“Quầy hàng dành cho người nghèo 2 nghìn/món, ai có ủng hộ - ai khó qua mua”, đó là những gì được thể hiện trên một tấm biển được treo trên đường Phan Kế Bính – phường Ba Đình (Hà Nội).
Tấm biển lạ hướng đến người nghèo
Trong những ngày qua, trên mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh về một tấm biển “lạ” có nội dung: “Quầy hàng dành cho người nghèo 2 nghìn/món, ai có ủng hộ - ai khó qua mua, SĐT tiếp nhận…”.
Ngay sau khi được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội, bức ảnh trên đã nhận được hàng nghìn like, share và rất nhiều bình luận trái chiều. Đa số mọi người ủng hộ các làm này của chủ “shop” khi cho rằng đây là hành động đẹp, nhất là khi đối tượng nhắm đến là những người nghèo.
Tuy nhiên, cũng không ít người đặt ra những sự hoài nghi khi cho rằng chủ “shop” kêu gọi ủng hộ từ mọi người, nhưng lại rao bán dù giá rẻ nhưng vẫn là một hình thức kinh doanh.
Trước những ý kiến trái chiều trên, chiều ngày 23/9 phóng viên đã liên hệ với chủ “shop” và đã có những trao đổi cởi mở liên quan đến ý tưởng mở “shop” và những dự định tương lai.
Dù rất bận rộn, nhưng chị Nga hiện vẫn đang trực tiếp ra "shop" để tận tay đưa quần áo 2k của mình đến với những người nghèo
Theo đó, chủ “shop” hàng thời trang trên là chị Nguyễn Thị Tố Nga (sinh năm 1984, ở Đội Cấn – Ba Đình – Hà Nội), hiện đang làm việc liên quan đến các mặt hàng đồ chơi trẻ con.
Qua tìm hiểu được biết, công việc của chị Nga khá bận, nhưng vì ý tưởng chị đã ấp ủ từ lâu và thời gian này chị đã quyết định thực hiện.
“Tôi đã có dự định từ lâu, định mở shop trên mạng xã hội để tiết kiệm thời gian, nhưng những người nghèo thì lấy đâu thời gian và thiết bị để vào mạng, nên tôi quyết định làm theo cách này và tôi bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 9”, chị Tố Nga chia sẻ.
Khi được hỏi về mục đích của việc làm này, chị Tố Nga cho biết: “Tôi làm việc này hoàn toàn vì mục đích thiện nguyện, giúp đỡ những người khó khăn.
Trước đây tôi cũng từng làm nhiều chương trình thiện nguyện như áo ấm vùng cao, nhưng bạn thấy đó, những chương trình như vậy, khi phát quần áo cho những gia đình khó khăn, đôi khi họ không dùng được vì họ không thể mặc vừa.
Ở đây cũng vậy, nếu ta đi phát quần áo cho mọi người, có người sẽ không sử dụng được những món đồ đó, và như vậy sẽ rất lãng phí. Vì thế, tôi quyết định làm theo cách này, để những người nghèo có thể lựa chọn những bộ quần áo mà mình yêu thích, vừa vặn với thân hình của họ. Như thế họ cũng sẽ rất vui, vì cảm giác như họ đang được đi shopping vậy”.
Muốn tạo luôn việc làm cho những người nghèo
Vậy tại sao chị lại bán với giá 2 nghìn/món hàng? Phóng viên đặt câu hỏi. Với câu hỏi trên, chị Tố Nga cho rằng, đó cũng là điều chị băn khoăn, khi những người ủng hộ quần áo cho mình lại nghĩ mình kinh doanh.
“Thực tế thì những người nghèo họ cũng có sĩ diện và mặc cảm. Nếu ta cho không, họ sẽ nghĩ đó là sự “bố thí” và họ không nhận, nhưng khi ta bán với giá như vậy, họ sẽ mua vì họ đã trả tiền để nhận được món hàng mà mình thích.
Thú thật, khi tôi bán với giá 2 nghìn đồng ở đây, rất nhiều người không phải nghèo cũng mua, vì có những mặt hàng còn rất mới, không phù hợp với người này nhưng lại phù hợp với người khác”, chị Tố Nga phân tích.
Do công việc khá bận, nên chị không thể dành toàn bộ thời gian cho việc thiện nguyện, vì thế chị mong muốn những người nghèo, thậm chí là sinh viên khó khăn có thể cùng chị tham gia điều hành và tiền 2 nghìn/1 sản phẩm đó sẽ là tiền công mà mọi người nhận được khi bán hàng.
“Những ngày qua tôi cũng đã trực tiếp ra đứng bán, có những người giúp việc họ thấy đồ còn đẹp, còn tốt họ mua cả chục cái và mỗi buổi (ca) bán như vậy có thể thu được cả 100 nghìn đồng chứ không ít.
Bởi vậy, tôi hy vọng những bạn sinh viên khó khăn, hay chính những người nghèo, những người đi nhặt ve chai có thể là người làm công việc này thì tôi rất yên tâm và hạnh phúc, vì như vậy việc mình làm còn nhân đôi ý nghĩa”, chị Nga giãi bày.
Cuối cùng, khi nói về dự định của mình, chị Nga tâm sự: “Tôi muốn mở một hệ thống như thế này ở Hà Nội để giúp đỡ những người nghèo, tôi tin mọi người ủng hộ sẽ nhiều, nhưng điều lo nhất là tìm người bán hàng như tôi chia sẻ ở trên.
Nếu tìm được những người chung ý tưởng với tôi, cùng tôi làm việc này thì quá tuyệt vời, khi đó tôi sẽ mang những đồ này đến cả những hội chợ ở vùng quê bán cho bà con còn nhiều khó khăn với giá chỉ 2 nghìn đồng. Đó là dự định xa xôi, còn tương lai gần thì tới đây tôi sẽ mở thêm một điểm nữa ở Kim Mã”.