"Cái tên dở chưa từng thấy này đã theo mình từ lúc sơ sinh cho đến nay, không biết làm sao mà sửa”, người phụ nữ miền Trung tâm sự.
Họ tên dùng để phân biệt người này với người kia, để xưng hô giao tiếp trong cuộc sống. Chúng còn có chức năng phân biệt giới tính nam/nữ và mang ý nghĩa tốt đẹp trong tương lai. Vì thế bậc phụ huynh luôn chú trọng trong việc đặt tên cho đứa con vừa mới chào đời. Vậy mà có rất nhiều người sở hữu cái tên chẳng giống ai chỉ vì lỗi của một số người...lạ.
Sở hữu cái tên độc lạ vì lỗi “đánh máy” của cán bộ tư pháp xã
Tại Đại Lộc (Quảng Nam) có một cô gái sở hữu cái tên thật… khó nghe: Nguyễn Thị Tý Hèn (SN 1985). Cô nàng đi đâu cũng được mọi người chú ý bởi cái tên quá lạ lại kém sang. Thậm chí có người còn thắc mắc giữa muôn vàn tên hay như Hằng, Hoa, Hương, Hà… sao không chọn lại ưng cái tên mang đầy ý nghĩa của hèn mọn, chẳng có gì tốt đẹp.
Hỏi ra mới biết, tên Tý Hèn là một “sự cố” của cha cô nàng và các cán bộ tư pháp xã. Theo đó khi đi làm giấy khai sinh, cán bộ hỏi cha cô muốn đặt tên con là gì? Do họ không nghe rõ cái tên cha cô đọc nên ghi thành Tý Hèn.
Cô gái miền Trung tâm sự: “Ban đầu ba mẹ muốn đặt cho mình cái tên thật hay là Tý Hằng nhưng khi đi làm giấy khai sinh, mấy ông cán bộ xã nghe không rõ nên ghi thành như thế. Cuối cùng cái tên dở chưa từng thấy này đã theo mình từ lúc sơ sinh cho đến nay, không biết làm sao mà sửa”.
Tên Tý Hèn là một “sự cố” của cha cô nàng và các cán bộ tư pháp xã.
Hồi còn con gái, Tý Hèn từng lo sợ sẽ chẳng thế yêu được ai bởi cái tên… độc lạ này. May mắn cô nàng đã gặp được người thương mình rồi nên duyên vợ chồng. Hiện cặp đôi đã có hai đứa con khoẻ mạnh và sở hữu cái tên hoa mỹ, bình thường giống bao người.
Rẽ sang huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) cũng có một cô gái sở hữu cái tên lạ do cán bộ tư pháp xã nghe một đường viết một nẻo: Lê Thị Da Ly (SN 1995). Cô cho hay, ý định của bố cô sẽ đặt tên cho con gái là Ya Ly – trùng với tên của thuỷ điện lớn nhất miền Trung – Tây Nguyên. Song cán bộ tư pháp nghe không chính xác đã viết thành Da Ly.
“Xưa ở Tây Nguyên, người dân tộc đặt tên các bản, buôn, sóc đều có chữ Ea (nghĩa là sông) ở đằng trước. Cha mình muốn đặt tên cho con gái là sông Ly tức Ea Ly nhưng Việt hoá sẽ là I a Ly hoặc Ya Ly. Vậy mà cán bộ tư pháp xa cứ ngỡ gia đình muốn đặt mình là Da Ly nên thành ra viết như thế? Thực ra viết như vậy cũng được song mất hết ý nghĩa ban đầu của nó, tức là chẳng còn ý nghĩa gì nữa”, cô gái tên Da Ly thở dài.
Cô cho hay, ý định của bố cô sẽ đặt tên cho con gái là Ya Ly – trùng với tên của thuỷ điện lớn nhất miền Trung – Tây Nguyên.
Định đặt tên con là Hận để… trả thù đời
Chỉ vì bị gia đình ngăn cấm, không đồng ý với mối tình ngang trái, một cô gái trẻ tại Quảng Nam sau khi vượt cạn chỉ vài giờ đã quyết định đặt tên con là Hận. "Tối đó mình trực ở bệnh viện, tiếp nhận 2 vợ chồng trẻ dẫn nhau đi sinh. Mình có hỏi còn ai đi cùng hay không thì họ lắc đầu. Cuộc đẻ diễn ra khá thuận lợi nhưng lúc bồng đứa trẻ trên tay ai cũng buồn. Hóa ra 2 người lấy nhau mà không có sự đồng ý của gia đình nên không hề thấy nội ngoại đến thăm. Sáng hôm sau mình tình cờ em nghe người mẹ nằm bên nói với đứa con: “Sau này mẹ sẽ đặt tên con là Hận để ghi nhớ một mối tình không được chấp nhận"", chị Loan - một nữ hộ sinh tại thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) cho hay.
Nghe xong, chị Loan đã đến cạnh sản phụ xin lỗi trước rồi khuyên răn chuyện đặt con tên là Hận. Chị bảo đứa trẻ không có lỗi, lỗi là ở người lớn mà sao bắt nó phải chịu đựng. "Đứa trẻ mang một cái tên như vậy suốt cả đời. Sau này nó đi học, chắc chắn là rất nhiều người hỏi vì sao lại có tên như vậy. Nó sẽ mang một tâm trạng nặng nề không bao giờ dứt ra được. Sau đó mình hỏi chị ấy có muốn con khổ như thế không? Chị ấy đã khóc như hiểu ra điều gì đó và hứa sẽ không đặt tên con như vậy", Loan nói.