Cô giáo dạy lái xe có 10 năm kinh nghiệm, chỉ “tuyệt chiêu” đổ đèo khiến ai cũng ngỡ ngàng

Thảo Anh - Ngày 11/05/2024 16:30 PM (GMT+7)

Là phụ nữ dạy lái xe, không ít lần học viên của chị Hiền cảm thấy e dè. Nhưng qua những bài học, ai cũng ngỡ ngàng bởi khả năng xử lý tình huống của cô giáo, đặc biệt trên những tuyến đường đèo dốc.

Đường đèo với những khúc cua gấp và khuất tầm nhìn luôn là một thử thách ngay cả với những tay lái lâu năm. Vì vậy, khi điều khiển xe ô tô trên đường đèo, các tài xế cần nắm vững kỹ thuật lái xe, tập trung quan sát và bình tĩnh xử lý khi có tình huống bất ngờ. Hãy cùng lắng nghe những kinh nghiệm xương máu về cách đổ đèo an toàn từ một cô giáo dạy lái đã có 10 năm kinh nghiệm trong nghề.

Trở thành giáo viên dạy lái là quyết định táo bạo đối với phụ nữ

Chị Trần Thị Ngọc Hiền (SN 1983, thạc sĩ ngành Quản lý công - HV Hành chính Quốc gia, sống ở Hà Nội) được biết đến là một giáo viên dạy lái xe chuyên nghiệp. Hiện chị đang công tác tại một Trung tâm đào tạo lái xe có tiếng và đã gắn bó với ngôi trường này 10 năm.

Những năm qua, chị Hiền đã đào tạo rất nhiều học viên ở đủ mọi lứa tuổi. Với chị, dù là nam hay nữ, già hay trẻ, một khi đã cầm vào vô lăng, việc tuân thủ đúng luật lệ giao thông và nắm chắc kỹ thuật lái xe là điều rất quan trọng.

Cô giáo dạy lái xe có 10 năm kinh nghiệm, chỉ “tuyệt chiêu” đổ đèo khiến ai cũng ngỡ ngàng - 1

Năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, chị Hiền đã thi bằng lái ô tô. Cũng từ đó, cô gái nhỏ bé bắt đầu hành trình chinh phục các cung đường. Năm 25 tuổi, chị Hiền kết hôn. Tình cờ làm sao, chồng chị cũng đam mê lái xe. 

Hai anh chị phải nói là tâm đầu ý hợp trong chuyện xe cộ. Mỗi lần đi đâu là anh chị đều thuê xe để tự lái. Cũng nhờ có anh mà kỹ năng của chị tốt. Chị thấy khả năng quan sát và phản ứng trước tình huống bất ngờ cũng nhanh nhạy hơn khi mình đi nhiều”, chị Hiền chia sẻ. 

Chị Hiền đã đi nhiều nơi, khám phá nhiều cung đường để nâng cao kỹ năng lái xe. Những nơi chị đã từng trải nghiệm phải kể đến các đoạn đường đèo dốc thuộc các tỉnh miền núi như: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang. 

Cũng chính từ những lần trải nghiệm thực tế, chị mới nhận ra có quá nhiều tay lái còn non yếu, dẫn đến những sự cố ngoài ý muốn. Ý định trở thành giáo viên dạy lái bắt đầu nảy ra. Chị bàn với anh, được anh ủng hộ, hai vợ chồng quyết định mua ô tô và xin vào làm việc tại Trung tâm đào tạo lái xe. 

Cô giáo dạy lái xe có 10 năm kinh nghiệm, chỉ “tuyệt chiêu” đổ đèo khiến ai cũng ngỡ ngàng - 2

Thời điểm đó, chị đã sinh một bé trai. Chị nghỉ việc làm hành chính để trở thành cô giáo dạy lái là một quyết định táo bạo. Nhưng vì đam mê và mong muốn được truyền đạt kinh nghiệm lái xe của mình đến mọi người, cũng như học hỏi trau dồi thêm mà chị không ngần ngại “đầu quân” cho ngành dạy lái. 

