“Dạy dỗ các em bị khuyết tật bằng tất cả tấm lòng của một người mẹ dành cho con của mình vì các em thiệt thòi hơn bao đứa trẻ bình thường khác”. Đó là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Quỳnh (55 tuổi) giáo viên có thâm niên lâu năm nhất của trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình)
Đến với nghề bằng tình yêu thương trẻ khuyết tật
20 năm làm công tác dạy dỗ, nuôi dưỡng những em học sinh mà cô Quỳnh cho là “đặc biệt” của mình không phải là quá dài nhưng cũng không phải là ngắn. Nhiều kỉ niệm buồn vui dạy trẻ khuyết tật mà mỗi lần nhớ lại cô vẫn khẳng định “tôi vẫn chọn đúng con đường đã đi và không cảm thấy hối tiếc”.
Tốt nghiệp trung cấp Sư phạm tiểu học tại Đông Hà (Quảng Trị) cô giáo trẻ Phạm Thị Quỳnh được phân về làm công tác giảng dạy tại trường tiểu học Nam Lý (TP. Đồng Hới). Công việc ổn định khiến nhiều người cứ nghĩ cô sẽ gắn bó với những em học sinh nơi đây lâu dài. Vậy mà quyết định chuyển sang trường khuyết tật để dạy của cô khiến nhiều người bất ngờ, gia đình kịch liệt phản đối.
Cô Quỳnh dạy một em khuyết tật phép tính toán
“Có một lần đến thăm người bạn thân dạy tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật TP. Đồng Hới, vừa vào đến lớp tôi đã là trung tâm của mọi ánh mắt tò mò những đứa trẻ nơi đây. Lúc đầu tôi cảm thấy hơi sợ, nhưng sau đó ngồi nghe người bạn kể chuyện về những buồn vui trong nghề làm tôi thấy thấu hiểu và dường như ngọn lửa yêu nghề của người bạn đó truyền sang cả tôi”, cô Quỳnh bồi hồi nhớ lại.
Những ánh mắt tò mò, những cử chỉ khác lạ của những đứa trẻ khuyết tật in sâu vào tâm trí của cô. Rồi cũng vì một lý do đơn giản mà cô lại hạ quyết tâm tình nguyện về với những đứa trẻ khuyết tật đó là truyền lại nghề may mà mình đang có cho các em học sinh để có kế sinh nhai sau này.
Cả gia đình cô phản đối và khuyên ngăn cô đến với trường khuyết tật. Chồng cô cho rằng đây là công việc vất vả hơn gấp nhiều lần so với học sinh bình thường vì các em học sinh khuyết tật thường rất chậm phát triển trí não. Vậy mà cô vẫn kiên định với quyết định của mình.
Năm 1994, cô giáo trẻ Quỳnh chính thức chuyển công tác sang trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật TP. Đồng Hới.
Kiên nhẫn, chịu khó và khóc vì trẻ khuyết tật
“Ngày mới về nhận lớp, tôi bỡ ngỡ chưa có kinh nghiệm gì về giảng dạy. Những kỹ năng giảng dạy trẻ em khuyết tật khác rất nhiều so với trẻ em bình thường vì trẻ khuyết tật trí não chậm phát triển và mỗi giáo viên phải có phương pháp riêng để giúp các em tiếp thu bài học. Có nhiều lần tôi phải dạy duy nhất một phép tính môn Toán mà chiếm đến gần cả một tiết học cho các em”, cô Quỳnh tâm sự.
Theo cô Quỳnh, để dạy tốt những học sinh đặc biệt này, người giáo viên phải có đức tính kiên nhẫn, chịu khó tìm tòi những cách dạy dễ hiểu để các em tiếp thu.
Cô Quỳnh chia sẻ: “Nhiều khi dạy đi dạy lại cả chục lần mà học sinh vẫn không hiểu tôi cũng buồn, rồi cũng muốn cáu gắt, to tiếng với các em lắm nhưng mình phải dùng sự nhẹ nhàng bằng cả tình yêu thương để giúp đỡ các em”.
Nói về công việc dạy trẻ khuyết tật, cô Quỳnh nói đã chọn đúng con đường đang đi và không cảm thấy hối tiếc
Ngoài thời gian dạy trên lớp, cô còn phụ trách cả công tác quản lý, chăm sóc các em ở nội trú tại trường. Có một kỷ niệm mà đến giờ cô vẫn nhớ mãi. Sự việc xảy ra cách đây không lâu khi một em học sinh nữ lớp 2 chậm phát triển trí tuệ bị các bạn nam trong phòng trêu ghẹo và em đã bỏ đi từ chiều. Cả đêm hôm đó cô Quỳnh cùng nhiều học sinh khác tỏa ra đi tìm khắp các ngóc ngách trong trường. Hơn 22h30 phút mà không thấy bóng dáng em đâu cô bắt đầu thấy lo lắng.
Rồi đến 23h khuya, cô mở cửa từng phòng trong nhà vệ sinh nhưng vẫn không có. Bất lực cô quỵ xuống đất khóc trước ánh mắt hối hận của các em học sinh nam. Thật bất ngờ, một cánh tay từ phía sau cầm lấy vai cô. Cô giật mình quay lại, thì ra em học sinh nấp sau một cánh cửa phòng vệ sinh cuối cùng.
“Em xin lỗi cô!”- cô bé cúi thút thít khóc. Hai cô trò ôm nhau, rồi cả nhóm học sinh cũng chạy ùa vào. Từ đó, những đêm ở lại nội trú, cô nằm bên cạnh đọc truyện cổ tích để các em ngủ sớm hơn và không còn quậy phá nữa.
Theo cô Quỳnh, ngoài những tiết học trên lớp, cô còn ngồi tâm sự với những em khiếm thính bằng những ký hiệu riêng.
Sự quan tâm của cô đã giúp các em vơi bớt đi sự mặc cảm và không còn cảm giác cô đơn với những em mới đến học tập. Ngoài trách nhiệm dạy dỗ, cô còn như một người mẹ để các em chia sẻ buồn vui mỗi ngày.
Nhắc đến cô quỳnh, em Phạm Thị Thanh Tâm, học sinh khiếm thị bày tỏ: “Cô Quỳnh thương chúng em lắm, cô dạy dễ hiểu lại hay tâm sự với em vì em phải xa nhà ở lại nội trú tại trường, nói chuyện với cô em thấy đỡ nhớ bố mẹ hơn!”.
Ông Nguyễn Xuân Triển. Giám đốc trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật TP. Đồng Hới cho biết: “Cô Phạm Thị Quỳnh là một tấm gương tận tụy với sự nghiệp trồng người với 20 năm gắn bó với học sinh khuyết tật tại trung tâm. Nghề giáo viên dạy trẻ khuyết tật vốn vất vả nhưng với lòng nhiệt thành, tích cực bằng tấm lòng yêu nghề mến trẻ, chia sẻ với những em có hoàn cảnh thiệt thòi làm nhiều thế hệ học sinh nơi đây yêu quý, coi như mẹ của mình”.