Vượt qua "định kiến" khiếm khuyết về cơ thể, cô gái Nguyễn Thị Minh Thư hiện đang là người vận hành mô hình sống xanh, giảm nhựa, truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Bị khiếm khuyết một bên mắt, bên còn lại chỉ thấy được mờ mờ trong một khoảng không gian hẹp, Nguyễn Thị Minh Thư (29 tuổi) đã vượt qua khiếm khuyết của bản thân, tích cực truyền cảm hứng về lối sống xanh, giảm nhựa.
Cô được biết đến là một cô gái khiếm thị luôn tích cực lan tỏa lối sống xanh, đặt mục tiêu chung tay bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải.Với ý chí mạnh mẽ, Minh Thư đã chứng minh rằng, bất kỳ ai cũng có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Hiện tại, Thư đang là người vận hành nhiều mô hình cửa hàng xanh, tập trung vào tái chế và tái sử dụng các vật liệu để giảm thiểu rác thải nhựa.
Ngoài ra, Minh Thư còn góp phần tạo ra cơ hội việc làm cho người khiếm thị thông qua việc mở rộng mô hình sống xanh, để họ có thể làm việc, kiếm thêm thu nhập. Những nỗ lực của Minh Thư thực sự là chứng minh rằng mỗi người, dù có khuyết khuyết về cơ thể cũng có thể thể đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.
Sống xanh không khó
Sinh ra trong một gia đình làm nông ở Khánh Hòa. Vào năm 6 tuổi, chứng teo gai thị giác bẩm sinh bất ngờ ập đến với Nguyễn Thị Minh Thư. Khi vừa chập chững biết những con chữ đầu đời, một mắt chị đã hoàn toàn không nhìn thấy, mắt còn lại giảm thị lực trầm trọng.
Minh Thư chụp hình kỉ niệm với khách hàng yêu thích sản phẩm sống xanh, giảm nhựa. Các khách hàng đủ mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn là các bạn trẻ có mong muốn được trải nghiệm, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực không ngừng, tới nay Thư không chỉ được biết đến là cô gái vàng của làng cờ vua paragame, mà còn là người truyền năng lượng với lối sống xanh, bền vững với vai trò là người vận hành chính mô hình cửa tiệm không rác thải.
“Sống xanh không phải là một điều quá khó khăn, to lớn. Đó có thể là việc tự chuẩn bị cơm khi đi làm, sử dụng bình cá nhân. Sống xanh không được định nghĩa là không sử dụng đồ nhựa mà đơn thuần chỉ là giảm nhựa cũng như tái sử dụng các vật phẩm hàng ngày nhiều nhất có thể, để tăng vòng đời của chúng. Đây cũng chính là sống xanh”, Minh Thư quan niệm.
Những đồ dùng thân thiện với môi trường, phục vụ những người yêu thích lối sống xanh, hạn chế rác thải nhựa ra môi trường đang trở nên quen thuộc với cộng đồng, đặc biệt là người trẻ. Mô hình này hiện đã được nhân rộng ra 6 cửa hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Đà Nẵng (online).
Những khó khăn ban đầu của mô hình sống xanh là các bạn nhân viên đều là người khiếm khuyết, không thuận tiện trong quá trình giao tiếp, nên mọi người thường nhắn tin hoặc viết ra giấy.
Tự hào vì làm được điều mình muốn
Lúc trước, Minh Thư hay bị “dán nhãn” khuyết tật thì đi học để làm gì? Học rồi xong có gì đâu mà làm? Không nhìn thấy rồi sao làm được chuyện này? Sao làm được chuyện kia? Không khuất phục trước những câu hỏi này, Minh Thư nhìn thấy được rằng: “Đồng ý nó là khuyết tật nhưng với tôi, khuyết tật không phải là bất lợi mà là bất tiện. Với mức độ phát triển của xã hội hiện đại, sự bất tiện này không còn quá lớn. Quan trọng là mỗi người cần dành thời gian tìm được con đường cho mình đi”.
Với Thư, những sự khác biệt đó cũng chỉ là nhãn dán của mọi người gắn lên cho các bạn có khiếm khuyết. Quan trọng là tự mỗi người cần biết mình là ai, biết mình có khả năng gì, dám dấn thân và thử mình bằng việc làm thử một điều mà xã hội đang “gán nhãn” cho mọi người là không được,
“Tôi cảm thấy tự hào khi có thể chọn được cách mình sống, môi trường mình sống, và làm được những điều mà mình muốn”, Minh Thư trải lòng.
Bên cạnh truyền cảm hứng về lối sống xanh, mô hình này cũng mong muốn mọi người có những nhìn nhận khác đi về người khiếm thị. Mặc dù có hơi chậm, khó khăn hơn nhiều so với người bình thường nhưng Minh Thư và những người bạn đồng hành cùng mình vẫn cố gắng làm được, không phải người phụ thuộc vào người khác, không tạo nên gánh nặng của xã hội mà còn có thể tác động tích tích cực đến xã hội.
Cô gái trẻ với hành trình không ngừng lan tỏa lối sống xanh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tới mọi người thông qua các sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế. Trong tương lai, Minh Thư mong muốn mỗi quận, huyện ở TP.HCM sẽ có một trạm sống xanh để mọi người có thể sống xanh dễ dàng hơn, các bạn khiếm thị sẽ có công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Không ngừng lan tỏa lối sống xanh, rất nhiều KOL, nghệ sĩ cũng đến cửa hàng và trải nghiệm sản phẩm.
“Mọi người hãy bảo vệ môi trường. Vì môi trường có bền vững thì mọi thứ cuộc sống xung quanh mới tốt được. Vấn đề nhựa, biến đổi khí hậu. Chỉ cần mỗi người một ít, giảm giảm đi một túi nilon, sự bất tiện nhỏ về ống hút thì mình đã phần nào góp phần bảo vệ môi trường”, Minh Thư vui vẻ nói.