi bé mãi ngủ yên
Chàng thanh niên tên Nghị dù đã chứng kiến và gặp nhiều người có nghịch cảnh nhưng chưa bao giờ anh thấy xót xa như lúc này. Anh cố dằn lòng, nhờ người phụ nữ mở chiếc túi. Đôi tay run rẩy, bà ngoại cháu bé vừa khóc vừa mở chiếc túi, lôi ra một mớ khăn rồi đến thi hài cháu bé mới 3 tháng tuổi.
Bà ngoại bé đau xé lòng khi phải để cháu vào túi du lịch bởi không còn cách nào khác. Bà và cha mẹ bé chỉ còn đủ tiền mua vé xe đò về quê. Bà phải giấu kỹ vì sợ nhà xe biết đuổi xuống.
“Sau nhiều tháng điều trị cho cháu, cả tôi và cha mẹ của bé chỉ còn đủ tiền mua 3 vé xe đò về quê An Giang. Bất đắc dĩ lắm mới làm như vậy. Nhìn cháu nằm trong túi xách mà tim như xát muối, đau lắm chú ơi”, bà ngoại bé nói với Nghị.
Đau đớn, xót thương khi thấy thi hài cháu bé nằm trong túi xách, Nghị vội quay mặt đi hướng khác lấy tay áo lau đi dòng nước mắt đang tuôn trào trên mặt mình. Anh động viên bà ngoại và cha mẹ bé hãy an tâm, anh sẽ lo cho bé về quê được đàng hoàng.
Nghị cùng bạn bè gom góp được 3 triệu đồng thuê một xe cứu thương đưa gia đình cháu bé về quê. Anh cũng hỗ trợ mua thêm chiếc quan tài để cho cháu bé an nghỉ được tươm tất.
Cũng từ đó, hơn 100 “chuyến xe cuối cùng” được Nghị thực hiện, đưa các thiên thần bé nhỏ về quê nhà khi các bé mãi ngủ yên.
Kể từ đó hơn 100 “chuyến xe cuối cùng” được anh Nghị thực hiện đưa các thiên thần về quê yên nghỉ.
Ngoài hỗ trợ miễn phí “chuyến xe cuối cùng”, anh Nghị còn hỗ trợ mua quan tài để lo cho các thiên thần mãi ngủ yên được tươm tất. Những gia đình được anh giúp “chuyến xe cuối cùng” đưa con về quê đều có hoàn cảnh rất bi đát.
Và chuyến xe tình người
Nghị cho biết hoàn cảnh các gia đình anh giúp “chuyến xe cuối cùng” rất bi đát. Có trường hợp quê ở Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai, An Giang, Cà Mau… sau thời gian đưa con em đến TP.HCM điều trị bệnh họ gần như kiệt quệ về kinh tế. Có bé vừa sinh bị bệnh chữa trị 1 tháng thì mất, có bé chữa trị vài tháng. Cũng có trường hợp bé chữa trị 1 năm, 2 năm thì không qua khỏi.
“Làm cha mẹ, ai cũng mong con mình mạnh khỏe. Khi con không may bị bệnh, dù chỉ còn một tia hy vọng, cha mẹ bé cũng bán hết tài sản để chữa trị cho con. Nhiều hoàn cảnh khó khăn dữ lắm”, Nghị nói về các trường hợp anh giúp đỡ.
Có trường hợp bé không còn hy vọng cứu chữa nhưng gia đình không muốn con mất ngoài đường và được anh Nghị giúp đỡ chở về tận nhà bằng xe cấp cứu.
Cuối năm 2018, sau một ngày làm việc vất vả, Nghị về đến nhà lúc nửa đêm. Vừa đặt lưng nằm xuống, Nghị nhận được điện thoại một trường hợp cần giúp đỡ về Cà Mau. Người mệt lả vì cả ngày phải di chuyển ngoài đường, Nghị tính chợp mắt khoảng 1 tiếng rồi hãy đi giúp. Nghị lại đấu tranh trong suy nghĩ, lỡ ngủ quên thì sao?. Gia đình họ đang rất cần anh đến. Anh đến sớm được lúc nào thì gia đình sẽ đưa bé về quê sớm lúc đó. Nghĩ vậy, Nghị bật dậy rửa mặt cho tỉnh rồi lấy xe máy đi thẳng tới bệnh viện. Đêm đó, anh cùng gia đình bé đưa bé về Cà Mau.
Sau chặng đường vượt hơn 300km, sáng hôm sau chuyến xe cũng về tới quê nhà của bé. Xe phải dừng ở đường lộ đan và đi bộ vào hơn 1km với đầy sình lầy để tới nhà của bé.
Ập vào mắt Nghị là căn nhà xiêu vẹo nằm cạnh mé sông. Gọi là nhà nhưng chẳng khác gì một túp lều, xung quanh được quây bạt và lợp tôn “nắng rọi mưa dột”. Tài sản quý giá nhất trong căn nhà là chiếc tivi đời cũ bám đầy bụi. Cháu bé sau đó cũng an nghỉ trên phần đất ruộng của gia đình hàng xóm.
Không thể cầm lòng trước sự khó khăn, thiếu thốn, Nghị lấy ít số tiền trong ví mình của gửi tặng cha mẹ cháu bé với hy vọng họ sẽ trang trải được phần nào cuộc sống. Trên đường trở về TP.HCM, Nghị vẫn tự trách mình, sao tối qua mình lại có suy nghĩ như vậy. Sao lại “ngủ thêm chút nữa” trong khi gia đình bé đang chờ anh đến.
Anh Nghị vận chuyển mì gói trong một chuyến từ thiện
Trong ký ức của Nghị mỗi “chuyến xe cuối cùng” là mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có trường hợp cặp vợ chồng ở Bình Định tức tốc đón xe khách vào TP.HCM khi hay tin con gái đang theo học đại học phải nhập viện cấp cứu. Họ gom góp, mượn được 10 triệu đồng để vào lo cho con. Khi đến bệnh viện, cha mẹ nữ sinh mới biết là con gái có bầu và bị trượt ngã khiến thai nhi 8 tháng tuổi chết trong bụng. Riêng người bạn trai của nữ sinh hay tin bạn gái có bầu đã cắt liên lạc.
Khi được điều dưỡng bệnh viện gọi báo về trường hợp cần giúp đỡ này, Nghị đã tức tốc đến. Anh vẫn nhớ như in hình ảnh người cha của nữ sinh với khuôn mặt khắc khổ đen sạm, ngồi bệt tại hành lang của bệnh viện khóc. Ông khóc vì lo cho sức khỏe con gái và lo không có tiền thuê xe đưa cháu ngoại xấu số về quê.
Được Nghị giúp đỡ, khuya hôm ấy “chuyến xe cuối cùng” đưa hai ông cháu họ về quê Bình Định. Xe vừa lăn bánh trời cũng đổ cơn mưa . Ở cổng bệnh viện, người vợ của ông rớt nước mắt dõi theo chuyến xe khuất xa dần. Người phụ nữ ấy phải ở lại chăm sóc con gái đang nằm trong phòng hồi sức.
Đêm đó, Nghị trở về nhà khi thời gian cũng bước sang ngày mới.
Sáng ngủ dậy, Nghị nhận được điện thoại của người đàn ông cho biết đã đưa cháu về tới quê nhà. Ông cảm ơn Nghị đã giúp “chuyến xe cuối cùng” để ông lo cho cháu ngoại được chu toàn.
Cuộc trò chuyện giữa Nghị với tôi bị ngắt quãng khi Nghị nhận được điện thoại một trường hợp có hai em nhỏ sống với bà nội lớn tuổi ở Bình Phước, có hoàn cảnh rất đáng thương. Nghị ngay sau đó thông báo với nhóm bạn làm thiện nguyên của mình để hỗ trợ và chốt lịch cuối tuần đi thăm luôn để giúp đỡ kịp thời.
Anh Nghị cùng nhóm bạn làm thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Anh Nghị cho biết món quà tuy giá trị không lớn, chỉ là bánh kẹo, vài ký gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn và ít tiền mặt… nhưng anh hy vọng những người nhận họ cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm, chia sẻ.
“Giữa lúc bấn loạn vì mất con thì anh xuất hiện. Anh đã giúp chuyến xe để đưa con tôi về nhà. Sau khi lo cho con được chu toàn tôi gọi điện cảm ơn anh và muốn xin địa chỉ nhà để gửi anh ít dừa xiêm làm quà. Anh nói cảm ơn tôi nhưng từ chối nhận và khuyên tôi bán số dừa đó để lấy tiền sinh hoạt. Anh nói đã nhận tấm lòng của tôi rồi”, anh L.V.G. (quê An Giang) người được anh Nghị giúp “chuyến xe cuối cùng” để đưa con về quê. “Nhiều gia đình khi con mất không có tiền mua quan tài, không có tiền thuê xe chở từ bệnh viện về. Những hoàn cảnh đó Nghị đều giúp đỡ “chuyến xe cuối cùng”. Bất kể mưa nắng, khi bệnh viện liên hệ thông báo cho Nghị những trường hợp cần giúp đỡ, Nghị đều đến hỗ trợ”, bác sĩ Trần Thị Tuyết Mai (Phòng Công tác Xã hội – Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết. |