Được mệnh danh là ngành học có mức thu nhập cao hơn cả IT, thiết kế vi mạch đang là cái tên được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm với tiềm năng phát triển lớn trong thời gian tới.
Sự phát triển của những quốc gia giàu mạnh trên thế giới hiện tại đều có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp vi mạch. Chip bán dẫn, mạch tích hợp hay vi mạch thậm chí còn được coi như một công cụ trong đàm phán ngoại giao ở một số nước phát triển.
Vài năm trở lại đây, Việt Nam liên tục đón nhận nhiều cơ hội từ lĩnh vực siêu lợi nhuận này. Những tín hiệu khả quan xuất hiện khi hàng loạt những công ty thiết kế vi mạch thiết lập trụ sở tại Việt Nam, thậm chí "người khổng lồ Amkor" cũng gây chú ý với đầu tư vào Bắc Ninh. Vai trò của ngành công nghiệp nghìn tỷ USD đang trở nên sôi động và mở ra cơ hội cho những quốc gia có khả năng như Việt Nam. Vì vậy mà việc đào tạo ra những nhân sự chất lượng cao từ ngành học thiết kế vi mạch đang trở nên vô cùng cấp thiết.
Ngành công nghiệp vi mạch có ảnh hưởng quan trọng đến nền kinh tế của các quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Tuy vậy, số lượng các trường đào tạo ngành này chưa nhiều khiến việc thiếu nhân sự kéo dài. Theo các chuyên gia, đánh giá tình hình hiện tại, Thiết kế vi mạch sẽ là một lĩnh vực đầy triển vọng trong 10-15 năm tới, và nó sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ yêu thích nghiên cứu khoa học.
Thiết kế vi mạch còn có tên khoa học là Integrated circuit design hay VLSI design, ngành này chuyên nghiên cứu, phát triển, chế tạo các chip điện tử - còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit). Đây được xem là ngành học còn hot hơn cả ngành Khoa học máy tính với mức thu nhập cao. Tuy vậy, đây được đánh giá ngành học nặng về cả kiến thức lẫn thực hành. Thiết kế vi mạch cũng là lĩnh vực có sự đổi mới và tiến bộ liên tục. Các công nghệ mới tiên tiến hơn đòi hỏi kỹ sư phải có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu và tự đúc kết kinh nghiệm không ngừng nghỉ.
Ngành thiết kế vi mạch có tiềm năng phát triển trong tương lai, nhưng cũng là ngành nặng về kiến thức và thực hành.
Ngành học này cần nhiều kiến thức và kỹ năng khác nhau. Những kỹ sư Thiết kế vi mạch phải nắm chắc được nhóm kiến thức chung của ngành điện tử như kiến thức về mạch điện và mạch điện tử, kiến thức về linh kiện điện tử; kiến thức về vi điều khiển, vi xử lý; Kiến thức về lập trình với ngôn ngữ Assembly và C cho vi điều khiển và vi xử lý, kết hợp cùng với nhiều kỹ năng mềm cần thiết.
Đi đôi với sự phát triển của công nghệ tiên tiến, sinh viên ngành thiết kế vi mạch cần trang bị kiến thức chuyên môn đầy đủ và không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm.
Kỹ sư Thiết kế vi mạch có mức lương chênh lệch dựa trên số năm kinh nghiệm: Mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng, theo khảo sát của HSIA (Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP. HCM). Kỹ sư có 1 - 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 - 30 triệu đồng. Sau 6 năm, họ nhận lương trung bình 0,6 - 1 tỷ đồng mỗi năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng mỗi năm. Thu nhập này không hề kém cạnh hay thậm chí có phần nhỉnh hơn so với những ngành dẫn đầu về mức lương hiện nay như IT.
Với thực trạng khát nhân sự hiện nay, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế vi mạch được chào đón bởi nhiều doanh nghiệp hàng đầu, cả trong nước lẫn nước ngoài. Thậm chí nhiều sinh viên tại năm học thứ 2-3 đã nhận được nhiều lời mời gọi thông qua học bổng khuyến khích học tập, các cơ hội thực tập hấp dẫn từ các công ty chuyên về thiết kế vi mạch.
Nhận thức được tiềm năng phát triển trong tương lai, ngày càng nhiều trường đại học đã bổ sung thêm chuyên ngành thiết kế vi mạch vào trong chương trình đào tạo. Với các trường đại học có khoa Điện - điện tử, Điện tử viễn thông hoặc khoa Công nghệ đều giảng dạy các kiến thức cơ bản liên quan đến công nghệ vi mạch, mạch tích hợp (integrated circuit) hoặc bán dẫn (semiconductor). Ở khu vực miền nam, các trường top đầu đào tạo ngành này có thể kể đến như Đại học Bách Khoa TP.HCM; Đại học Công nghệ Thông tin TP.HCM; Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM… Ở khu vực miền Bắc có các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội...