Ngày 7.7.2014, chiếc máy bay trực thăng huấn luyện Mi171 số hiệu 01 đã rơi trên cánh đồng Hòa Lạc. 20/21 cán bộ chiến sĩ trên máy bay đã hy sinh.
Con mất cha, vợ mất chồng. Hai tháng đã trôi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên vẹn với những người vợ trẻ, nhiều người trong số đó tuổi đời mới vừa 24, 25…
Tiểu nữ đặc công“Tiểu nữ Đặc công” là tên mà Đỗ Mạnh Uy (sinh năm 1986), thượng uý, chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 âu yếm gọi cô con gái nhỏ khi con mới 1 tháng tuổi. Biết bao yêu thương và hy vọng gửi gắm, cuộc sống của một gia đình hạnh phúc, ngày Uy hy sinh, bé Mít - Đỗ Hà Chi vừa tròn 6 tháng tuổi.
Con gái thượng úy Đỗ Mạnh Uy do chính anh đăng trên FB của mình.
Cả hai vợ chồng Uy đều là con nhà thuần nông. Đến với nhau như một cơ duyên, quen qua Facebook, Nguyễn Thị Hà - vợ Uy (sinh năm 1989) - là con cả, vừa học ĐH Kinh doanh Công nghệ, vừa giúp đỡ gia đình cấy gieo gặt hái. Uy gan dạ, chăm chỉ luyện tập, là chiến sĩ giỏi võ nhất tiểu đoàn 18 đặc công, đá bóng giỏi. Cảm mến nhau rất nhanh, yêu nhau, chỉ một năm sau nên duyên vợ chồng.
Sắp lấy nhau, mẹ Uy còn lo lấy vợ xa vất vả, nhưng Uy kiên quyết đòi lấy vì yêu nết chăm chỉ chịu thương chịu khó của Hà. Cưới rồi, đôi bên gia đình đều ở xa, thu nhập bộ đội lại eo hẹp nhưng quấn quýt không muốn xa nhau, Hà và Uy thuê một căn nhà nhỏ ở gần đơn vị để tiện qua lại.
Hà con cả, Uy là con trai thứ ba trong gia đình có hai chị gái, một em trai. Bố Uy trước cũng là bộ đội, sau về làm công ty cầu đường, ông bị tai nạn lao động gãy cả hai chân, hộp sọ mất một mảng lớn, sức khoẻ yếu, mọi việc đồng áng quán xuyến dồn cả lên vai mẹ Uy. Thương mẹ, từ nhỏ, Uy đã học và làm tốt việc cấy hái; lấy vợ rồi - hễ được nghỉ là chăm chỉ cấy cùng đỡ việc cho nhà vợ.
Ảnh vợ chồng Uy Hà trong ngày cưới.
Bé Mít - Đỗ Hà Chi ra đời trong sự hồi hộp và tình yêu vô bờ của vợ chồng Uy Hà. Đọc những dòng Uy viết cho vợ, cho con gái ngày bé ra đời, không ai có thể cầm được nước mắt. Hà kể, tính cô vốn bảo thủ, quen cả năm, tìm hiểu kỹ càng nết ở ăn, gia đình, cá tính con người kỹ càng lắm mới yêu. Yêu rồi, đến gần lúc cưới dắt nhau đi chụp ảnh vẫn còn chưa cho… ôm. Cưới rồi, là đàn ông, nhưng Uy thương con, yêu vợ, không nề hà bất cứ việc nhỏ nào, nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát, dọn nhà, con tè, con ị... dọn tất, chăm tất.
Bố mẹ đã già yếu, sức khoẻ kém nhiều, nghề nông kém sức khó trông vào đâu; có nương vào nhau cũng khó lòng hỗ trợ. Từ khi Uy mất, nhà mất đi cây cột cái; đau lòng đến suy sụp, cả gia đình phải truyền nước mới có thể gượng dậy. Còn với Hà, mọi điều dường như vẫn là một giấc mơ không thể là sự thật...
Con đường còn dài, còn xa... “Uy từng viết rằng những ngày sống trong quân ngũ làm anh hiểu giá trị của sức khỏe, của tình đoàn kết, đồng đội và thêm yêu cuộc sống hơn. Em dứt khoát sẽ mặc màu áo xanh bộ đội, sẽ đi tiếp con đường của chồng em. Màu áo này ngày xưa làm em tin tưởng anh ấy hơn rất nhiều, em quý trọng, thương và yêu con người bộ đội nghiêm túc, kỷ luật... Vì Uy, vì con, vì tình yêu với màu áo ấy, em sẽ cố gắng hết mình…” - Hà tâm sự.
Những lời rắn rỏi ấy là cả một sự nỗ lực. Nhưng vẫn chưa thể lấy đi trong mắt Hà sự mất mát… “Tiểu nữ đặc công” chưa cai sữa, vẫn bám mẹ hồn nhiên nô đùa… Con còn nhỏ quá sao biết mẹ ngày nào cũng ôm điện thoại xem lại ảnh ngày xưa, những tấm ảnh chưa từng có ba người, lời hẹn chụp ảnh chung cả gia đình mãi sẽ không bao giờ trở thành hiện thực...
“Ngoài đường lúa đã chín chưa? Xã nhà em bảo đợi mùa lúa chín, con gái cứng cáp, sẽ đưa mẹ con đi chụp ảnh. Anh ấy bế con và cầm tay vợ đi trên cánh đồng lúa... Thật bình yên...”.
Những dòng tâm sự của Uy viết cho vợ trên FB khi Hà vừa sinh con.
Con trai trung úy Nguyễn Văn Hưng sẽ chào đời trong tháng 9Trong số các cán bộ chiến sĩ hy sinh trong tai nạn máy bay trực thăng Mi171, có lẽ Nguyễn Văn Hưng - chiến đấu viên tiểu đoàn 18 đặc công - là sĩ quan có thời gian ở với gia đình ngắn ngủi nhất. Đám cưới giản dị của anh với cô dâu sinh năm 1990 - người vợ trẻ tuổi nhất trong các gia đình Mi171 - vừa được tổ chức đầu năm 2014. Cuộc sống gia đình chỉ mới bắt đầu, và mầm sống yêu thương mới kịp nhen nhóm đem lại niềm vui cho hai bên nội ngoại thì anh đã vĩnh viễn đi xa.
Căn nhà nhỏ cạnh bến đò Khuyến Lương là nơi gia đình Đàm Thị Thu Lan - vợ Hưng trú ngụ. Bố mẹ làm nông, một năm ba vụ trồng su hào, bắp cải, súp lơ, rau củ không bón thúc thuốc tăng trưởng phát triển nên thời gian thu hoạch dài ngày, kinh tế gia đình nông nghiệp hạn hẹp nhưng kéo co để đủ ăn đủ mặc chứ không làm điều gian dối. Hàng ngày, Lan bụng mang dạ chửa cũng vẫn đi xe máy lên phà vượt sông, băng gần 30km để đến làm tại trường ở Cầu Giấy. Quê Hưng ở Thái Bình, lại là bộ đội nên thỉnh thoảng mới tranh thủ về thăm vợ. Ăn ở hiền lành, ngoan ngoãn nên gia đình Lan thương rể như con đẻ.
Lan có bằng cao đẳng, nhờ chăm chỉ chú tâm phấn đấu, nên đã có suất biên chế trong trường học nơi đang công tác. Nhưng với số lương chỉ có hơn 3 triệu, quãng đường 30 km vượt sông băng đường đã tiêu hết hơn 1 triệu đồng tiền xăng hàng tháng, chưa kể ăn trưa. Ngoài thu nhập từ chút đất trồng màu, cả nhà Lan chỉ trông vào chuồng lợn nuôi; người làm nông, tính lại thật thà không dùng những thuốc tăng trưởng (số lượng nhỏ - chủ yếu bán cho người quen) nên cũng không có gì dành dụm…
Thương con gái, bố mẹ Lan cố gắng an ủi để cô vững tinh thần. Đứa con không biết mặt cha của trung úy Nguyễn Văn Hưng sẽ chào đời vào tháng 9, tháng của mùa tựu trường mới... “Dù thế nào cuộc sống vẫn tiếp tục, em sẽ chăm sóc con em thật tốt, thật khỏe mạnh, làm mẹ và làm cha, để con lớn lên trong tình yêu thương - và trưởng thành với sự lạc quan và dũng cảm như bố”...
Ngoài đường lúa đã chín chưa? Xã nhà em bảo đợi mùa lúa chín, con gái cứng cáp, sẽ đưa mẹ con đi chụp ảnh. Anh ấy bế con và cầm tay vợ đi trên cánh đồng lúa... Thật bình yên...” - Chị Nguyễn Thị Hà - vợ liệt sĩ Đỗ Mạnh Uy
Giữ màu áo xanh
Con trai 4 tuổi của thượng úy Đỗ Văn Năm.
Cuối tháng 8.2014, những người vợ bộ đội đã mất chồng trong tai nạn rơi máy bay huấn luyện Mi171 đã được cầm trên tay quyết định tuyển dụng công nhân viên quốc phòng, nhiều người trong số họ là do áo cơm cần một công việc ổn định để có thể nuôi con khôn lớn. Nhưng cũng không ít người trong số họ đang có việc làm vẫn có nguyện vọng tha thiết muốn gắn bó với màu áo xanh, bởi sự thôi thúc mãnh liệt được đi tiếp con đường chồng đã đi.
Với Nguyễn Thị Thường (sinh năm 1984) – vợ thượng úy Đỗ Văn Năm chiến đấu viên Tiểu đoàn 18 đặc công – đó là cả một quá trình đấu tranh tâm lý dữ dội để bước tiếp; nhưng đó sẽ là cuộc chiến để vượt lên hướng tới tương lai, như những gì cô viết trong nỗi đau khôn tả: “Phút giây bàng hoàng đau đớn ấy... đã làm mình ghét cái màu xanh áo lính mà mình đã từng yêu, mình hoang mang, sợ hãi, đau đớn khi nhìn thấy màu áo ấy... nhưng mình vẫn phải đối diện với tất cả thực tại... hôm nay mình đã nhận quyết định công tác phục vụ trong quân đội, mình sẽ được khoác màu áo xanh và thực hiện tiếp những gì chồng còn chưa làm được, làm tiếp những dự định dang dở của hai vợ chồng... mong rằng mình có sức khỏe niềm tin để làm được tất cả!” .