Chị Hiền chia sẻ: “Lái xe không đơn giản chỉ là học thuộc cách chạy xe rồi cầm vô lăng, chạy phăng phăng ra đường đâu. Bạn cần đặt cái tâm vào trong đó nữa. Cũng giống như làm bất cứ một công việc gì, bạn phải tập trung cao độ, học hỏi không ngừng, luyện tập thường xuyên thì mới có thể hoàn thành tốt được. Và thường thì những tay lái chuyên nghiệp, họ đều có bí kíp cho riêng mình để lái xe an toàn”.

Cô giáo dạy lái xe có 10 năm kinh nghiệm, chỉ “tuyệt chiêu” đổ đèo khiến ai cũng ngỡ ngàng - 3

Đi đường đèo dốc, sự tỉnh táo và bình tĩnh là quan trọng nhất

Gần 20 năm cầm vô lăng rong ruổi khắp các cung đường từ Bắc vào Nam và 10 năm tâm huyết trong nghề dạy lái, chị Hiền đặc biệt quan tâm tới kỹ thuật xuống dốc khi đi đường đèo nguy hiểm. Theo chị, tình trạng tai nạn giao thông tại các tuyến đường miền núi ngày càng nhiều do chính sự chủ quan của tài xế, một phần xuất phát từ sự non kém trong kỹ thuật đổ đèo. 

Chị Hiền không ngần ngại chia sẻ bí kíp vượt qua những khúc cua nguy hiểm, nơi khuất tầm nhìn: “Trong quá trình đổ đèo, kỹ năng lái xe là yếu tố quan trọng. Người lái cần phải tập trung quan sát đường đi, dự đoán độ dốc, độ cong của đèo để thích ứng bằng cách giữ đều chân ga và điều chỉnh lực phanh linh hoạt. Việc thực hiện đổ đèo một cách thành công giúp bạn tránh được tình huống xe bị trượt, mất kiểm soát”.

strongQua cuộc trò chuyện, chị Hiền cũng chỉ ra những điểm cần lưu ý đối với tài xế như sau: /strong

Qua cuộc trò chuyện, chị Hiền cũng chỉ ra những điểm cần lưu ý đối với tài xế như sau: 

- Kiểm tra nhiên liệu và hệ thống an toàn của xe.

Trên đường đèo thường có rất ít trạm nhiên liệu, do đó trước khi chạy, lái xe cần kiểm tra xem xe còn đủ nhiên liệu hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra kỹ hệ thống an toàn của xe như: phanh, lốp, hệ thống đèn, điện, nhớt,... Nếu có dấu hiệu bất thường, bạn hãy đem xe đi bảo dưỡng kịp thời.

- Tuân theo nguyên tắc lên dốc - xuống dốc.

Khi vào đường đèo, bạn nên duy trì vận tốc phù hợp, tập trung lái xe, quan sát biển báo và chạy chậm khi qua các khúc cua. Tài xế có thể áp dụng nguyên tắc “lên dốc số nào xuống dốc số đó” và tránh việc rà phanh liên tục để đảm bảo an toàn khi lái xe.

- Đổ đèo không rà phanh.

Một trong những sai lầm của nhiều tài xế đó là ra phanh liên tục khi đổ đèo. Điều này sẽ khiến phanh chịu áp lực lớn, bị nóng, mòn hoặc thậm chí cháy phanh vô cùng nguy hiểm. Do đó khi đổ đèo, bạn cần sử dụng phanh động cơ bằng cách chuyển xe về số thấp và chỉ đạp phanh trong trường hợp cần thiết.

- Đổ đèo không về N, tắt máy xe.

Khi đổ đèo, lái xe tuyệt đối không được chuyển số về N hoặc tắt máy xe. Đây là cách làm vô cùng nguy hiểm bởi xe sẽ bị chạy tự do rất nhanh theo quán tính và tài xế phải rà phanh liên tục gây cháy hoặc mất phanh.

