Cô giáo nghỉ dạy bán hàng rong nuôi 17 đứa em và câu chuyện gần 40 năm ngồi vỉa hè

Ngày 20/05/2019 06:00 AM (GMT+7)

Trong suy nghĩ của nhiều người, bán ở vỉa hè có lẽ chỉ dành cho những người không nghề nghiệp, bám víu vào những gánh hàng rong tạm bợ, đắp đổi qua ngày.  Thế nhưng tại TPHCM, có một cô giáo đã bỏ nghề dạy vì khó khăn để bán hàng rong, kiếm tiền nuôi em ăn học.

“Con cứ tưởng cô đi Mỹ… ai ngờ cô bỏ dạy để bán hàng rong”

Trên đường Lê Lợi, trước cổng bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, không khó để bắt gặp hình ảnh người phụ nữ trung niên cười nói lởi xởi bên cạnh “quán” nước nhỏ của mình.  Bà là Lê Thị Nguyệt ( 68 tuổi), gắn bó với công việc bán hàng rong gần 40 năm ròng. Nhìn người phụ nữ tần tảo này, khó ai đoán được trước đây bà đã từng là cô giáo.

Quê gốc ở Hà Nội, nhưng cô Nguyệt được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn.Trước năm 1975, bố cô là quản lý của khách sạn Caravelle - một nơi được xem là “chỉ dành cho giới nhà giàu” thời đấy.  Một mình bố cô gồng gánh mọi chi phí sinh hoạt gia đình và của 18 người con. Ngày giải phóng, với số vốn tích cóp mấy mươi năm ròng, ông về huyện Cần Giờ mua một vài mảnh đất với ý định canh tác nhưng sau một vài biến cố khiến ông thành người trắng tay, gia đình mất sạch vốn liếng.

Từ nhỏ cô bé tên Nguyệt đã ước mơ được trở thành cô giáo, cứ ngỡ tốt nghiệp Sư Phạm, được phân công dạy Toán ở trường THPT Trần Hưng Đạo là cô đã sống trọn ước mơ từ thuở nhỏ của mình. Nhưng biến cố gia đình xảy ra, nhìn 17 đứa em nheo nhóc đang tuổi đến trường, lương tâm và trách nhiệm của một người chị không cho phép cô chỉ nghĩ cho đam mê của riêng bản thân mình. “Trách sao được, thời đó lương giáo viên ba cọc ba đồng, cô chỉ dám đến trường “gõ đầu trẻ” trong hoàn cảnh không có nặng gánh kinh tế, nhưng mà giai đoạn đó, cả nhà 20 người lo chạy ăn từng bữa. Mấy đêm ròng thức trắng, rồi cô quyết định nghỉ dạy”, cô Nguyệt kể lại.

Rời bục giảng, xếp ngay ngắn quyển sổ đầu bài, loay hoay mãi không biết làm gì để phụ giúp gia đình, nghe nhiều người gợi ý, cô quyết định đi bán nước ở vỉa hè, kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em. Vốn liếng khởi nghiệp ngày đó chỉ  ba cái ly, muỗng, thùng đá, bịch cà phê ngon được “dẫn mối” cùng dăm ba chai nước ngọt, vậy là thành “quán nước mini”, cô Nguyệt vừa cười vừa nói.

Cô giáo nghỉ dạy bán hàng rong nuôi 17 đứa em và câu chuyện gần 40 năm ngồi vỉa hè - 1

Giỏ xách mà cô Nguyệt vẫn dùng đựng những vật dụng phục vụ cho công việc của mình.

“Ấy vậy mà 17 đứa em đứa nào đứa nấy cũng ăn học thành người, tụi nó mê làm nghề giáo nên hầu hết đi theo nghề này. Mà nhiều khi cô ngồi nghĩ, một phần chắc tụi nó cũng thương cô, đến trường để thực hiện tiếp ước mơ ngày nào dang dở của chị”, cô Nguyệt nói.

Cô giáo nghỉ dạy bán hàng rong nuôi 17 đứa em và câu chuyện gần 40 năm ngồi vỉa hè - 2

Gần 40 năm cô Nguyệt gắn bó với vỉa hè.

Gần 40 năm ròng, quầy nước nhỏ của cô Nguyệt vẫn ở ngay vỉa hè nơi trung tâm quận 1, chung thủy qua mưa nắng, tận mắt chứng kiến từng đổi thay của Sài Gòn. Lắm khi, quán nước còn là nơi cô - trò gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. “Nhiều đứa học trò đi ngang qua, ghé vào mua nước cứ ngây người nhìn, lát sau ngập ngừng hỏi nhỏ: Cô có phải cô Nguyệt, hồi trước dạy ở trường Trần Hưng Đạo không cô? Cô cười, gật đầu, còn tụi nó thì lí nhí: Con cứ tưởng cô nghỉ dạy đi Mỹ sống, ai dè cô bỏ dạy để bán hàng rong”, cô kể lúc ấy cả thầy lẫn trò khóe mắt cứ rưng rưng.

“Nghỉ hưu rồi…chắc buồn lắm!”

Mấy năm sau ngày nghỉ dạy, bám trụ vỉa hè như “cần câu cơm”, cô Nguyệt lập gia đình và hai người con trai ra đời trong niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Kinh tế gia đình được cải thiện đôi chút nhưng cô vẫn quyết định gắn bó với vỉa hè vì nơi này không đơn thuần là chốn mưu sinh, mà còn là những niềm vui và thói quen mỗi ngày không bỏ được: “Buôn bán vất vả lắm nhưng cũng ráng lo cho 2 đứa con ăn học. Mà ngộ lắm, cứ ngày nào không ra đây bán là ngày ấy trong người uể oải, khó chịu vô cùng. Làm riết rồi quen, 40 năm lúc nào không hay nữa”, người phụ nữ với dáng người khỏe khoắn, nhanh nhẹn bộc bạch.

Hai đứa con cô Nguyệt lớn lên và thành danh từ những giọt mồ hôi nơi vỉa hè của người mẹ tảo tần. Giờ cả 2 đều thành công và có công việc làm ổn định nhưng bao nhiêu lần ngỏ ý rước mẹ về là bấy nhiêu lần cô lắc đầu từ chối. “Cô còn sức khỏe nên muốn tự lo cho bản thân mình, không làm gánh nặng cho các con”, cô Nguyệt tâm sự lí do từ chối các con mình.

Chồng mất đến nay đã 9 năm, cũng là ngần ấy thời gian cô đi về một mình trong căn nhà hiu quạnh. “Chú ấy ra đi sau một cơn tràn dịch màng phổi sau khi đã được điều trị tạm ổn và cho về nhà. Hôm ấy cô đang bán, nghe người ta gọi, cô lật đật chạy về. Tới nơi, cả phần thân dưới của chú đã tím ngắt, đưa vào bệnh viện nhưng không kịp. Từ đó, cô dọn về sống chung với ba mẹ ở quận 12. Mấy năm nay sức khỏe yếu, không đi xe buýt nổi nên cô thuê một phòng trọ ở quận 4 với giá 1,5 triệu để dễ đi lại buôn bán”, đôi mắt cô đỏ hoe khi nhắc về người chồng của mình.

Vén gọn vài sợi tóc trước mặt, cô tâm sự ban ngày rong ruổi ngoài đường thì không sao, tối về sợ nhất là không có ai bên cạnh. Bệnh bất thình lình cũng chẳng biết kêu ai. Dường như đối với người phụ nữ ấy, nỗi cô đơn còn đáng sợ hơn nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Cuộc trò chuyện bị ngắt quãng khi cô Nguyệt thấy trời bắt đầu đổ mưa. Lật đật khiêng giỏ đồ nặng đựng sữa, đường, cà phê vào "gửi tạm" trước hiên bệnh viện, cô Nguyệt vội quay ra che chắn lại mấy thùng đồ bằng chiếc bạt cũ đã phai màu. "Đợt nắng kéo dài, có khi bán mà cô muốn xỉu vì thời tiết nóng quá, không chịu nổi. Lúc nào trên tay cũng cầm cái quạt. Nắng ở trên chiếu thẳng xuống, nắng dưới mặt đường hắt lên. Còn mấy ngày mưa, khách ít, cô cứ hết khiêng đồ vào lại khiêng đồ ra. Mưa ngồi dưới mái hiên thì phải bận áo mưa vì nước tạt vào xíu là ướt hết cả người", cô Nguyệt kể.

Cô giáo nghỉ dạy bán hàng rong nuôi 17 đứa em và câu chuyện gần 40 năm ngồi vỉa hè - 3

Đa phần khách của cô đều là khách quen, người ta thương nên ủng hộ

Mấy chục năm ròng buôn bán ở đây, đa phần khách của cô đều là khách quen, người ta thương nên ủng hộ. Lúc trước, ngày nào đắt thì cô kiếm được vài trăm, còn từ khi siêu thị tiện lợi xây dựng ngay bên cạnh, khách ngày càng vắng đi.

Góc vỉa hè nhỏ đối với người phụ nữ gần bước qua tuổi 70 không đơn thuần là cái không gian “nắng thì nóng, mưa thì lạnh” mà còn là nơi  bao dung, mở lòng hết thảy cho những phận người mưu sinh, không chỉ  chứa đựng bên trên là vài gói thuốc lá, thùng đá hay giỏ nước đóng chai của cô Nguyệt mà còn là nơi chứa đựng thanh xuân, những niềm vui, nỗi buồn của cả đời cơ cực. Nhìn góc nhỏ vỉa hè- nơi mấy mươi năm gắn bó, bất chợt cô nhoẻn miệng cười: “Mai mốt nghỉ hưu chắc sẽ buồn, sẽ nhớ lắm!”.

Bỏ nghề, 15 năm ròng rã cô giáo rượt đuổi thần chết, tìm lại ánh sáng cho con
Nhìn thấy cảnh người mẹ héo dần héo mòn bên ngoài cánh cửa phòng hồi sức tích cực, trong khi trong kia đứa con trai bé bỏng của chị cơ hội phục hồi...
HUY VÂN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động