Nhìn thấy cảnh người mẹ héo dần héo mòn bên ngoài cánh cửa phòng hồi sức tích cực, trong khi trong kia đứa con trai bé bỏng của chị cơ hội phục hồi gần như không có, các bác sĩ khuyên chị nên mang con về. “Khi nào con chết, lúc ấy tôi mới ngừng hy vọng”, chị nói.
(Nguồn clip: Hương Giang)
“Đừng sợ, mẹ sẽ luôn bên con”
15 năm trước, ngày nghe bác sĩ thông báo trong bụng chị cùng lúc có 2 giọt máu đang tượng hình, chị Nguyễn Ngọc Lan (45 tuổi, ngụ Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) như vỡ òa trong hạnh phúc. Mỗi lần nhìn xuống bụng mình, lại là mỗi lần chị mỉm cười khi nghĩ về tương lai rộn rã tiếng cười nói của 2 đứa trẻ. Niềm hạnh phúc ấy lớn dần lên qua từng cơn nghén, mỗi đợt đau lưng hay mỗi lần con đạp.
Rồi một ngày, cả hai đứa trẻ ra đời khi chỉ vừa tròn 31 tuần tuổi với cân nặng vỏn vẹn 1,1 kg. “Chỉ kịp nhìn con chưa đầy 10 phút, hai đứa nhỏ được các bác sĩ đưa vào lồng ấp vì quá yếu, mang nhiều biến chứng. Tôi nhớ mãi hình ảnh Duy Khang khóc re ré, cả người tím ngắt nằm bên cạnh anh trai Duy An đang trào bọt khí liên tục. Hai ngày sau, Duy Khang qua đời”, chị Lan buồn bã kể về mối duyên ngắn ngủi với cậu bé Lê Nguyễn Duy Khang - con trai mình.
Cứng cỏi hơn cậu em sinh đôi của mình, Lê Nguyễn Duy An vẫn kiên cường chống chọi. Chị Lan kể mỗi lần đứng ngoài cánh cửa phòng hồi sức tích cực là mỗi lần chị rơi nước mắt. Bên trong, “chiến binh” Duy An vẫn không ngừng quẫy đạp, cái miệng nhỏ tí chốc chốc lại cong lên “đớp” không khí.
Nghe bác sĩ bảo con chị có nguy cơ tim bẩm sinh, bại não, liệt… người mẹ cố nén nhưng không hiểu sao nước mắt liên tục trào. “Một ngày, bác sĩ kêu tôi vào cho biết bé bị thiếu máu không tái tạo, nguy cơ tử vong rất cao. Nếu vượt qua được, nó vẫn đối diện với nguy cơ chết não. Bác sĩ bảo tôi còn trẻ, để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, hãy mang con về”, chị Lan kể lại.
Đằng sau mỗi bước đi của con đều là sự hy sinh của mẹ.
Tựa vào tường, chị đứng thất thần hồi lâu rồi bật khóc nức nở. “Một đứa con của tôi đã qua đời khi chưa được bú giọt sữa nào từ mẹ. Còn đứa con còn lại, tôi không thể để con đi. Tôi không rút ống thở, dù còn một chút xíu niềm tin tôi vẫn không bỏ cuộc. Chỉ khi nào con chết, tôi mới ngừng hy vọng”, người mẹ 30 tuổi quả quyết.
Tự trấn an rằng mình còn phải là chỗ dựa cho đứa con chỉ vừa lọt lòng vỏn vẹn hơn một tháng, mỗi ngày nhìn con qua cửa kính phòng bệnh, chị đều thầm thì: “Đừng sợ, mẹ sẽ luôn bên con”. 5 tháng ròng rã nuôi con trong bệnh viện là ngần ấy thời gian người mẹ níu giữ niềm tin con sẽ hồi phục. Và điều tưởng chừng mong manh ấy đã thành sự thật, bé đã có thể tự sản sinh ra máu, bú mẹ và sẽ được cài máy thở. Thế nhưng ôm con vào lòng, chị nhận thấy điều bất thường ở mắt con. Bi kịch lại chồng chất bi kịch.
“Một lần nữa tôi suýt đổ quỵ khi nghe bác sĩ bảo con trai mắc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non, mắt mù vĩnh viễn. Tôi nắm tay bác sĩ, van nài và mong ông lấy một mắt của tôi để ghép cho con nhưng bác sĩ lắc đầu, bảo họ không thể lấy mắt khi tôi vẫn còn sống”, chị Lan nhớ lại.
Mẹ dắt con đi tìm ánh sáng
Hiện tại An đã có thể đọc chữ, hát và đánh đàn.
Không từ bỏ, chị Lan chạy chữa khắp nơi với hi vọng mang lại ánh sáng cho con nhưng đều thất bại. Một lần nghe bác sĩ nói Trường Phổ thông đặc biệt (PTĐB) Nguyễn Đình Chiểu TPHCM chuyên dạy cho trẻ khiếm thị, chị liền đến tìm hiểu. Con không đủ tuổi để đến trường, người mẹ trẻ xin học những kỹ năng chăm sóc, dạy trẻ khiếm thị rồi mang con về, chờ ngày con đủ tuổi đi học.
Ước mơ làm cô giáo từ nhỏ, thế nhưng đứng trên bục giảng chỉ vỏn vẹn vài tháng trời, chị Lan đành gác lại đam mê, xếp gọn gàng sách vở, hai mẹ con dắt díu nhau đến Sài Gòn. Chị Lan làm đủ việc, từ bán thuê, dọn dẹp nhà cửa, lột hành tỏi gia công…Ai thuê gì chị cũng làm, để có tiền thuê trọ, gồng gánh nuôi con. Cứ như thế, hết năm này qua năm khác mẹ quay vòng với cơm, áo, gạo, tiền, con say sưa với từng chữ số, quyết không đầu hàng bất kỳ thử thách nào.
Duy An (góc phải, thứ 2 từ dưới lên) trong giờ học cùng các bạn bình thường.
Say mê nhìn con đàn rồi hát, chị Lan mỉm cười hạnh phúc: “Đó là đứa con ngày xưa tôi đã quyết liệt giữ lại dù ai cũng nói nó sẽ không qua khỏi đâu. Giờ đây con đã biết hát, biết đàn, biết đọc chữ. Mới năm ngoái, An xin mẹ cho được ở nội trú tại Trường PTĐB Nguyễn Đình Chiểu để dần tự lập”.
Có lẽ, cuộc đời mang đi ánh sáng của cậu bé Duy An nhưng đã kịp bù đắp cho em trái tim đầy tình yêu thương và nghị lực phi thường. Không nhìn thấy nhưng An nghe được những tiếng khóc nấc nghẹn mà mẹ em cố giấu vào trong, cảm nhận được những vất vả gian lao trên hành trình cuộc đời mà vì em, mẹ đã cố vượt qua tất cả và thấu hiểu được cho những hi sinh vô bờ bến của mẹ từ đó hun đúc cho lòng tin sắt đá và khát vọng vươn lên.
“Dù em không nhìn thấy ánh sáng nhưng chính mẹ là ánh sáng soi đường cho em. Vì thương em, mẹ đã gác lại đam mê và ước mơ của cuộc đời mình, do đó em muốn trở thành thầy giáo để viết tiếp ước mơ ngày nào của mẹ”, An nói.