- Lưu ý không bám sát vạch chia đường.

Để đảm bảo an toàn cho các xe đi ngược chiều, bạn cần chú ý không bám sát vạch chia đường, nhất là tại những khúc cua. Tuy nhiên nếu điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế thì bạn có thể quan sát vạch kẻ để di chuyển nhưng phải có khoảng cách để đề phòng các tình huống bất ngờ xảy ra.

- Ưu tiên nhường đường cho xe khác, giữ khoảng cách an toàn.

Đường đèo thường nhỏ hẹp nên lái xe cần ưu tiên nhường đường cho xe khác để hạn chế ách tắc và xảy ra va chạm. Bạn chỉ nên vượt lên trong điều kiện an toàn và xác định thời gian để về đúng làn sau khi vượt. Thêm vào đó, lái xe cũng cần chú ý giữ khoảng cách với xe phía trước, đặc biệt là đối với những xe có trọng tải lớn.

- Lái xe với tốc độ chậm, nhất là xe tải trọng lớn.

Khi cua, các xe tải trọng lớn sẽ dễ bị lật hơn so với những loại xe khác. Vì vậy, tài xế cần duy trì tốc độ chậm, ổn định và tập trung quan sát để có thể bình tĩnh xử lý được các tình huống bất ngờ xảy ra.

- Lưu ý biển báo nguy hiểm.

Khi di chuyển, tài xế cần đặc biệt chú ý quan sát các biển báo nguy hiểm trên đường. Điều này giúp bạn chủ động kiểm soát được các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, bình tĩnh xử lý và đảm bảo an toàn cho chuyến hành trình của mình.

- Thật cẩn trọng khi vào cua.

Khúc cua thường là nơi xảy ra nhiều tai nạn đáng tiếc do lái xe lấn đường, vượt ẩu hay chạy quá nhanh,… Do đó, khi vào cua, bạn phải hết sức cẩn trọng, quan sát, giảm tốc độ, bấm còi và tuyệt đối không cua gấp.

- Sử dụng đèn phù hợp.

Nếu đi đường đèo vào ban ngày, trời nhiều sương, mây mù thì bạn nên bật đèn sương mù và đèn định vị LED. Còn khi lái xe vào ban đêm, bạn nên bật đèn pha và lưu ý chuyển từ đèn chiếu xa sang chiều gần khi có xe ngược chiều và lúc vào cua.

- Không vượt ẩu.

Đường đèo rất hẹp, có nhiều đoạn vòng, dốc và tầm nhìn bị hạn chế. Do đó, khi các xe vượt nhau mà không quan sát kỹ thì sẽ dễ xảy ra va chạm. Để đảm bảo an toàn, bạn cần chú ý biển báo cấm vượt, vạch chia làn đường và không vượt ẩu tại các khúc cua, khi lên dốc,...

- Chú ý nghỉ ngơi nhiều chặng.

Khi di chuyển trên các đoạn đường đèo, việc chia nhỏ hành trình thành nhiều chặng sẽ giúp tài xế có thời gian nghỉ ngơi và động cơ xe được làm mát. Thêm vào đó, bạn cũng cần chuẩn bị nước uống để giữ tinh thần tỉnh táo, tập trung hơn khi lái xe, tránh mệt mỏi, say xe do chưa quen với độ cao mới.

Hi vọng những chia sẻ trên đây của chị Hiền sẽ giúp ích cho các tài xế trên những đoạn đường đèo dốc. Chúc chị thật nhiều sức khỏe và thành công trong sự nghiệp.

Tài xế có giấy phép lái xe quốc tế khi tham gia giao thông tại Việt Nam nắm rõ quy định bắt buộc nếu không muốn bị phạt
Theo quy định tại Thông tư 29/2015 của Bộ GTVT, chỉ có giấy phép lái xe quốc tế IDP là có giá trị sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Tin tức 24h

Theo Thảo Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật